Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Có nên lùi ngày khai giảng năm học mới?

(SGTT) - Sài Gòn đã bước sang tuần thứ 2 giãn cách nghiêm ngặt với nhiều biện pháp phòng chống Covid-19 ngày càng quyết liệt nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Giữa trăm ngàn nỗi lo thì tôi thấy chuyện khai giảng và học trực tuyến (online) sau ngày 5-9 thật sự là ý tưởng tốt nhưng thực hiện thì không đơn giản.
Ảnh minh họa: Shutterstock

Được biết, tính đến hết tháng 8, thành phố hiện có gần 90.000 F0 đang điều trị tại nhà và hơn 40.000 F0 tại bệnh viện, trong đó có hàng ngàn giáo viên và học sinh, tương ứng với cả chục ngàn hộ gia đình. Với các em học sinh, bình thường học online đã khó huống chi dịch bệnh càng khó khăn, chưa kể, tuổi càng nhỏ lại học càng khó.

Tôi chưa hình dung học sinh lớp 1, lớp 2 học online thế nào? Chỉ còn mấy ngày nữa khai giảng mà sách giáo khoa chưa có. Rồi năm nay, khối 2 và khối 6 thay sách giáo khoa, nhiều thay đổi trong cách đánh giá học sinh, cách dạy; giáo viên chưa kịp thích nghi. Không ít thầy cô tự nguyện hoặc được trưng dụng đang tham gia chống dịch ở các địa phương.

Nhiều phụ huynh là học trò và nhân viên của tôi điện thoại nhờ và hỏi đủ thứ. Từ việc nhỏ như muốn đo độ, thay kính cận, loạn thị đến việc mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con. Từ việc sửa điện thoại hay máy tính đến việc mua mới đều bí rị. Đó là những gia đình có điều kiện còn ngược lại thì không rõ như thế nào. Học online đồng bộ, mỗi em phải một máy chứ không thể dùng chung. Vậy làm cách gì để tất cả học sinh đều có máy học?

Bình thường, mạng đã chập chờn, thò thụt. Giờ đồng khởi học học online, chưa biết chất lượng đường truyền có chịu nổi. Nhưng lo nhất là trang thiết bị và cách truyền đạt của từng giáo viên. Ai giúp họ trang bị nghiệp vụ khi có thể chưa có kịp sách để dạy?

Không ai phủ nhận những tiện lợi của công nghệ nhưng nhiều thứ máy móc không thể thay thế con người. Chứa kể máy móc còn tùy thuộc nhiều thứ như chất lượng máy, đường truyền, không gian học, cách dạy và cách học. Tôi đang dạy online, từng dự hội nghị, hội họp trực tuyến. Con tôi đang học online từ giữa tháng 8. Đang học, thỉnh thoảng cháu vẫn chuyển kênh khác nên phải nhắc thường xuyên để cháu tập trung.

Tôi chưa hình dung nổi về những gia đình đang gặp nạn, đang đánh vật từng ngày về bữa ăn, những xóm nghèo chen chúc, những gia đình cho trẻ về quê… sẽ học online thế nào? Ngày 30-8, sau thời gian vi hành thực tế xuống các tâm dịch, Thủ tướng Pham Minh Chính đã xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối.

Thiết nghĩ việc khai giảng năm học mới chưa nhất thiết phải vào đầu tháng 9. Theo ý kiến chủ quan của tôi và nhiều phụ huynh lẫn giáo viên, nên lùi thời gian khai giảng, ít nhất thêm một tháng để chuẩn bị. Khi viết những dòng này, tôi vừa nhận được tin, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn vừa đề nghị các địa phương có dịch bệnh phức tạp lùi năm học mới cho đến khi kiểm soát được dịch bệnh. Chỉ đạo này là muộn so với đề nghị và búc xúc của giáo viên lẫn phụ huynh, nhưng muộn còn gấp mấy lần không.

Lùi là để có thời gian chuẩn bị, từ sách giáo khoa, cửa hàng kính thuốc cho đến cửa hàng sửa chữa, đổi và mua bán máy tính. Từ việc trang bị phương tiện và kỹ năng cho giáo viên đến việc đảm bảo chất lượng đường truyền. Phải có thời gian để giáo viên, phụ huynh và học sinh chuẩn bị. Đặc biệt là hỗ trợ các gia đình nghèo để không em nào bị bỏ quên, thất học vì online.

Ngoài việc đảm bảo tiêm chủng đủ 2 liều cho người trưởng thành toàn quốc trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng Pham Minh Chính cũng chỉ đạo tiến hành kế hoạch tiêm chủng vắc-xin cho học sinh trung học cơ sở (trên 12 tuổi) như các nước, để các em có thể đến trường trong điều kiện bình thường mới.

Xin nhấn mạnh, làm gì cũng cần chuẩn bị bởi chuẩn bị càng tốt, hiệu quả càng cao. Với giáo dục, lại càng phải chuẩn bị chu đáo. Mong lắm thay!

Nguyễn Văn Mỹ

Giảng viên Doanh nhân, Khoa Du lịch trường Đại học Nguyễn Tất Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối