Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Cơn lốc thương mại điện tử hút nhân lực

(SGTTO) - Ngành thương mại điện tử (TMĐT) đang nóng lên ở cấp độ toàn cầu mà Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Trao đổi với SGTT, đại diện Navigos Group nhận định sự phát triển mạnh mẽ của ngành  những năm gần đây đang kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân lực với số lượng lớn của các công ty thuộc lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng.

Theo cơ sở dữ liệu của VietnamWorks, trang tuyển dụng trực tuyến thuộc Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến TMĐT tăng cao đáng kể trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo đó, cùng kỳ năm 2017 tăng 67% so với năm 2016; năm 2018 tăng 23% so với 2017, và năm 2019 tăng 16% so với 2018. Các vị trí đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều là chuyên viên quản lý quan hệ khách hàng trên hệ thống CRM (gọi tắt là CRM), tiếp thị số (digital marketing) và chuyên gia về thương mại điện tử (e-Commerce).

Theo ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Sendo, tốc độ phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam lên đến trên 30% mỗi năm nên các công ty phải chạy nước rút để theo kịp. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của ngành TMĐT, Việt Nam sẽ trở thành thị trường hấp dẫn để thu hút nhân sự cả trong và ngoài nước.

Nhân lực cấp cao còn quá khan hiếm

Bài toán chung cho các doanh nghiệp TMĐT hiện nay là sự khan hiếm của các nhân sự cấp cao. Đối với các công ty trong khu vực, họ có thể bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển nhân viên từ nước ngoài để quản lý thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các công ty trong nước sẽ có xu hướng thu hút nhân sự cấp cao từ các ngành khác như logistics (kho vận), quảng cáo, quản lý ngành hàng… để đáp ứng và đẩy mạnh tốc độ phát triển của mình. Các công ty TMĐT “thuần Việt” như Sendo chỉ sử dụng nhân lực người Việt thì luôn nằm trong tình trạng khát nhân tài để tạo nên một đội ngũ có khả năng tăng tốc kịp với nhu cầu của thị trường.

Theo Navigos nguồn cung là các ứng viên phù hợp lại không nhiều vì ngành tiêu dùng nhanh từ trước đến nay vẫn theo mô hình kinh doanh truyền thống. Các công ty này đầu tư vào nhân sự thương mại điện tử chưa nhiều nên ứng viên có kinh nghiệm trong ngành còn khá khan hiếm. Bộ Công Thương gần đây cũng công bố tỷ lệ doanh nghiệp có nhân viên chuyên trách về TMĐT năm 2018 giảm 2% so với mức 30% của năm 2017. Các nhóm kỹ năng khó tuyển dụng hiện nay bao gồm kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng TMĐT (49%), kỹ năng quản sàn giao dịch TMĐT (45%), kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMĐT (43%), kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu(42%) và kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến(28%). Các công việc mà họ phải làm liên quan nhiều đến e-mail để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp, quảng cáo và dùng hợp đồng điện tử.

Tại trang tuyển dụng của Tiki, vị trí nhân viên kinh doanh chỉ đòi hỏi nhân viên có trình độ cao đẳng. Tuy nhiên, ứng cử viên phải có kinh nghiệm trong ngành quảng cáo và sử dụng được công cụ quảng cáo trực tuyến. Chợ Tốt cũng đòi hỏi tương tự nhưng còn phải có thêm kinh nghiệm của ngành hàng mình chịu trách nhiệm. Cụ thể nhân viên kinh doanh chuyên trang địa ốc phải có kinh nghiệm bán hàng bất động sản hoặc các mặt hàng liên quan.

Vị trí cấp nhân viên cũng cần có thêm kỹ năng

Ông Simon Matthews, CEO của Manpower Group Việt Nam lại chỉ ra rằng với xu hướng số hóa của các doanh nghiệp, họ lại cần nhiều nhân viên giao tiếp trực tiếp cùng khách hàng. Vì thực tế khách hàng luôn muốn giao tiếp trực tiếp thay vì gián tiếp qua các phương tiện số. Do đó, lực lượng nhân viên như lễ tân, chăm sóc khách hàng… sẽ tăng lên 13% trong vòng hai năm tới. Ngoài các kỹ năng sử dụng công cụ số họ còn phải trau dồi thêm khả năng giao tiếp, thích nghi và xây dựng mối quan hệ cùng khách hàng cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các kỹ sư IT cũng được săn đón mời mọc vào ngành với mức lương từ 1.000 đô la Mỹ, theo TopDev. Trong đó, kỹ sư viết ngôn ngữ C++ được trả lương cao nhất, trung bình 1.182 đô la. Các ngôn ngữ được các nhà tuyển dụng săn đón nhiều là Javascript, C++ và Java... Tuy nhiên, thiếu hụt nhân sự luôn là một bài toán nan giải, thị trường Việt Nam năm 2019 vẫn thiếu hụt từ 70.000 đến 90.000 nhân sự IT. Ở vị trí giám đốc, các kỹ sư công nghệ sẽ có mức lương từ 2.000 đô la Mỹ trở lên. Các vị trí khác đang được tuyển dụng phổ biến ở các sàn TMĐT là người viết nội dung quảng cáo, phân tích kinh doanh, quản lý ngành hàng tiêu dùng và quản lý giao nhận…

Tuy nhiên, vì lĩnh vực TMĐT còn mới tại Việt Nam nên nhiều nhà tuyển dụng vẫn chưa thực sự hiểu rõ về bản chất và khuynh hướng trong ngành, theo Navigos. Do đó, họ vẫn gặp phải khó khăn trong việc đánh giá ứng viên tiềm năng hoặc phải thay đổi yêu cầu tuyển dụng liên tục. Ngay cả đồng sáng lập kiêm CEO của Giao hàng nhanh, ông Lương Duy Hoài còn chia sẻ tại TechTalk rằng đối với vị trí quản lý, Giao hàng nhanh phải tìm kiếm những ứng viên có khả năng tự đào luyện bản thân vì ông Hoài cùng dàn lãnh đạo công ty cho rằng nguy hiểm nhất chính là những cái ‘họ không biết rằng mình không biết’. Mà thực tế là nhiều kỹ sư công nghệ mới ra trường thường thiếu kỹ năng lãnh đạo và vận hành công ty. Đội sáng lập Giao hàng nhanh cũng phải mất 8 năm mới nhuần nhuyễn kỹ năng kết hợp giữa công nghệ–vận hành doanh nghệ–mạng lưới. Thời gian đầu, công ty phải tìm các cố vấn am hiểu về ngành và các lĩnh vực khác nhau về hướng dẫn cho đội ngũ của mình.

Giỏi ngoại ngữ và phải... trẻ

Ngoài các yêu cầu liên quan đến chuyên môn, các nhà tuyển dụng hiện nay cũng yêu cầu ứng viên phải sử dụng được tiếng Anh. Họ cũng muốn tìm được ứng viên có kinh nghiệm nhưng vẫn trẻ, độ tuổi sinh năm khoảng 80 là lý tưởng. Các nhà tuyển dụng cho rằng nhân sự tuổi này vẫn còn sự năng động, nhiệt huyết mà lại có kinh nghiệm. Ông Linh cho biết, trong quá trình quản lý Sendo, công ty nhận thấy các bạn trẻ Việt Nam rất năng động, chịu học hỏi và phát triển khả năng tư duy rất tốt. Khi được đào tạo trong một môi trường chuyên nghiệp và áp lực, họ có thể nhanh chóng đảm đương nhiều vai trò quan trọng. Đây là đội ngũ nòng cốt mà các công ty cần phát triển để khai thác trọn vẹn năng lực của họ trong tương lai.

Ngoài ra, cả ứng viên và lẫn nhà tuyển dụng đều quan tâm rất nhiều đến yếu tố “phù hợp văn hóa”. Mặc dù ứng viên đã đạt yêu cầu, nhưng nhà tuyển dụng cảm thấy chưa phù hợp văn hóa của doanh nghiệp thì vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm những ứng viên khác.

Mỹ Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối