Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Coi chừng cá nuôi giả cá đồng

Nguyễn Thanh - 

Hiện nay, giá cá đồng trên thị trường luôn cao hơn so với cá nuôi cùng loại. Lý do, cá đồng sống trong môi trường tự nhiên, không dùng thức ăn công nghiệp nên thịt cá ngọt, dẻ, thơm hơn cá nuôi và giá bán cũng đắt hơn cá nuôi gấp đôi hay gấp ba.

ca-ro-dong

Tuy nhiên, trên thực tế, cá đồng trong điều kiện nuôi ở ruộng đồng tự nhiên hiện nay không còn bao nhiêu và một số người bán tham lam đã lừa người mua, đem bán cá nuôi nhưng nói đó là cá đồng hòng nâng giá bán kiếm lợi cho nhiều. Người ở đô thị do không phân biệt được giữa cá nuôi và cá trong tự nhiên nên dễ bị lừa đảo, chỉ khi ăn thấy thịt cá không ngon mới vỡ lẽ.

Để phân biệt được cá nuôi và cá đồng cũng đơn giản. Cá đồng thường có màu tối hơn cá nuôi, do chúng sống ẩn trong bùn đất, rong rêu, lùm cây. Đầu cá đồng nhỏ, dài, mình thon, ấn vào thịt săn cứng (xem ảnh). Ngược lại, cá nuôi thường có đầu to, bè ra, mình ngắn, thịt mềm. Cá đồng tự kiếm ăn, bơi nhiều và vượt nhiều chướng ngại vật trong quá trình đi tìm sự sống khiến thân chúng dài, thon gọn (kể cả ở phần vây và đuôi) ruột và dạ dày nhỏ. Còn cá nuôi, ăn các loại thức ăn được người nuôi rải xuống và không cần thiết phải bơi nhiều như trong tự nhiên. Cá nuôi thường có thể chất yếu hơn nên hay nằm im trong thau, chậu (của người bán), trong khi đó loại cá đồng quẫy mạnh, nhảy vọt lên cao, nếu không kịp bắt có thể lóc ra xa. Đó là lý do nhiều người dân quê khi câu được cá đồng đã phải dằn nắp lu chứa cá rất kỹ để cá không nhảy, quẫy bật ra ngoài trốn mất.

Và nhân đây, tôi nghĩ rằng những người bán – dù là tiểu thương hay người buôn bán ở chợ “chồm hổm” – cũng nên lấy chữ đức làm tôn chỉ hàng đầu trong kinh doanh. Bởi khách hàng biết họ bị lừa thì sẽ không tin tưởng, không quay lại để mua cá và khi có điều kiện thuận lợi họ sẽ thông tin cho những người quen biết khác cùng tẩy chay người bán hàng lừa đảo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối