(SGTT) - "Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người". Cá bống là loại cá quen thuộc với mọi người, ngay cả trẻ em cũng đã sớm nghe đến tên chúng qua truyện cổ tích Tấm Cám với mấy lời cô Tấm gọi con bống lên ăn nghe êm tai như nhưng câu ca, lời hát.
Nên tiếng món cá ngon, lành
Ở miền Trung cá bống có ở nhiều nơi, từ vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) đến các con sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, và cả ở một số khe, hói nhỏ bên sông. Được xem là loại cá lành, từ bao đời nay cá bống kho là món ăn thơm thảo được cả kẻ chợ người quê ưa thích.
Nhưng may mắn hơn cho người chài cá bống ở sông Trà Khúc – một con sông lớn ở tỉnh Quảng Ngãi, chừng mười năm nay cá bống ở đây đã trở thành món đặc sản của xứ sở núi Ấn sông Trà của họ.
“Con cá bống sông Trà mình được coi là con cá ngon không phải là do dân mình tự nói mà là từ người ở bên ngoài nói đó” – ông Nguyễn Ba, một người nối nghề chài cá bống từ lâu đời ở đây, nói. Theo ông, cá bống sông Trà Khúc được cho là ngon hơn cá bống các nơi khác có lẽ là do bởi đặc thù của nguồn nước, của bùn - cát, rong rêu ở dòng sông này. "Cũng như cái đất đai, cái nắng mưa, khí hậu làm cho cái trái cây, cái rau củ ở vùng này ngon hoặc dở hơn ở nhưng vùng khác vậy đó”, ông nói thêm.
Chị Tuyết Nhung, chủ quán cơm ở TP Quảng Ngãi gần bờ Nam sông Trà Khúc cho rằng sở dĩ quán cơm của chị gần mươi năm nay có đông khách ăn là nhờ chị đã chế biến nên món cá bống kho hấp dẫn được thực khách, khiến cá bống dần trở nên là món đặc sản. Biết khách ăn chuộng món cá bống sông Trà, cũng như chị Tuyết Nhung, các quán cơm ở TP Quảng Ngãi đều trổ tài làm bếp để cho ra món cá bống kho ngon chiêu khách đến quán mình.
Cá bống sông Trà ‘nên tiếng’ đã giúp người lưới chài cá bống trong vùng có được niềm vui nhờ tăng thu nhập. Chị Nguyễn Thị Ri - một người chuyên thu mua cá bống từ những người lưới chài ở sông Trà để bán lại cho các chủ quán cơm, nhà hàng ở TP Quảng Ngãi cho rằng từ khi loại cá này được coi là cá đặc sản thì giá của nó cứ nhích lên dần.
Theo chị Ri, cá bống sông Trà tuy cùng một chủng loại nhưng khi mua – bán thường được chia làm ba loại, và mỗi loại có cái ngon riêng, người ăn kẻ thích loại lớn, người thích loại vừa hoặc loại nhỏ. Loại cá lớn - to gần bằng ngón tay cái người lớn, còn loại cá nhỏ gồm có loại vừa - bằng ngón tay út người lớn, và loại nhỏ - bằng phân nửa loại cá vừa.
Tuỳ theo cách chế biến – bao gồm ‘công thức’ ướp tẩm các loại gia vị và cách kho, món cá bống sông Trà ở mỗi quán có một ‘gu’ riêng, nhưng chung quy đều là món bống kho riêm làm cho thịt cá săn chắc, béo thơm một cách đượm đà, không có vị tanh, tỏa được cái ngon riêng của một loại cá nhỏ ở sông.
“Tui ở Đà Nẵng thường hay đến đây cho công việc tháng vài lần. Đến đây, hễ vô quán ăn cơm là tui gọi món cá bống kho, quen rồi mà” – một thực khách tại một quán cơm ở TP Quảng Ngãi, nói.
Thương hiệu cá bống sông Trà vang xa
Của ngon, của lạ thường được đồn ra. Những ai đến ăn ở các quán cơm có món cá bống sông Trà thấy món cá này ngon thường hỏi mua một ít đem về. Từ nhu cầu “mua mang về” nảy ra từ khách thập phương, trong nỗi vui của người bán hàng gặp mối, chị Tuyết Nhung cũng như một số chủ quán cơm ở đây đã nghĩ cách kho nấu sao cho con cá để được lâu ngày cho người dùng ở xa mua về làm quà.
Mò mẫm chế biến bằng kinh nghiệm kho nấu dân gian, các quán ăn này đã thành công trong việc kéo dài thời gian sử dụng con cá bống kho keo. “Kho keo là cái cách kho cá, thịt với các chất phụ gia tự nhiên mà các cụ bà thời xưa làm lương khô cho người đi xa ăn lâu ngày. Cá bống kho keo được cho vào hộp nhựa tốt, hộp thủy tinh giúp con cá bống kho để được đến ba tuần mà vẫn giữ được chất lượng”, những chủ quán cơm cho biết.
Cũng như các đặc sản quen thuộc của xứ sở núi Ấn sông Trà như mạch nha, đường phèn, tỏi Lý Sơn, cá bống sông Trà kho keo đã đến nhiều địa phương trong nước, cả ở Hà Nội, Sài Gòn. Nó cũng có mặt, tuy không nhiều, ở một số nơi trên thế giới từ những Việt kiều về quê mua mang theo làm quà tặng.
Cá bống sông Trà rộng đường tiêu thụ mang đến cho người làm cá bống ở đây thêm niềm vui thu nhập. Chị Trần Thị Năm, người chuyên lưới cá bống ở đoạn sông Trà đoạn đi qua xã Tịnh Ấn (huyện Sơn Tịnh) cho hay mỗi ký cá bống nay bán được cả 100.000 đồng.
“Mỗi đêm ghe nào chài được hai, ba ký là mừng rồi. Chỉ mong sao cho con cá bống ở sông Trà mình sinh sản cho nhiều để mình chài được khá, có cá bán ra cho người ta dùng” – chị Năm nói trong nỗi vui.
Và khách du mỗi khi có dịp đến xứ sở núi Ấn sông Trà với nhiều thắng cảnh đẹp có tiếng cách thành phố Quảng Ngãi không xa hãy thử kêu món cá bống của dòng sông Trà trải dòng duyên dáng ngay bên thành phố này cho bữa cơm của mình để thấy món cá này xứng tên là đặc sản.
Huỳnh Văn Mỹ