Chánh Tài-
Kẹt xe là vấn nạn của nhiều thành phố lớn trên thế giới, trong đó có cả Hà Nội và TPHCM. Trong lúc kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của nhiều người, là vấn đề gây đau đầu với chính quyền các thành phố trong việc tìm giải pháp thì một số doanh nghiệp lại nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong cảnh ngổn ngang của xe cộ trên đường phố. Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, dịch vụ cho thuê trực thăng vừa ra đời nhắm vào nhóm khách hàng VIP và tầng lớp trung lưu.
Giảm giá hút khách
Theo tờ Nikkei Asian Review, trong dịp lễ Idul Fitri, đánh dấu thời điểm kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo ngày 25 và 26-6 vừa qua, Công ty Whitesky Aviation có trụ sở đặt ở Jakarta đã cho thuê dịch vụ trực thăng với giá khuyến mãi 14 triệu rupiah (24 triệu đồng Việt Nam) cho một chuyến bay chở sáu người trong thời gian 40 phút từ Jakarta đến thành phố Bandung. Mức giá này chỉ bằng phân nửa mức giá thường ngày.
“Vé bán rất tốt. Trước lễ Idul Fitri một vài ngày, chúng tôi được khách hàng đặt kín chỗ”, ông Denon Prawiraatmadja, Giám đốc điều hành của Whitesky Aviation cho biết.
Việc đi lại trong ngày lễ Idul Fitri hàng năm thực sự là một cơn ác mộng đối với hàng triệu người Hồi giáo trở về thăm gia đình của mình, bao gồm những người trên đường trở về Bandung, thành phố lớn thứ ba của Indonesia. Vào những ngày thường, hành trình 120 km từ Jakarta đến Bandung bằng ô tô chỉ mất bốn giờ, nhưng vào lúc cao điểm của dịp lễ Idul Fitri, hành trình này sẽ tăng lên 8-12 giờ do nạn tắc đường ở Jakarta, một trong những thành phố kẹt xe trầm trọng nhất thế giới.
Đợt khuyến mãi tương tự của Whitesky Aviation vào năm ngoái thu hút 600 lượt đặt chỗ thuê chuyến bay nhưng công ty chỉ đáp ứng được 30 chuyến bay vì chỉ có hai máy bay trực thăng. Hơn nữa, Bộ Giao thông Indonesia chỉ cho phép máy bay trực thăng hoạt động vào ban ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối.
Tuy nhiên, nỗ lực tiếp thị này đã giúp Whitesky Aviation quảng bá tốt dịch vụ cho thuê máy bay trực thăng có tên gọi Helicity như là một sự lựa chọn đi lại cho các hành khách có nhu cầu đi từ Jakarta đến các thành phố lân cận.
“Sau khi chuyển sang phương thức bán lẻ và cắt giảm giá vé, phân khúc thị trường của chúng tôi tự động mở rộng. Khách hàng của chúng tôi trở nên đa dạng hơn, chứ không chỉ những khách hàng siêu VIP”, ông Prawiraatmadja cho biết.
Thị trường ban đầu của Whitesky Aviation chủ yếu là các doanh nhân của các công ty khai khoáng và đồn điền. Hợp đồng với phân khúc khách hàng giảm trong năm 2015 và 2016 khi giá cả hàng hóa tụt dốc, khiến Whitesky Aviation phải tìm kiếm các phân khúc khách hàng mới.
Xây dựng sân bay trực thăng
Đầu tháng 6 vừa qua, Whitesky Aviation và một công ty quản lý sân bay trong nước đã động thổ dự án xây dựng sân bay trực thăng trị giá 287 tỉ rupiah (490 tỉ đồng) nằm sát sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô Jakarta.
Một khi được hoàn thành vào năm 2018, sân bay này có thể chứa 20 máy bay trực thăng, có một nhà ga, một phòng chờ thương gia. Đây sẽ là nơi vận chuyển hành khách từ sân bay Soekarno-Hatta về Jakarta và ngược lại. Dự kiến, giá vé cho một hành khách xuất phát từ vùng thủ đô Jakarta đến Soekarno-Hatta hoặc ngược lại cho chuyến bay kéo dài 10-20 phút vào khoảng hai triệu rupiah (3,4 triệu đồng).
Năm ngoái, Whitesky Aviation đã ký các hợp đồng mua 40 trực thăng mới bao gồm 30 chiếc trực thăng Bell 505 Jet Rangers từ Mỹ. Giá mỗi chiếc Bell 505 Jet Rangers chỉ khoảng hơn 1 triệu đô la Mỹ. Loại trực thăng này có thể chở bốn hành khách với giá vé mềm, giúp dịch vụ Helicity tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
“Trước đây, bạn chỉ có thể thuê một máy bay trực thăng cho chuyến bay dài hai giờ với giá hơn 60 triệu rupiah (hơn 100 triệu đồng), nên chỉ có các doanh nhân mới đủ sức chi trả”, ông Prawiraatmadja nói.
Với loại máy bay trực thăng hạng nhẹ mới bốn chỗ ngồi, tuyến bay Jakarta-Bandung sẽ giảm xuống đến mức 12 triệu rupiah (20 triệu đồng), chỉ bằng 1/3 chi phí vận hành mỗi giờ cho loại máy bay trực thăng hai động cơ, sáu chỗ ngồi mà Whitesky Aviation đang sử dụng.
Hiện nay, giá vé tàu lửa hạng sang từ Jakarta đến Bandung chỉ mất khoảng 140.000 rupiah (240.000 đồng) nhưng không có nhiều hành khách mua được vì số chỗ ngồi hạn chế. Trong khi đó, vé xe buýt cho tuyến Jakarta-Bandung chỉ khoảng 100.000 rupiah (170.000 đồng) song nạn kẹt xe trầm trọng khiến hành trình này rất vất vả.
Ông Prawiraatmadja cho biết ít nhất có bốn máy bay trực thăng mới sẽ được giao cho Whitesky Aviation vào tháng 10 tới. Whitesky Aviation đang thương thượng để nhận thêm sáu máy bay trực thăng nữa vào cuối năm nay và đến năm 2021, tất cả 40 máy bay trực thăng sẽ được giao xong.
Máy bay trực thăng của Công ty Whitesky Aviation. Ảnh: Whitesky Aviation
Uber, Grab vào cuộc
Bên cạnh Whitesky Aviation, một số công ty khác cũng đang nhắm đến dịch vụ cho thuê trực thăng. Hãng Uber đã hợp tác với hãng hàng không PremiAir có trụ sở ở Jakarta để cung cấp dịch vụ cho thuê trực thăng có tên gọi UberChopper ở Jakarta và Bali trong năm 2015 và 2016. Đến nay, dịch vụ này đã tạm ngưng hoạt động nhưng có thể tái khởi động.
Đầu tháng 6-2017, hãng cung cấp dịch vụ gọi xe hàng đầu Đông Nam Á Grab có trụ sở tại Singapore và đối tác Lippo Group, tập đoàn phát triển bất động sản của Indonesia đã thử nghiệm dịch vụ cho thuê trực thăng GrabHeli bằng cách mời một số hành khách chọn lọc bay miễn phí.
Mediko Azwar, Giám đốc tiếp thị của Grab Indonesia, cho biết Grab Indonesia đang nghiên cứu tính khả thi của dịch vụ cho thuê trực thăng giá mềm ở thủ đô Jakarta và các khu vực lân cận. Ông cho biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Jakarta sẽ quan tâm dịch vụ này vì họ muốn tìm kiếm một sự lựa chọn đi lại có thể giúp tránh nạn kẹt xe nghiêm trọng ở Jakarta.