THÙY DUNG -
Chi phí để đưa được nông sản sạch tới tay người tiêu dùng tốn nhiều hơn trong khi lợi nhuận lại mỏng khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi về thực phẩm dán nhãn “nông sản sạch”.
Chi phí cao, lợi nhuận thấp
Nhiều người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi về thực phẩm dán nhãn “nông sản sạch”.
Ngọn rau su su là đặc sản của thị trấn Tam Đảo, đã có từ những năm 60. Để phát triển bền vững sản phẩm vùng miền này và tránh tình trạng hàng nhái trà trộn, lấy mác su su Tam Đảo để bán ra thị trường, từ năm 2012, ông Lưu Bằng Hội, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tam Đảo đã đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng mô hình trồng ngọn rau su su VietGAP (Thực hành nông nghiệp tốt). Từ đó, với sự hỗ trợ của địa phương, Hội nông dân thị trấn Tam Đảo đã xây dựng được vùng sản xuất ngọn rau su su an toàn với 150 hộ sản xuất trên diện tích 50 ha.
Với điều kiện thời tiết thuận lợi, ngọn su su ở Tam Đảo cho năng suất cao mà không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, vùng sản xuất loại rau này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chứng nhận là một trong số 69 địa chỉ sản xuất thực phẩm an toàn được quản lý theo chuỗi. “Với mức giá 15.000 đồng/kg, nhiều hộ dân ở đây đã làm giàu từ ngọn cây su su”, ông Hội nói.
Tuy nhiên, khâu phân phối thì không đơn giản vậy. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam, đơn vị nằm trong 69 địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn, cho biết mặc dù được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm và quảng bá thương hiệu nhưng gần chục năm làm trong ngành này Biggreen gặp không ít khó khăn.
Theo ông Hưng, rau quả là mặt hàng có giá trị rất thấp, chỉ khoảng 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, có những mặt hàng như su hào, bắp cải, nếu vào chính vụ chỉ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg nên lợi nhuận cũng không nhiều. Bên cạnh đó, đây là mặt hàng có tính rủi ro cao về thời tiết, dịch bệnh nên các doanh nghiệp như Biggreen không chỉ chịu rủi ro mất mùa ngoài trời mà còn ở trong nhà khi sản phẩm không bán được trong ngày là coi như thành “rác”.
Bên cạnh đó, rau sạch khá “nhạy cảm” với các thông tin về thực phẩm bẩn như siêu thị này bán rau không có nguồn gốc, cửa hàng kia trà trộn rau sạch. “Mỗi lần có thông tin như vậy, doanh thu của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Hưng cho biết.
Hơn nữa, chi phí để mở một cửa hàng thực phẩm sạch cũng nhiều hơn, từ thuê mặt bằng, nhân công đến đầu tư trang thiết bị bảo quản rau quả, thịt… Những chi phí này chiếm 30-50% giá thành sản phẩm nên rất khó cạnh tranh với thực phẩm không rõ nguồn gốc bán ngoài chợ.
Xây dựng niềm tin
Đa phần các bà nội chợ hiện này đều lo ngại tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa cơm gia đình của mình. Do đó, nhu cầu về thực phẩm sạch được đánh giá là rất lớn. Thế nhưng, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực cung cấp thực phẩm sạch chẳng bao lâu cũng phải “đội nón” ra đi. Nguyên nhân chính cũng vì tính khắc nghiệt của việc đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng như việc xây dựng niềm tin để cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Vài ngày gần đây, 80 con heo của một cơ sở nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP đã bị tiêu hủy do có dư lượng Salbutamol vượt năm lần mức cho phép. Điều này làm dấy lên mối nghi ngờ về việc có hay không những sản phẩm dù đã gắn nhãn mác “sạch” vẫn chưa sạch.
Giải thích về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho biết trước đây khi phát hiện dư lượng Salbutamol, heo sẽ được cách ly trong vòng 14 ngày, sau đó kiểm tra lại thấy không còn dư lượng Salbutamol mới cho vào lò giết mổ. Song, việc này gây khó khăn cho các cơ sở giết mổ nên Nghị định 119 đã thay đổi theo hướng nếu phát hiện heo có dư lượng Salbutamon tại lò mổ thì số heo này sẽ bị tiêu hủy.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay để heo bị tiêu hủy là do khâu hậu kiểm chưa thực hiện tốt. Hiện Cục Chăn nuôi đang xây dựng tám tiêu chuẩn mới để đơn giản hơn trong khâu chăn nuôi cho nông dân áp dụng nhưng vẫn đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Cùng với Cục Chăn nuôi, ông Nguyễn Như Cường, Cục Trồng trọt, thuộc Bộ NN&PTNT, cho hay hiện nay, do chi phí để chứng nhận VietGAP lớn và việc áp dụng cũng phức tạp nên người dân chỉ áp dụng VietGAP khi có hỗ trợ của nhà nước, sau khi hết hỗ trợ thì đa số lại trồng lại theo phương thức cũ. Ông Cường cho biết, cả nước hiện mới có 25.000 ha được chứng nhận VietGAP, chỉ chiếm vài phần trăm trên tổng diện tích đất trồng trọt. Do vậy, Cục Trồng trọt cũng đang xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP mới cho rau quả, với số lượng tiêu chí giảm xuống còn 19 thay vì 65 như hiện nay.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết bên cạnh việc đơn giản hóa các tiêu chí VietGAP trong cả trồng trọt và chăn nuôi, bộ cũng đang xây dựng lòng tin với người tiêu dùng thông qua việc kết nối các địa chỉ sản xuất thực phẩm an toàn được quản lý theo chuỗi tới người tiêu dùng. Tới nay cả nước đã có 69 “Địa chỉ xanh – nông sản sạch”. Con số này sẽ tiếp tục được bổ sung và điều chỉnh trong thời gian tới. Những địa chỉ này sẽ được công khai trên phương tiện truyền thông và trên trang web của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.