Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Cơn sốt linh vật ở Nhật Bản

CHÁNH TÀI -

Ngày nay, các linh vật (động vật được nhân cách hóa) được xem như một “đặc sản” mới của Nhật Bản, tương tự như núi Phú Sĩ hay món sushi. Hầu như mọi thành phố ở xứ Phù Tang này đều có linh vật riêng để làm biểu tượng quảng bá du lịch và sản vật của địa phương. Nhiều doanh nghiệp sử dụng linh vật để quảng bá sản phẩm và xây dựng bản sắc doanh nghiệp. Ngay cả các cơ quan nhà nước và cả nhà tù cũng đặt mua linh vật để làm hình ảnh đại diện.

Theo New York Times, có hàng chục công ty thiết kế linh vật và sản xuất trang phục linh vật ở Nhật Bản nhưng công ty gia đình Kigurumi.biz  nổi trội hơn tất cả. Mỗi bộ thiết kế trang phục linh vật của công ty này được bán với giá 4.000-6.500 đô la Mỹ, được xếp vào hàng cao cấp nhất trong thế linh vật. Phần lớn các linh vật được thiết kế dựa vào hình ảnh có sẵn nhưng bà Himori Kano, 55 tuổi, chủ Công ty Kigurumi.biz, sử dụng các nghệ nhân có thể sáng tạo ra các linh vật hoàn toàn mới lạ hoặc có thể thiết kế linh vật dựa trên các ý tưởng của khách hàng.

Chú gấu mang lại gần 1 tỉ đô la

Anh-1Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko được linh vật gấu Kumamon chào đón khi đến thăm tỉnh Kumamoto. Ảnh: Kyodo News

Thành công lớn nhất mang lại danh tiếng cho công ty của bà Kano là linh vật Kumamon, một chú gấu đen với đôi má đỏ rất nổi tiếng tại Nhật Bản. Kumamon được Công ty Kigurumi.biz thiết kế theo đơn đặt hàng của chính quyền tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật Bản nhằm quảng bá du lịch và các sản vật nông nghiệp ở tỉnh này. Trong một cuộc thi bình chọn linh vật nổi tiếng nhất Nhật Bản vào năm 2011, Kumamon đã giành ngôi vị quán quân.

Hình ảnh của Kumamon được trang trí trên các túi xách, áo phông, móc chìa khóa, đũa nhựa, các chai rượu, bao gạo, bánh snack và vô số vật dụng khác. Theo nghiên cứu của một chi nhánh địa phương của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, linh vật gấu Kumamon đã giúp doanh thu ngành du lịch và bán hàng của tỉnh Kumamoto tăng thêm một tỉ đô la Mỹ trong hai năm 2012 và 2013. Còn theo số liệu mới nhất do chính quyền tỉnh Kumamoto công bố vào đầu tháng 3-2016, doanh thu các sản phẩm ăn theo hình ảnh của Kumamon trong năm 2015 đã vượt 100 tỉ yen (900 triệu đô la) trong năm 2015.

Tài khoản của Kumamon trên mạng xã hội Twitter đang có gần 450.000 người theo dõi. Thậm chí, Kumamon còn được vinh hạnh chào đón Nhật hoàng Akihito trong chuyến thăm của hoàng gia Nhật Bản ở tỉnh Kumamoto vào năm 2013.

Kumamon làm việc như “một công chức” của tỉnh Kumamoto với chức danh “Giám đốc bán hàng” cho các nông sản địa phương. Kumamon cũng tham gia nhiều hoạt động quảng bá khác nhau, chẳng hạn như xuất hiện trong các chiến dịch quảng bá du lịch do tỉnh Kumamoto phát động. Những câu chuyện thành công như chú gấu Kumamon ở tỉnh Kumamoto đã giúp duy trì cơn sốt linh vật ở Nhật Bản.

Bà Kano nói: “Các trường hợp khó xử nhất là khi khách hàng đến và nói: hãy tạo ra cho chúng tôi một linh vật hiệu quả như Kumamon. Tôi nói với họ rằng để khiến một linh vật trở nên đáng yêu các bạn phải nghĩ cách sử dụng nó để giao thiệp với mọi người”. Bà cho biết hiện nay, công ty của bà sản xuất khoảng 20-25 linh vật mỗi tháng. Công ty cũng đang nhận được nhiều đơn đặt hàng ở nước ngoài. Chẳng hạn gần đây, một nhãn hiệu thời trang Ý đã đặt thiết kế một cặp linh vật để phục vụ cho một sự kiện quảng bá sản phẩm ở khu mua sắm sầm uất Ginza tại Tokyo.

“Các công ty nước ngoài bắt đầu hiểu rằng họ cần có một linh vật dễ thương để bán bất cứ thứ gì cho người dân Nhật Bản”, bà nói.

Điều gì đã gây ra cơn sốt linh vật?

Anh-2Các linh vật tham gia hội chợ triển lãm linh vật ở Hanyu, tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ảnh: Asahi Shimbun

Gần đây, một số linh vật được bà Kano đem đến tham dự hội chợ triển lãm linh vật hàng năm lần thứ 6 tại Hanyu, tỉnh Saitama. Hội chợ thu hút 40.000 khách tham quan. Hàng trăm linh vật tụ họp tại đây, ôm và vẫy tay chào những người qua lại. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (tức quân đội Nhật Bản) cũng đến mang ba linh vật là các chú tê giác trong trang phục nhà binh. Hội chợ này là nơi để khách hàng và các nhà sản xuất tìm kiếm các xu hướng linh vật đang được yêu thích cũng như xác định các linh vật có tiềm năng trở thành ngôi sao trong thời gian sắp tới. Linh vật Fukka-chan, một chú thỏ với hai cây hành chĩa ra trên cái mũ của nó như hai cột ăng ten, thu hút nhiều người đến xem. Fukka-chan là linh vật đại diện cho thành phố Fukaya, tỉnh Saitama, vùng trồng hành nổi tiếng của Nhật Bản.

Linh vật Sanomaru, một chú chó màu trắng đội một tô mì ramen úp trên đầu, cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Sanomaru từng giành giải linh vật nổi tiếng nhất Nhật Bản trong cuộc thi năm 2013 với 1.580 thành phố và doanh nghiệp gửi linh vật tham gia.

Trẻ em và người lớn đều thích ôm, bắt tay và vuốt ve các linh vật mà họ yêu thích. Bà Kano tin rằng một lý do khiến linh vật nổi tiếng ở Nhật Bản là vì chúng mang lại cho các cửa hàng và doanh nghiệp một hình ảnh tiếp xúc gần gũi với khách hàng cũng như giúp biểu lộ cảm xúc và tình cảm trong một xã hội mà mọi người giữ thái độ dè dặt với nhau. “Người Nhật Bản không thực sự muốn ôm nhau, ngay cả giữa vợ và chồng. Tôi không bao giờ ôm nhân viên của tôi nhưng nếu họ mặc trang phục của linh vật, tôi sẽ muốn ôm họ”, bà Kano nói.

Linh vật phổ biến đến nỗi vào năm ngoái, Bộ Tài chính Nhật Bản kêu gọi các cơ quan nhà nước nên cân nhắc kỹ trước khi đặt hàng thêm các linh vật để tránh làm lãng phí tiền đóng thuế của người dân. Chỉ riêng các cơ quan chính quyền của tỉnh Osaka đã mua 92 linh vật và nhiều trường hợp gây lãng phí, chẳng hạn hai cơ quan thuế ở tỉnh này đã đặt mua hai linh vật chó khác nhau để làm hình ảnh đại diện. Tỉnh trưởng tỉnh Osaka đã chỉ thị loại bớt linh vật và đến nay, các cơ quan chính quyền của tỉnh đã phải hủy bỏ hơn 20 linh vật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối