Trang Nguyễn -
Phim Em chưa 18 vừa có một cuối tuần chiếu sneak show (các suất chiếu đặc biệt trước khi công chiếu chính thức) được nhà sản xuất cho là thành công ở phòng vé, phá mọi kỷ lục về suất chiếu sớm từ trước đến nay của phim Việt Nam.
Ngay khi con số doanh thu phòng vé được công bố, nhiều nhà chuyên môn cho rằng đây là một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận sau một thời gian dài ngập tràn các tác phẩm điện ảnh nội địa được đánh giá không cao, doanh thu phòng vé thấp.
Từ Em chưa 18
Em chưa 18 kể câu chuyện về Linh Đan, cô bé học sinh chưa đủ 18 tuổi, thất tình vì cậu bạn cùng trường, đã lập kế hoạch giăng lưới bẫy một tay chơi chính hiệu làm bạn trai của mình, để lấy le với người cũ và tình địch. Bộ phim lấy đối tượng chính là học sinh phổ thông, chọn bối cảnh một trường học kiểu Mỹ, có đêm vũ hội cuối năm tìm ra ông hoàng-bà hoàng của đêm tiệc. Không một nhân vật trẻ tuổi nào giữ màu tóc nguyên bản, ngôn ngữ tiếng Việt luôn có kèm tiếng Anh trong từ ngữ, lối nói chuyện và cách hành xử.
Ngoài đề tài tuổi mới lớn bùng nổ cảm xúc sớm, phim còn khai thác đời sống người trẻ đô thị nói chung với những diễn biến tâm lý phức tạp, áp lực từ gia đình, nghề nghiệp và các mối quan hệ chóng vánh. Những chiêu trò, sự kiện kiểu đi quán bar khi chưa đủ tuổi, lối sống kiểu “tình một đêm”, chuyện quay clip nóng tống tiền… có vẻ rất phổ biến trên mạng xã hội gần đây, có người cho rằng phim đang bị làm quá và không (nên) đại diện cho lối sống phần lớn người trẻ hiện đại.
Đây cũng là bộ phim được tuyên bố không sử dụng kịch bản Việt hóa hay lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật hoặc chuyển thể từ tác phẩm văn học. Tuy nhiên, với những gì thể hiện ở lời thoại, diễn xuất hay cách kể nói chung, đây còn là một bộ phim Tây phương hơn cả những dự án chuyển thể phim Hàn Quốc và Hoa ngữ khác, một đạo diễn nhận xét.
Công bằng mà nói, phim Em chưa 18 giới chuyên môn đánh giá có những góc quay đẹp, âm thanh, đạo cụ chuyên nghiệp, đánh dấu diễn xuất chào sân tự tin và vẻ đẹp của Kaity Nguyễn. Bộ phim này cũng là lần trở lại của đạo diễn Charlie Nguyễn ở vai trò sản xuất sau phim Fan cuồng. Ê kíp Việt kiều và tư duy Âu Mỹ mang đến phong vị kiểu Tây một bộ phim tuổi teen là điều dễ hiểu.
Phim Việt nhưng hồn cốt nước ngoài
Cảnh trong phim 4 năm 2 chàng 1 tình yêu.
Không phải bây giờ mà thời gian qua, có khá nhiều các phim Việt Nam được cho là chất lượng hoặc thành công ở phòng vé nhưng là những tác phẩm lời Việt mà hồn cốt như đến từ những nền giải trí khác.
4 năm 2 chàng 1 tình yêu, phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn gốc Thái Luk Vân là một câu chuyện ngôn tình đậm chất Hoa ngữ với những lời thoại như phim Đài Loan và nam diễn viên chính là Harry Lu cũng là người Đài Loan luôn. Trước đó, một tác phẩm thành công khác dòng học đường tuổi trẻ 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy cũng tập hợp dàn nhân vật tóc xanh đỏ và bối cảnh khá gần gũi với Thái Lan hay Đài Loan chứ không phải Việt Nam. Bộ phim này nhận giải Cánh Diều bạc cho phim điện ảnh xuất sắc và nhiều giải thưởng Cánh Diều vàng cá nhân, đặc biệt là đạo diễn xuất sắc nhất cho Vũ Ngọc Phượng ở phim đầu tay. Bất kỳ ai xem phim này cũng cho rằng tình tiết nội dung khá duyên dáng, chừng mực và tinh tế ở cảm xúc của câu chuyện nhưng phục trang, bối cảnh và nhịp dàn dựng đã khiến phim gần gũi nhiều với lối sống của các nền điện ảnh lân cận.
Không hiếm các phim Việt hiện nay đều dùng một lối kể mà nhà sản xuất cho là chuẩn quốc tế nhưng đôi khi xa lạ với văn hóa Việt Nam. Phim của một đạo diễn Hollywood (Mỹ) gốc Nhật, kể một câu chuyện phim với các nghiệp đoàn công nghiệp, dịch vụ vệ sĩ bảo vệ thân chủ. Rồi phim của một đạo diễn Việt Kiều kiểu kinh dị được làm một cách chuyên nghiệp nhưng cách kể hoàn toàn Mỹ, với các diễn viên xuất thân Pháp nhưng nói tiếng Anh. Rồi phim Bạn gái tôi là sếp của đạo diễn Hàm Trần không chỉ có ê kíp Việt kiều mà còn tuyên bố phóng tác từ kịch bản ATM của Thái.
Một đạo diễn đánh giá, khi những đạo diễn dù học được cách sử dụng lối kể chuyên nghiệp của các nền điện ảnh thế giới nhưng mới chỉ dừng lại là phương tiện kể chuyện mà chưa truyền tải được hồn cốt cảm xúc thì sẽ vẫn dừng lại ở một sản phẩm nghe nhìn sạch sẽ.
Đầu tư một bộ phim hiện nay tốn nhiều tiền bạc và công sức, nhu cầu thu hồi vốn và có lãi cũng là chuyện bình thường nhưng nên chăng, những nhà đầu tư và đạo diễn cần có nỗ lực để mỗi bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật có nội hàm văn hóa và tính dân tộc, như cách nhiều nền điện ảnh tiên tiến của khu vực và thế giới đang theo đuổi.