Y Nguyên -
Còn đây cái nhá (vó) bên sông
Dẫu cho theo chồng em vẫn nhớ quê...
Hai câu ca dao ấy nó theo tôi mãi tới ngày hôm nay. Ngày theo cha đi đứng nhá (đi cất vó, phương ngữ Phú Yên), tôi còn là thằng bé lên mười chân đất đầu trần, tóc phất phơ lông bò cháy khét. Mẹ không ưng; cứ càm ràm chuyện sông nước hiểm nguy; ý muốn cha bắt tôi ở nhà. Dễ ở nhà hông? Gì chớ cái máu mê cá mú thì tôi với cha là… đồng bọn! Cha bơi giỏi lắm, mẹ đừng lo. Con theo bên cha, có gì cha vớt... Miệng nói, mắt nháy nháy, tay khều khều lưng cha. Biết rồi, khổ lắm, cha mà không đồng tình để cho tôi méc mẹ chuyện cha lặn xuống sông gỡ nhá, bị gai tre móc dính quần suýt chết đuối, phải… tụt bỏ cái quần, nhồng nhỗng trồi lên sao? Hông sao; cứ để con nó đi phụ tui một tay (phụ gì, nói cho sang; tôi vướng cẳng cha thì có!); với lại cho… có bạn!
Chuyện này là thật. Phải, nghề đứng nhá cô đơn lắm. Rời nhà có đi chung thì đến nơi cũng phải tách ra, tìm chỗ thả nhá cách xa nhau. Dựng nhá, buông nhá, dở nhá (tiếng Phú Yên có nghĩa là kéo nhá lên khỏi mặt nước) chỉ cần một người duy nhất nên đứng nhá không ai đi hai. Biết vậy nhưng không cứ biết là không buồn! Một mình trơ trọi trong đêm đen, giữa mênh mông sông nước – nhiều khi còn lất phất mưa bay, gió lùa hun hút – dễ khiến phát sinh cảm giác chạnh lòng. Mà cái nghề đứng nhá lại thuộc một trong những nghề rất chi rảnh rỗi. Lắp nhá, buông nhá xong là ngồi không. Vài ba mươi phút mới dở (tiếng địa phương, có nghĩa kéo nhá lên) một lần xong lại tiếp tục… ngồi không. Co ro, cha tôi hút thuốc vặt hết điếu này sang điếu khác, gặp trúng luồng cá đi, yêu cầu dở nhanh, rút ngắn thời gian đợi chờ còn đỡ, bằng không thì cứ ngồi đó…
Vậy nên tôi theo thì cha vui. Có người bầu bạn, chuyện trò cho đêm bớt vắng. Lọt thỏm người trong tấm áo tơi lá của cha (cha che chỉ đến nửa lưng, nhường để phía tôi được kín), tôi co ro, vừa hít hít mùi khói thuốc rê khen khét, ấm sực cha đang phì phà, vừa nghe cha trò chuyện. Chuyện giữa hai cha con thuộc dạng chuyện… tầm phơ, cóc nhảy, không cố định một đề tài nào; ấy vậy mà nói hoài, nghe hoài không chán. Cha kể tôi nghe: ngày nhỏ cha cũng theo ông nội đi đứng nhá. Mà không chỉ đứng nhá, còn chụp nơm, đặt đó, giăng lờ, câu kéo cày bừa đào khoai hay mót củ gì nội cũng dắt cha theo. Cha kể, cha tính hiếu động, ở nhà thường nghịch phá nên hay ăn đòn của bà. Ông nội cưng, sợ cha ở nhà bị đòn nên đi đâu dắt cha theo đó. Mà cha kể, cha cũng “mê” ông nội. Đúng hơn, cha mê cá mú, đồng ruộng, rẫy rừng, mê được theo nội tung tăng bên ngoài, tự do lang thang đồng bãi hơn chuyện bị “cột cẳng” ở nhà. Sao giống con dữ…. Cha cười khà, cốc yêu lên đầu tôi: Cái thằng, con không giống cha thì chẳng lẽ giống… ông hàng xóm na bay?
Lần khác cha kể, nhà nội nghèo, trường sở xa xôi đi lại khó khăn nên cha không được học nhiều. Ráng theo học tư ông giáo làng đến biết… đánh vần rồi thôi. Lớn lên, đụng bất cứ chuyện gì dính dáng tới làng xã, giấy má, gửi thưa… đều biết mùi cái khổ do thiếu chữ. Chuyện này thì mầy nhớ không được giống cha nghe chưa. Lo học hành cho đàng hoàng; không, cha không cho theo nữa. Dạ, con nhớ.
Có điều nói gì, nghe gì thì cũng không ai quên đến lúc phải dở nhá. Đó chắc chắn là khoảnh khắc mà cả cha con đều xem như… tuyệt diệu. Khoảng khắc ấy, dù muốn dù không, thì tôi với cha cũng luôn đồng cảm tuyệt đối. Cái đồng cảm thể hiện ở chỗ một già một trẻ luôn đồng bật ra tiếng reo khoái trá y nhau khi rốn nhá trĩu nặng, vẫy vùng đung đưa chú cá sảnh (cá chép) nửa cân hay vặn vẹo vài ba con thát lát cỡ bàn tay. Và đương nhiên, già trẻ cũng đồng ỉu xìu giống hệt nhau khi cái nhá dở lên nhẹ bỗng, nơi rốn nhá ngo ngoe mỗi một chú cua kềnh.
Giờ thì tôi không còn đi đứng nhá với cha nữa!