Lê Anh -
TPHCM đã có kế hoạch xây dựng bến xe miền Đông và miền Tây mới để di dời các bến xe cũ ra khỏi nội thành. Trong đó, bến xe miền Đông mới dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2017. Thế nhưng hiện nay, hai bến xe này vẫn còn ngổn ngang, và với tiến độ thi công như hiện nay thì chưa biết khi nào mới hoàn thành.
Chậm tiến độ
Hồi tháng 4-2017, tại buổi lễ khởi công dự án bến xe miền Đông mới ở quận 9, TPHCM, ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), đã cam kết với lãnh đạo TPHCM rằng công ty sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của bến xe vào cuối năm 2017 để di dời bến xe miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh.
Giai đoạn 1 của dự án gồm các hạng mục chính như nhà chờ cho hành khách, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách... Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 12-2017, dự án bến xe miền Đông mới đang được thi công cầm chừng.
Ghi nhận thực tế tại dự án hôm 15-12 thấy mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Phần đất nằm trong dự án cỏ vẫn mọc um tùm. Nhìn qua cổng chính của dự án bên trong mới chỉ thi công được phần đường nội bộ và san lấp mặt bằng. Các hạng mục như nhà chờ khu vực bãi xe chưa được hình thành.
Theo thông tin từ UBND quận 9, trong phạm vi xây dựng bến xe miền Đông mới vẫn còn hai hộ dân chưa di dời. Việc thi công đường A8 cho những hộ dân sống xung quanh khu vực bến xe đi lại vẫn chưa được thực hiện nên người dân chưa bàn giao đất.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Văn Pha, Phó tổng giám đốc Samco, cho biết dự án không thể hoàn thành kịp giai đoạn 1 như tiến độ ban đầu đặt ra. Nguyên nhân của sự chậm trễ, theo lời ông Pha, nằm ở khâu thủ tục. Hiện tại, bản vẽ thi công và dự toán của một số gói thầu đang chờ công bố kết quả thẩm định.
Theo ông Pha, bến xe miền Đông mới được kết nối đồng bộ với các tuyến đường xung quanh như xa lộ Hà Nội, đường A8, đường 13 và đường Hoàng Hữu Nam (phường Long Bình, quận 9), đường nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và đặc biệt là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Tuy nhiên, hiện nay nhiều tuyến đường xung quanh bến xe chưa được đầu tư xây dựng, một số nút giao và cầu vượt trên xa lộ Hà Nội, đặc biệt là cầu vượt trước bến xe mới trong giai đoạn chuẩn bị. Còn tuyến metro số 1 phải đến năm 2020 mới hoàn thành nên khi đưa bến xe vào hoạt động thiếu sự kết nối sẽ không hiệu quả, có khi lại gây ra ùn tắc giao thông.
“Samco đang rà soát lại kế hoạch và điều chỉnh tiến độ để trình UBND TPHCM phê duyệt trong thời gian tới” ông Pha cho biết. Như vậy, với tiến độ như hiện nay, ngay cả chủ đầu tư là Samco cũng chưa xác định được khi nào dự án bến xe miền Đông mới sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1.
[box] Bến xe mới sẽ phục vụ như sân bay
Theo quy hoạch, bến xe miền Đông mới có tổng diện tích 16 ha (rộng gần gấp ba bến xe miền Đông cũ). Đây là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe kết hợp trung tâm thương mại với nhiều dịch vụ tiện ích.
Nhà ga của bến xe được xây dựng hiện đại với hệ thống nhà chờ và hệ thống thông tin về giờ xe khởi hành giống như ở sân bay. Các doanh nghiệp vận tải được bố trí trong nhà ga để điều hành hoạt động xe chở khách, nắm bắt và xử lý kịp thời nhu cầu hành khách đi lại thay vì thuê văn phòng xung quanh bến xe như hiện nay. Trong khu vực bến xe mới sẽ bố trí các cây xăng, siêu thị, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa và có cả trung tâm đăng kiểm xe ôtô, phục vụ không chỉ hành khách đi xe mà cả cư dân ở khu vực.
Sau khi hoàn thành, bến xe miền Đông mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách, với 1.200 lượt xe xuất bến. Ngày cao điểm lễ tết có thể lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.
Bến xe miền Tây mới cũng có diện tích khoảng 24 ha, trong đó diện tích xây dựng bến xe là 17 ha, depot (trạm bảo hành sửa chữa xe) của tuyến buýt nhanh là 4 ha. Trong bến xe sẽ có các công trình tổ hợp đa chức năng gồm khách sạn, văn phòng, trung tâm mua sắm.
Sau khi hoàn thành bến xe miền Tây mới dự kiến phục vụ mỗi ngày khoảng hơn 30.000 hành khách với gần 1.400 lượt xe xuất bến mỗi ngày, ngày cao điểm lên đến 63.000 lượt hành khách/ngày và 2.200 lượt xe xuất bến/ngày.
Dự án kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông công cộng như tuyến metro số 3a Bến Thành -Tân Kiên (huyện Bình Chánh), tuyến monorail số 2 quốc lộ 50 (quận 8) - Thanh Đa (Bình Thạnh), các tuyến xe buýt nhanh trong tương lai.[/box]
...và vẫn nằm trên giấy
Theo quy hoạch, ngoài bến xe miền Đông mới, TPHCM sẽ xây dựng bến xe miền Tây mới với kỳ vọng đây sẽ là đầu mối giao thông tỏa đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hồi tháng 6-2016, chính quyền TPHCM đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án này. Theo đó, bến xe miền Tây mới sẽ nằm ở khu Nam Sài Gòn (giáp quốc lộ 1A) thuộc xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Chủ đầu tư dự án này cũng là Samco. Theo kế hoạch được công bố trên trang web của Samco, sau khi có đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, công ty này sẽ phối hợp với huyện Bình Chánh để lấy ý kiến dân cư có nhà và đất nằm trong dự án. Việc này dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 4-2017. Đồng thời, Samco cũng chuẩn bị vốn bồi thường giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí 726 tỉ đồng và UBND huyện Bình Chánh cho biết sẽ hoàn thành bồi thường mặt bằng trong quí 3-2017.
Khi được hỏi về dự án này, ông Pha cho biết tới thời điểm này thiết kế của dự án chưa được phê duyệt. Phần giải phóng mặt bằng cũng chưa được thực hiện. Vì vậy, dự án chưa thực hiện được gì ở ngoài thực địa. Nghĩa là, cũng chưa biết khi nào bến xe miền Tây mới sẽ hoàn thành.