(SGTT) - Bộ Y tế đề nghị 12 địa phương tăng tốc tiêm vắc-xin Covid-19 để hoàn thành việc tiêm mũi 3 vắc-xin Abdala trong tháng 2 này, không hủy bỏ vắc-xin do hết hạn sử dụng.
- F0 mắc bệnh nền có thể tự điều trị tại nhà
- TPHCM tiêm vắc-xin phòng Covid-19 xuyên Tết cho người dân
- Số bệnh nhân vào Chợ Rẫy cấp cứu trong Tết giảm 10%-30% so với năm trước
Người lao động đưa tin, Bộ Y tế vừa có công văn gửi 12 tỉnh, thành phố gồm Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang về việc tăng cường triển khai tiêm vắc-xin Abdala.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, các tỉnh thành đã tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trong tháng 10 và 11-2021, Bộ Y tế phân bổ 5 triệu liều vắc-xin Abdala phòng Covid-19 cho các địa phương. Tại thời điểm phân bổ, Bộ Y tế đã xem xét nhu cầu sử dụng vắc-xin để đáp ứng kịp thời việc triển khai tiêm đủ 3 mũi vắc-xin Abdala cho nhóm người 19-65 tuổi.
Tuy nhiên, theo báo cáo đến ngày 28-1, số vắc-xin Abdala hiện còn tại các địa phương là 541.400 liều. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát, không để sót đối tượng tiêm chủng, tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động người dân đi tiêm mũi 2, mũi 3 vắc-xin Abdala.
Ngoài ra, việc tổ chức triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cần phải thần tốc hơn để hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vắc-xin Abdala trong tháng 2 này.
Bộ Y tế nhấn mạnh kiên quyết không để vắc-xin phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng. Các địa phương cần báo cáo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế theo quy định.
Hơn nửa triệu lao động không về quê ăn Tết, dịch bệnh ở Bình Dương vẫn kiểm soát tốt
Theo Tiền Phong, ngày 7-2, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, kỳ nghỉ Tết kéo dài và việc người lao động không về quê ăn Tết đông khiến ngành y tế phải triển khai các phương án để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, nhất là sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Trong kỳ nghỉ Tết, tình hình dịch bệnh ở Bình Dương cơ bản được kiểm soát tốt, không có biến động. Số ca mắc Covid-19 ở Bình Dương không tăng so với trước Tết, dưới 100 ca mỗi ngày.
Cùng với đó, số bệnh nhân điều trị tại nhà công bố khỏi bệnh cao từ 500 đến 1.000 trường hợp.Mỗi ngày, Bình Dương có từ 2 đến 5 ca tử vong, chủ yếu các trường hợp mắc bệnh lý nền, người cao tuổi.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết để kiểm soát dịch bệnh trong dịp Tết, hạn chế ca mắc Covid-19 tử vong, các cơ sở y tế củng cố hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19. Đặc biệt trong công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị và đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới.
Nhiều cán bộ, nhân viên ở Đắk Nông nhiễm Covid-19 sau khi nghỉ tết
Theo Tuổi trẻ Online, ngày 7-2, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết đã phát hiện, điều trị cho 53 trường hợp nhiễm Covid-19 là cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành.
Cụ thể, trước khi vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới, tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ.
Qua sàng lọc, tỉnh này phát hiện có 53 ca nhiễm ở 13/39 cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành. Đơn vị ghi nhận ca nhiễm nhiều nhất là huyện Krông Nô với 24 trường hợp.
Sau khi các trường hợp trên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, ngành y tế cùng lực lượng chức năng đã khoanh vùng, phong tỏa một số địa điểm có nguy cơ lây nhiễm liên quan đến các trường hợp trên và vận chuyển các bệnh nhân đến các khu cách ly điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh để cách ly, điều trị.
Minh Thảo tổng hợp