Liêu Đông
Nhiều bộ phim cổ tích trên màn ảnh gần đây khiến người ta giật mình với ý nghĩ, thế giới thần tiên của tuổi thơ ấy có thể được kể lại theo một cách khác, dưới cái nhìn của tuổi trưởng thành.
Cải biên truyện cổ tích không phải là ý tưởng mới mẻ. Ít nhất người ta đã từng thấy Walt Disney làm điều này trong hơn nửa thế kỷ, bằng thể loại hoạt hình. Lược đi những yếu tố bạo lực hoang dã trong câu chuyện dân gian truyền khẩu, thêm vào những tình huống hành động, hài hước, Walt Disney mang lại tinh thần nhân văn lẫn sự sinh động vui vẻ cho những câu chuyện gối đầu giường của trẻ nhỏ. Chúng khiến các bậc phụ huynh an tâm vì câu chuyện dù đậm chất giải trí vẫn luôn chứa đựng những bài học đạo đức rất rõ ràng, sự rạch ròi giữa thiện-ác và không đi quá xa khỏi những chủ đề có tính giáo dục.
Khai thác cổ tích bằng mọi giá?
Nhưng cải biên cổ tích thành kịch bản làm phim bom tấn do người đóng, chiếu cho mọi đối tượng khán giả xem, lại là câu chuyện khác. Dù không bạo lực đến mức “giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi” như sách cổ tích nhảm nhí gần đây kể chuyện về Thạch Sanh. Nhưng với sự hỗ trợ đắc lực của kỹ xảo và hóa trang, nội dung của chúng gần như bị phủ lên màu sắc đen tối, nhằm đem lại sự mới mẻ và thú vị cho câu chuyện vốn đã quá quen thuộc.
Ngay như Lọ Lem (phim đang chiếu tại Việt Nam), được đánh giá vào loại tươi sáng và lãng mạn nhất, cũng bắt đầu câu chuyện của mình bằng hai cái chết, chủ đề mà các phim truyền thống thường tránh né. Nằm trong xu hướng gieo những ý tưởng về nữ quyền bằng cách để cuộc gặp gỡ giữa Lọ Lem và hoàng tử diễn ra ở trong rừng, khi cả hai chưa hề biết gì về thân phận của nhau. Họ thu hút lẫn nhau một cách tự nhiên, ở cả tinh thần lẫn vẻ bề ngoài và đến với nhau bằng sự chấp nhận con người thật bên trong.
Phim thậm chí khai thác lại nhân vật dì ghẻ (Cate Blanchett đóng) theo một cách khác. Cổ tích được kể từ vị trí của bà, như bà có quyền làm thế, cũng đầy sự bất hạnh như Lọ Lem. Hai người đàn ông đi qua đời bà đều bỏ ra đi. Nhưng điểm khác là bà không tin vào phép màu, mà tin vào những toan tính, thủ đoạn có thể đem lại hạnh phúc cho bà và hai đứa con gái ngốc nghếch, hời hợt.
Chuyện “thêm mắm dặm muối” có thể mang lại cho câu chuyện chiều sâu lẫn những quan niệm phù hợp với thời hiện đại. Nhưng những chủ đề dường như lại quá phức tạp lẫn không thích hợp với trẻ nhỏ. Khu rừng cổ tích, chiếu tại Việt Nam hồi tháng 1 vừa rồi là ví dụ. Phim này pha trộn các truyện cổ về Lọ Lem, công chúa Rapunzel, cô bé quàng khăn đỏ và Jack vào chung trong một câu chuyện lấy ý tưởng cho rằng ham muốn, dục vọng là một khu rừng tăm tối, khiến người ta lạc lối và đánh mất bản thân.
Các nhân vật đều bị “đặt lại vấn đề”. Khi đi tìm chàng hoàng tử giúp mình thoát khỏi cảnh mồ côi bất hạnh, Lọ Lem bỗng thấy mình hoang mang không biết có phải đó là điều cô muốn lựa chọn. Cô phải đánh rớt chiếc giày… ba lần để tìm ra câu trả lời cho mình. Hay như con sói lại chỉ nhìn thấy ở cô bé quàng khăn đỏ vẻ đẹp tươi non làm trỗi dậy dục vọng thèm khát ở sói. Bà phù thủy chỉ muốn xóa đi tuổi già để trở lại thời xuân sắc. Vợ anh hàng bánh lại bất ngờ “say nắng” với chàng hoàng tử, khi cảm thấy chán anh chồng thật thà, thiếu tham vọng.
Chọn lựa giữa lợi nhuận và nghệ thuật
Với nội dung già dặn khai thác mối quan hệ căng thẳng giữa mẹ ghẻ-con chồng, các phim như Bạch Tuyết và gã thợ săn, Gương kia ngự ở trên tường (cùng năm 2012) cũng không ngần ngại đưa vào những nụ hôn hay các cảnh… trên giường. Và diễn xuất của người thật khiến chúng có hiệu quả hoàn toàn khác với hoạt hình. Phim đầu tiên thậm chí còn đưa vào hình ảnh một chất lỏng phủ lên thân hình khỏa thân của bà phù thủy (Charlize Theron). Phim này cũng nặng về tính hành động bạo lực với câu chuyện gã thợ săn được phái đi sát hại Bạch Tuyết và trong thế đường cùng, nàng đứng lên dẫn đầu cuộc cách mạng chống lại bà hoàng hậu độc ác.
Còn nhớ năm năm trước, cách chế tác phim bom tấn từ kho tàng cổ tích đã bất ngờ được mở ra như một hướng đi mới khi bộ phim Alice lạc vào xứ thần tiên với diễn xuất của Johnny Depp và Anne Hathaway, thu về hơn 1 tỉ đô la tiền vé trên toàn cầu, so với kinh phí 200 triệu đô la. Kể từ đó dòng phim này thường chiếm lĩnh màn ảnh vào mùa xuân.
Dù không phải phim nào cũng thành công về doanh thu, chẳng hạn như Jack và hạt đậu thần năm 2013 và Cô bé quàng khăn đỏ năm 2011, nhưng chúng thường xuyên thu về hàng trăm triệu đô la tiền vé trên toàn cầu. Gần đây nhất, Lọ Lem kiếm được tới 253 triệu đô la tiền vé (so với chi phí 95 triệu đô la) chỉ sau 10 ngày trình chiếu. Thế nên, dòng phim này sẽ còn chảy dài trong nhiều năm sắp tới với một loạt phim đã được đưa vào kế hoạch sản xuất như Người đẹp và quái vật, Pinochio, Peter Pan…