CHÁNH TÀI -
Sử dụng robot để hỗ trợ công việc nhà hàng không còn là câu chuyện quá xa lạ tại Trung Quốc. Ban đầu, robot được đưa vào các nhà hàng chỉ nhằm thu hút sự tò mò của các thực khách, nhất là giới trẻ. Nhưng hiện nay, chúng còn cung cấp một hướng giải quyết hiệu quả cho bài toán chi phí nhân công đang ngày một tăng cao.
Thời thượng và bài toán nhân công
Robot bồi bàn ở một nhà hàng tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Khi đến ăn nhà hàng Together Restaurant ở Bắc Kinh, thực khách sẽ được những robot bồi bàn phục vụ. Những “nhân viên” robot mang khăn quàng cổ, trượt quanh nhà hàng để mang món ăn cho thực khách thông qua chiếc khay gắn cố định trước ngực của chúng. Khi robot bồi bàn di chuyển, nó sẽ phát ra một giai điệu nhạc pop sôi nổi. Nhiều thực khách thấy thích thú và rút điện thoại di động ra để ghi lại hình ảnh của những bồi bàn tự động này.
“Giới trẻ thích chạy theo cái mới và robot mang đến kiểu phục vụ hiện đại, thời thượng”, Wang Peixin, chủ nhà hàng Together Restaurant cho biết.
Trung Quốc đang lên cơn sốt robot khi chúng có mặt khắp nơi. Tại các ngân hàng, các robot với giọng nữ cao vút giao tiếp với khách hàng bằng một số mẫu đối thoại cơ bản và kêu gọi mọi người xếp hàng. Robot cũng xuất hiện tại các lễ cưới với tư cách là chủ hôn. Chùa Long Xuân ở Bắc Kinh đã đặt một robot thầy tu có thể nói chuyện với các Phật tử và trả lời một số câu hỏi về Phật pháp. Nó cũng có thể niệm kinh và chơi nhạc Phật.
Tại nhà hàng Fragrant Island ở Bắc Kinh, các robot đội mũ đầu bếp có nhiệm vụ cắt các sợi mì từ những cục bột nhào. Jiao Songhui, quản lý của nhà hàng, từng đau đầu với chi phí nhân công và nguyên liệu tăng vọt. Cô cho biết, lương nhân công ở Bắc Kinh trong giai đoạn 2014-2015 tăng 10% lên mức khoảng 8.000 nhân dân tệ (1.200 đô la Mỹ)/tháng cho mỗi nhân công. Trong khi đó, giá bán của robot cắt mì chỉ tương đương với vài tháng lương của một nhân công bình thường. “Các sợi mì do robot cắt cũng ngon hơn và mềm hơn”, cô nói.
Đối với Qin Guangwei, chủ một tiệm mì chuyên phục vụ các công nhân nhập cư ở một công trường xây dựng tại ngoại ô Bắc Kinh, robot là một trợ thủ đắc lực trong nhà bếp.
“Những thứ công nghệ cao có thể giúp thu hút khách hàng”, anh nói. Bảng hiệu tiệm mì của anh trưng hình một con robot, gây sự chú ý người qua lại trên đường. Tại tiệm mì của Guangwei, các công nhân đến ăn rất đông sau mỗi ca làm việc. Vì vậy, anh cần hỗ trợ để phục vụ các tô mì giá một đô la Mỹ nhanh hơn. Robot của nhà hàng anh có thể cắt bột nhào thành những sợi mì với tốc độ bốn tô/phút. Anh cho biết nếu không có chú robot này, anh sẽ phải thuê thêm nhân công và phải tính giá thêm 15 cent (3.300 đồng) cho mỗi tô mì.
Cui Runguan, nhà sáng chế robot cắt sợi mì, đã bán được hơn 3.000 robot với giá 2.000 đô la Mỹ/robot kể từ khi giới thiệu chúng ra thị trường vào năm 2011.
Tuy nhiên, robot cũng có khi vấp phải những trục trặc. Robot bồi bàn ở nhà hàng của Wang Peixin được thiết kế để đôi mắt của chúng có thể nhấp nháy theo hình trái tim. Có lần, chức năng này của một robot bồi bàn bị hỏng, khiến chúng phục vụ khách với khuôn mặt lạnh lùng. Ngoài ra, các nhân viên cũng cho biết robot bồi bàn cũng không thể di chuyển vững vàng nếu phục vụ các món ăn quá nặng.
Khuyến khích tự động hóa
Một trong những lý do robot đang được ưa chuộng tại Trung Quốc là do dân số trong độ tuổi lao động của nước này đang giảm đi. Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích tự động hóa trong lĩnh vực sản xuất nhằm bù đắp cho lực lượng lao động thiếu hụt và bắt kịp các nước khác trong việc phổ biến sử dụng robot công nghiệp. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng cổ vũ mạnh mẽ cho việc phát triển robot.
Ông Luo Jun, Tổng thư ký của Liên minh thiết bị thông minh và nghiên cứu robot quốc tế, có trụ sở Bắc Kinh, cho biết hiện nay có khoảng 800 công ty ở Trung Quốc sản xuất hoặc buôn bán robot. Tuy nhiên, ông cho biết chỉ có chưa đến 100 công ty trong số này thực sự sản xuất robot. Đánh giá về robot bồi bàn, ông cho rằng: “Chúng chỉ như đồ chơi thôi”.
Zhang Wenqiang, phó giáo sư ngành khoa học máy tính ở Đại học Phục Đán tại Thượng Hải, cho rằng cơn sốt robot ở Trung Quốc đang có những dấu hiệu bong bóng. Ông nói nhiều công ty đang chế tạo robot không hữu ích thực sự.
Ông khuyên các công ty Trung Quốc không nên cứ chạy theo những robot có hình dạng giống người, thay vì thế họ có thể thử nghiệm sản xuất các robot giống động vật, chẳng hạn mèo máy Doraemon hay chuột Mickey để sử dụng hỗ trợ công việc nhà. “Bạn có thấy thoải mái nếu như một người lạ có mặt trong nhà của bạn?”, ông Wenqiang đặt câu hỏi để bày tỏ quan điểm phản đối xu hướng sản xuất robot giống người.