(SGTT) - Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ để Việt Nam tham gia làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Dù được cho là mảng sáng nhất của kinh tế số Việt Nam, TMĐT vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển.
Không ngẫu nhiên khi thương mại điện tử được xem là “mảng sáng” nhất của nền kinh tế số Việt Nam khi mà tốc độ tăng trưởng bình quân theo năm suốt nhiều năm qua đạt mức 25-30%. Theo số liệu do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương công bố trong cuộc hội thảo Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) để thúc đẩy nền kinh tế số ở Hà Nội mới đây, năm 2018 giao dịch TMĐT tại Việt Nam đạt khoảng 8,5-9 tỉ đô la Mỹ.
Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán đạt 33 tỉ đô la vào năm 2025, nghĩa là ở Đông Nam Á vào thời điểm đó, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia (dự đoán đạt 100 tỉ đô la) và Thái Lan với 43 tỉ đô la. Việt Nam còn được cho là có khả năng vượt mặt Thái Lan sớm vì giá trị giao dịch qua TMĐT mới chỉ chiếm khoảng 4-5% trong tổng giá trị giao dịch thương mại truyền thống của Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, nhìn nhận các tiềm năng của thị trường TMĐT trong nước nhưng theo ông vẫn còn những điều cần xem xét nghiêm túc. Trong số những thách thức được ông Hoàng Hải nêu có tỷ lệ thanh toán điện tử còn ít, phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn theo lối nhận hàng mới trả tiền. Có đến 83% lượng hàng kém chất lượng so với được quảng cáo, dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng kém, hoạt động TMĐT chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn… Và “muốn phát triển phải cải thiện được những điều này”, ông Hoàng Hải khẳng định.
Cần hoàn thiện chính sách
Cục TMĐT và Kinh tế số đã xây dựng chương trình tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 như một nỗ lực giúp cải thiện tình trạng nêu trên. Trong đó có đề cập đến việc cần hoàn thiện khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng (thanh toán, chuyển phát), xây dựng và triển khai các giải pháp chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, phát triển TMĐT tại một số vùng và lĩnh vực trọng điểm, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Lê Xuân Thành cho biết, Chính phủ nhìn nhận rằng TMĐT đang phát triển nhanh và có tiềm năng phát triển lớn và sự phát triển này sẽ thúc đẩy kinh tế số Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TTg, ngày 4-5-2017 về tăng cường năng lực tiếp cận, chiến lược chuyển đổi số quốc gia và nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp phù hợp với xu hướng công nghiệp 4.0. Gần đây là Quyết định số 999-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12-8-2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trong tháng 9 vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0”. Ông Thành cho biết cần có hệ thống chủ trương phát triển đồng bộ, toàn diện và các tổ chức, doanh nghiệp nên hiến kế, đóng góp ý kiến vào sự phát triển này.
Mobile Money – khích lệ TMĐT ở nông thôn
Như đã nói ở trên, hoạt động TMĐT chỉ mới tập trung ở khu đô thị lớn và ai cũng hiểu rằng, cần đem TMĐT về nông thôn nữa. Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Fintech, Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media, đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt đề án chấp nhận thanh toán tiền điện tử qua tài khoản điện thoại di động (Mobile Money) thông qua các điểm giao dịch trung gian. Loại hình thanh toán này không yêu cầu người sử dụng phải mở tài khoản cá nhân ở ngân hàng nhưng vẫn thanh toán được nên rất phù hợp với người dân khu vực nông thôn – những nơi mà hệ thống các chi nhánh ngân hàng chưa với tới – có thể thanh toán trực tuyến dễ dàng.
Ông Thắng cho hay hệ thống 100.000 điểm giao dịch sẵn có trong mạng lưới của VNPT hiện nay sẽ là bệ đỡ cho dịch vụ Mobile Money phát triển. Sau khi nạp tiền vào điện thoại, người dân sẽ sử dụng tiền đó để mua hàng hóa trực tuyến.
Tạo môi trường đầu tư cởi mở hơn
Mức tăng trưởng bình quân đến 30% mỗi năm sẽ là cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong một hai năm tới. Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn TMĐT Sendo, cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đã thay đổi trong nhiều năm qua, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nhưng “vẫn chưa đủ mạnh để thu hút được đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này”.
Hiện 50% số vốn đầu tư nước ngoài rót vào khu vực Đông Nam Á được “đổ” vào Singapore. Ông Linh mong muốn Việt Nam có môi trường cởi mở hơn để tranh thủ nguồn đầu tư này. Lý do, doanh nghiệp nội địa làm về TMĐT luôn phải đối diện với các tập đoàn lớn từ nước ngoài có lợi thế về vốn và công nghệ; và họ sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa nếu doanh nghiệp TMĐT nội không phát triển kịp.
Vân Oanh