Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Có một ngôi nhà đa văn hóa giữa lòng Sài Gòn

BẢO HƯỚNG -  

Tiếng Việt ru bên nôi, tiếng mẹ thương vô bờ/Đưa con vào đời bằng vần thơ, những cánh cò bay rợp mộng mơ/Tiếng Việt cha dạy con, những chiều bay cánh diều/Câu đồng dao bên bạn quen, cho con nhìn quê mình tình yêu.

Những câu ca ngọt ngào cất lên cùng với những tà áo dài e ấp, mang theo hình ảnh một Việt Nam bình yên đầy yêu thương đã mở màn cho Đêm hội sinh viên quốc tế với Văn hóa Việt diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tối ngày 12-12.

aaĐiệu múa truyền thống Thái Lan.

Đây là Lễ hội khoa Việt Nam học truyền thống lần thứ 5 do khoa Việt Nam học phối hợp với hội sinh viên của trường tổ chức, nhằm mang đến một không gian đa văn hóa, giới thiệu một Việt Nam giàu bản sắc đến bạn bè quốc tế, và đưa những nét văn hóa độc đáo khắp nơi trên thế giới đến với các bạn trẻ Việt Nam. Với dụng tâm đó, các giảng viên khoa Việt Nam học đã tận tâm hướng dẫn các học viên quốc tế tập hát tiếng Việt, hòa mình vào khung cảnh làng quê, những câu chuyện dân gian, lời ca tiếng hát... Để rồi, trong đêm hội ấy, có một “Thằng Cuội” Hector người Pháp ngẩn ngơ dưới cây đa to, trong ánh trăng vàng nghêu ngao rằng “Có con dế mèn/Suốt trong đêm khuya/Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ”. Và hài hước vẫy vẫy chiếc túi rỗng không. Các sinh viên người Hàn Quốc tưng bừng hòa trong điệu vũ trống cơm. Đến từ xứ sở khác, các bạn trẻ lạ lẫm thích thú với chiếc trống bé xinh, với tà áo dài khăn đóng, còn các cô nàng người Việt uyển chuyển lí lắc trong tà áo tứ thân. Dường như tà áo dài là điểm nhấn của đêm hội khi các cô gái đến từ Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều thích thú khoác lên người một bộ thật xinh, tự tin sải những bước đi trên sân khấu như những người mẫu chuyên nghiệp. Này tà áo trắng tinh khôi, này tà áo vàng vương giả, này tà áo đỏ ấm nồng, này tà áo xanh mây trời... Những tà áo dịu dàng e ấp làm anh chàng dẫn chương trình (MC) người Hàn Quốc ngẩn ngơ. Có lẽ không chỉ anh chàng ấy ngẩn ngơ, mà còn có chàng “ca sĩ” người Nhật, Yasuhiro Tamiya, lạc lối, ôm guitar ngồi hát Tôi yêu Việt Nam.

bbAnh Hector, người Pháp trong vai Thằng Cuội.

Hai giờ của chương trình, lúc sôi động với Lý Ngựa Ô, lúc lắng đọng với điệu múa truyền thống của các bạn trẻ người Thái, lúc hờn dỗi của những kẻ đang yêu trong Bốn chữ lắm. MC cũng có khi lúng túng với vốn tiếng Việt còn trọ trẹ, và diễn viên có lúc phát âm chưa tròn vành rõ chữ. Nhưng để có hai giờ ăm ắp văn hóa đó là cả nỗ lực của cả người dạy và người học tiếng Việt trong nỗi niềm gìn giữ và giới thiệu tiếng nói cha ông, như lời bài hát vang vọng:

Tiếng Việt còn trong mọi người, người Việt còn thì còn nước non

Giữ tiếng Việt như ngày nào, hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau

Tiếng Việt còn trong mọi người

Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn

Giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấy lời sắc son.

Cßc-b_n-sinh-viOn-nu_c-ngoai-tr_nh-di_n-th_i-trang-ßo-dai-truy_n-th_ng-c_a-Vi_t-NamCác bạn sinh viên nước ngoài trình diễn thời trang áo dài truyền thống của Việt Nam.

[box] Trước đó, sáng ngày 12-12, gian hàng giới thiệu văn hóa và ẩm thực các nước đã diễn ra tại sân trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, với sự tham gia của một số nước như Thái Lan, Tajikistan, Kazakstan, Phillipines. Bạn có thể bắt gặp một góc làng quê Việt với ông đồ bên cội hoa, hay những trò chơi dân gian như tò he, xếp lá dừa. Rồi một góc khác là những anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ đang nhảy nhót, góc nọ là các bạn Nhật Bản giã gạo làm bánh... Tất cả hòa thành một mái nhà chung, đa văn hóa giữa lòng Sài Gòn.[/box]

 

Chọn bài hát Sài Gòn đẹp lắm và Hãy yêu nhau đi để khép lại chương trình, đêm hội đã nhắn gửi đến bạn bè quốc tế về một Sài Gòn sôi động, phát triển nhưng luôn gìn giữ vốn văn hóa dân tộc và Sài Gòn luôn rộng mở với muôn phương trong yêu thương, nối kết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối