Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Cơ quan chức năng cảnh báo thêm ba hình thức lừa đảo mới

(SGTT) - Mạo danh công an hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa, lừa đảo gửi tin nhắn bình chọn cuộc thi vẽ tranh trên mạng xã hội hay giả danh nhân viên Viettel chiếm đoạt tài sản người dùng là những hình thức lừa đảo mới nhất mà cơ quan chức năng thông tin đến người dân.

Theo đó, trong nội dung Điểm tin tuần từ ngày 30-9 đến 6-10, thông tin tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật trên không gian mạng Việt Nam vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo tới người dân, tiếp tục là những trường hợp lừa đảo mới, gây rủi ro chiếm đoạt tài sản mọi người.

Mạo danh công an hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa

Theo Cục An toàn thông tin, gần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện một số trang giả mạo các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an. Những trang giả mạo này đăng tải nhiều video, bài viết với nội dung cảnh báo về các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, các đối tượng lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo với cam kết chỉ thu tiền sau khi nạn nhân đã lấy lại được số tiền đã mất. Đáng nói, các trang giả mạo còn được xác thực tích xanh, tạo dựng uy tín giả để đánh lừa người dân, đặc biệt là những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại tiền.

Nhiều nạn nhân vì tin theo quảng cáo trên những tài khoản Facebook giả mạo nên đã liên hệ, tiếp tục chuyển tiền để được hỗ trợ lấy lại tiền, và tiếp tục mất thêm tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Chính vì thế, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không liên hệ với các trang mạng xã hội quảng cáo dịch vụ như tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo, hay thu hồi tiền lừa đảo. Mọi người không nên truy cập vào các liên kết hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc; không thực hiện theo yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng không rõ danh tính.

Lừa đảo gửi tin nhắn bình chọn cuộc thi vẽ tranh trên mạng xã hội

Với hình thức này, nhóm đối tượng lừa đảo đã tạo trang web giả mạo bình chọn cuộc thi vẽ tranh 2024, sau đó gửi đường link có tên miền "weebly.com" kèm tin nhắn nhờ bình chọn qua ứng dụng Messenger của Facebook.

Khi người dùng bấm vào đường link, nhập tên tài khoản đăng nhập và mật khẩu thì thông tin này được lưu lại. Từ đó, đối tượng chiếm quyền truy cập tài khoản Facebook, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng có tên trùng với chủ tài khoản Facebook và chiếm đoạt tiền.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không truy cập vào các đường liên kết hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc; không thực hiện theo hướng dẫn, yêu cầu của đối tượng không rõ danh tính; không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mật khẩu tài khoản dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài ra, người dùng cần kiểm tra thông tin trên các trang web hoặc kênh truyền thông chính thức của chương trình hoặc tổ chức được đề cập; thiết lập xác thực 2 yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân nên đến cơ quan Công an trình báo hoặc qua ứng dụng VNeID để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Giả danh nhân viên Viettel chiếm đoạt tài sản

Mới đây, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố và bắt tạm giam một số đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, từ tháng 5-2024, nhóm người này đã lên kế hoạch bằng cách giả mạo nhân viên Viettel, thông báo nạn nhân trúng thưởng quà tặng giá trị. Nhiều người tin theo, nộp tiền để làm thủ tục nhận giải. Kết quả, nhóm lừa đảo sau khi thực hiện thành công hành vi lừa đảo liền dừng liên lạc bởi chúng sử dụng SIM rác.

Theo Pháp Luật, TTXVN, Nhân Dân

Phúc An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối