Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Cơn sốt kiếm tiền từ các sản phẩm tài chính, nhìn từ Trò chơi con mực

(SGTT) - Một trong những bí mật khiến Squid Game - Trò chơi con mực gây cơn sốt toàn cầu có thể do mối quan hệ đặc biệt giữa phim với thực tế xã hội Hàn Quốc. Đó là bất bình đẳng trên thị trường lao động; tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ rất cao, giá bất động sản tăng cao; cơn sốt kiếm tiền từ các sản phẩm tài chính đã khiến các khoản đầu tư và cho vay được quảng cáo tung hê, khuyến khích khắp mọi nơi. Và Internet thì đầy rẫy những câu chuyện về những người "siêu mắc nợ".

Squid Game - Trò chơi con mực của đạo diễn Hwang Dong-hyuk, với sự góp mặt của các diễn viên Lee Jung-jae, Park Hae-soo, Wi Ha-joon, Jung Ho-yeon, O Yeong-su, Heo Sung-tae, Anupam Tripathi và Kim Joo-ryoung đã nhanh chóng được đón nhận trên toàn thế giới. Loạt phim bom tấn này đã được chiếu trên dịch vụ xem truyền hình trực tuyến Netflix từ ngày 17-9-2021. Chủ đề chính là câu chuyện về "sinh vật" bí ẩn và đầy quyền năng đang nhốt một số người lại để áp đặt họ vào những trò chơi chết người.

Mang thực tế bạo lực xã hội vào trong phim

Có đến 456 người kẹt tiền chấp nhận bước vào cuộc chơi sinh tử. Họ phải thi đấu trong vòng sáu ngày với sáu trò chơi dân gian khác nhau, và sẽ phải chết nếu thất bại. Người sống sót cuối cùng sẽ nhận được tổng giá trị tiền thưởng lên đến 45,6 tỉ Won (38,4 triệu đô la Mỹ). 

Bất cứ ai xem phim cũng nhận ra ngay trong đó: bạo lực kiểu Hàn Quốc. Thật ra, những người thường xem phim bộ Hàn Quốc đều thấy rành rành chuyện này. Tuy nhiên, Squid Game thì lại đi xa hơn bởi nó giống những bộ phim giả tưởng, kinh dị với cảnh hoạt náo viên các trò chơi cởi bỏ mặt nạ quả gây sốc cực kỳ. Họ không phải là những sinh vật toàn năng, mà chỉ là những con người tương tự như những người tham gia trò chơi. Bạo lực, máu đổ… được thực hiện bởi những con người mang khuôn mặt người.

Nếu bộ phim rơi vào tay một đạo diễn nước ngoài thì có thể ẩn dụ bạo lực xã hội diễn ra trên một hành tinh nào đó hay trong một tương lai thật xa. Thế nhưng, đạo diễn và các nghệ sĩ Hàn Quốc lại tập trung phản ánh đúng cái thực tế bạo lực của xã hội của họ. Xu hướng hiện thực, không hư ảo là đặc điểm nổi bật trong văn hóa bình dân của Hàn Quốc và phim ảnh cũng bị ảnh hưởng, theo nhà nghiên cứu Hàn Quốc Park Daeseung.

Chẳng hạn, để minh họa cho bất bình đẳng xã hội, một căn hộ nửa tầng hầm ở Seoul trong phim Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon-ho, năm 2019 lại hiệu quả hơn toa cuối cùng của đoàn tàu băng qua một hành tinh bị tàn phá trong phim Tàu phá băng cũng của Bong Joon, năm 2013.

Có vẻ như quá khứ, hiện tại của xã hội Hàn Quốc mà các đạo diễn nước này đã và đang (có thể sẽ) chứng kiến ​​toàn là bạo lực. Hẳn họ thấy không cần thiết phải dùng những thủ pháp giả tưởng, hư ảo kiểu Hollywood hay Nhật Bản.

Cũng khó tìm thấy một xã hội nào khác ngoài xã hội Hàn Quốc mà lại thể hiện khá rõ ràng quá trình chủ nghĩa tư bản đã thúc đẩy mạnh mẽ bạo lực xã hội đến như thế. Squid Game quả là chuyện ngụ ngôn về xã hội Hàn Quốc. Và đó cũng có thể là chuyện ngụ ngôn, một ẩn dụ của chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

Chu kỳ của "địa ngục"

Các nhân vật Gi-hun do Lee Jung-jae thủ vai và Sang-woo do Park Hae-soo thủ vai cùng tham gia trò chơi trong Squid Game không chỉ vì họ nghèo. Mong muốn của họ không phải là làm giàu, mà sống có phẩm giá hơn sau khi trả xong nợ.

Người thiết kế trò chơi có hứa trao cho người chiến thắng cả một phần thưởng đạo đức, chứ không chỉ một giải thưởng hiện kim. Những người tham gia phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: giết người để lấy lại phẩm giá con người cho mình! Như vậy, chính nghĩa vụ phải trả nợ (mang tính đạo đức) đã đẩy họ vào tình trạng bạo lực tột độ, biến họ thành kẻ giết người!

Nghèo đói và nợ nần chồng chất, về thực chất, là sự kéo dài của nhau, tạo ra bất bình đẳng và tình huống bạo lực khác nhau, theo nhà nghiên cứu Hàn Quốc Park Daeseung. Phần lớn bi kịch phát sinh ở các nước nghèo là do mắc nợ các nước phương Tây. Bạo lực xã hội xuất hiện ở Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 không phải do tình trạng nghèo đói của quốc gia này mà là do mắc nợ. Nợ ai? Nợ các nước phương Tây!

Sự khác biệt giữa nợ và không nợ không giống như sự khác biệt giữa người nghèo với người giàu. Người giàu, đương nhiên, cũng có thể mắc nợ, hay chính xác hơn, chỉ có thể làm giàu bằng cách... vay tiền! Một người được cho là giàu có không phải chỉ có nhiều tiền, mà còn phải biết cách xử lý các khoản nợ lớn mình đã vay.

Vấn đề không phải là khoảng cách tuyệt đối giữa người giàu với người nghèo, mà là sự bất bình đẳng giữa những người kiếm được ngày càng nhiều từ nợ nần, và những người đang bị đè bẹp dưới núi nợ. Bạo lực cực đoan nhất được cho là không bắt đầu khi nhà tư bản bóc lột người nghèo, mà khi các nhà tư bản tài chính cho người nghèo vay tiền.

Tất cả những điều nói trên đều có thể tìm thấy ở Hàn Quốc. Bất bình đẳng trên thị trường lao động; tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ rất cao, giá bất động sản tăng cao; GDP tương đương với các nước phát triển; cơn sốt kiếm tiền từ các sản phẩm tài chính đã khiến các khoản đầu tư và cho vay được quảng cáo tung hê, khuyến khích khắp mọi nơi. Và Internet thì đầy rẫy những câu chuyện về những người "siêu mắc nợ".

Nhà nghiên cứu Hàn Quốc Park Daeseung cho biết dư luận Hàn Quốc đang tập trung sự chú ý và giận dữ không phải vào bất bình đẳng xã hội mà là vào khoảng cách giữa những người chơi và thắng trên thị trường tài chính với những người mắc nợ quá nhiều, trong cả hai trường hợp đều là "nhờ vào" bất động sản, thị trường chứng khoán hay tiền ảo bitcoin.

Ngọc Trân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối