(SGTT) - Mỹ phẩm chứa cồn có thể làm khô, kích ứng và gây hại cho da là một quan niệm phổ biến trong giới làm đẹp. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại cồn có trong mỹ phẩm đều được tạo ra như nhau. Trong thế giới chăm sóc da đa dạng, cồn có thể vừa là “anh hùng” vừa là “nhân vật phản diện”, tùy thuộc vào loại, nồng độ và cách chúng được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da của bạn.
- Người Nhật uống nước như thế nào để cải thiện sức khỏe và làn da mỗi ngày
- Thị trường mỹ phẩm chuyển dịch với làn sóng tiêu dùng theo xu hướng
Mục đích của cồn trong các sản phẩm chăm sóc da
Bạn có thể tìm thấy cồn trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da và tóc, bao gồm mỹ phẩm, kem dưỡng da, nước hoa, sản phẩm cạo râu, chăm sóc răng miệng... Cồn là một loại hợp chất hữu cơ có chứa nhóm hydroxy (-OH) liên kết trực tiếp với nguyên tử carbon. Trong đó bao gồm ethanol, glycerin, đường và cồn béo. Như bạn có thể thấy, tất cả chúng đều có các đặc tính và công dụng rất khác nhau, do đó, không có loại cồn nào được tạo ra như nhau.
Theo Lauren Fine, chuyên gia da liễu tại Chicago, Illinois, cồn sẽ giúp sản phẩm nhẹ dịu hơn, giúp tăng cường sự hấp thụ qua da. Ngoài ra, cồn vẫn được đóng vai trò như một chất bảo quản trong sản phẩm, mặc dù không phải là chất bảo quản chính.
Tên của các loại cồn có trong danh sách thành phần chăm sóc da
Dưới đây là một số tên gọi và tác dụng của các loại cồn mà bạn thường thấy trên nhãn thành phần sản phẩm chăm sóc da:
- Ethyl: còn được gọi là ethanol, alcohol ethylic, rượu ngũ cốc hay cồn. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), rượu ethyl bị biến tính. Bạn sẽ tìm thấy cồn biến tính trong mỹ phẩm trang điểm, kem dưỡng da, nước hoa và các sản phẩm chăm sóc da và tóc. Ethanol có thể mang lại hiệu quả làm sạch dầu thừa ngay lập tức và khô nhanh. Mặc dù điều này có lợi cho các loại da dầu, nhưng nó cũng đồng thời tước đi lớp dầu tự nhiên của da, dẫn đến khô và kích ứng, đặc biệt là ở những người có làn da nhạy cảm hoặc khô.
- Isopropyl: còn được gọi là cồn isopropyl là một chất kháng khuẩn và khử trùng quan trọng trong lĩnh vực y tế và vệ sinh. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trên một loạt các sản phẩm, bao gồm chăm sóc móng tay, tóc và da. Đồng thời phục vụ nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả chất làm se, chất chống tạo bọt, và một dung môi. Tuy nhiên, tương tự như ethanol, nó có thể rất khô và phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.
- Methyl hoặc methanol: đây được coi là một loại rượu biến tính và phổ biến trong các sản phẩm sữa tắm.
- Benzyl: Một loại cồn tự nhiên được tìm thấy trong trái cây và trà. Bạn cũng sẽ tìm thấy nó trong xà phòng, mỹ phẩm, sữa rửa mặt và các sản phẩm dành cho tóc. Nó được sử dụng theo cách tương tự như ethanol và có nhiều lợi ích tương tự cho da.
- Cetyl, Stearyl, Cetearyl hoặc Lanolin: theo FDA, đây là những loại cồn béo, chúng khác rất nhiều so với các loại cồn truyền thống được sử dụng trong chăm sóc da. Bạn có thể tìm thấy các thành phần này trong dầu xả tóc, kem nền, trang điểm mắt, kem dưỡng ẩm và sữa rửa mặt. Trái với quan niệm phổ biến, các loại cồn béo này có thể cực kỳ có lợi cho da. Cồn béo, bao gồm cetyl, stearyl và rượu cetearyl, thường có nguồn gốc từ chất béo và dầu tự nhiên. Chúng có kết cấu sáp và khác biệt đáng kể so với dạng dễ bay hơi, lỏng của các loại cồn khác. Ngoài lợi ích về kết cấu, những loại cồn béo này đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da khỏe mạnh, duy trì hàng rào bảo vệ da. Chúng khóa độ ẩm, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường và có thể giúp giảm sự xuất hiện của nếp nhăn bằng cách giữ cho da ngậm nước.
Nên hay không nên sử dụng sản phẩm chăm sóc da chứa cồn?
Có những ưu và nhược điểm khi sử dụng cồn trong chăm sóc da. “Cồn có tác động đến sự tích tụ dầu thừa và hòa tan bụi bẩn trên da mặt”, bác sĩ da liễu Gretchen Frieling cho biết. Tuy nhiên, bác sĩ Frieling cũng khuyến cáo bạn nên xem xét tình trạng làn da của mình. Ví dụ, nếu bạn có làn da nhờn, toner chứa cồn có thể giúp giảm bã nhờn gây tắc nghẽn lỗ chân lông nhưng nếu bạn có làn da khô, da nhạy cảm, chàm hoặc dị ứng, cùng một loại toner có cồn đó sẽ làm khô da của bạn.
Một số người lo ngại rằng vì cồn giúp tăng cường sự hấp thụ của các thành phần khác, từ đó da có nhiều khả năng tiếp xúc và hấp thụ các tác nhân gây ô nhiễm từ môi trường hoặc các chất có hại trong một số sản phẩm. Tuy nhiên, bất chấp mọi tranh cãi, cồn không phải là một thành phần quá khắc nghiệt, miễn là bạn mua sản phẩm có nồng độ phù hợp và sử dụng nó với tần suất thích hợp. Theo bác sĩ Lauren Fine, cồn được tìm thấy trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc da và hầu hết mọi người không gặp bất kỳ vấn đề gì khi sử dụng. Đối với các loại da bình thường, cồn sẽ không có khả năng tác động xấu đến làn da của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy xem xét kỹ bảng thành phần. "Nếu hàng rào bảo vệ da của bạn đang bị suy yếu do kích ứng hoặc phát ban, thì cồn có khả năng gây kích ứng trầm trọng hơn, thậm chí là bỏng da", bác sĩ Lauren Fine cho biết.
Nhìn vào vị trí của cồn trong danh sách thành phần
Cũng giống như nhãn thực phẩm, bạn có thể biết được lượng cồn trong sản phẩm chăm sóc da bằng cách kiểm tra vị trí của nó trong danh sách thành phần. Ở nồng độ nhỏ hoặc hợp lý, các sản phẩm chứa cồn vẫn hoạt động tốt và mang lại nhiều lợi ích.
“Nếu cồn là một trong những thành phần ở vị trí hàng đầu, nó có khả năng sẽ gây khô da”, bác sĩ Lauren Fine nói. Lưu ý rằng, sử dụng sản phẩm chứa cồn với tần suất thường xuyên có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da của bạn. Một hàng rào bị phá vỡ sẽ khiến độ ẩm thoát ra khỏi da và cho phép các chất kích ứng tiềm ẩn xâm nhập, dẫn đến da đỏ và viêm.
Nếu cồn xuất hiện ở dưới vị trí thứ sáu hay gần cuối bảng thành phần, nó sẽ khá an toàn và không gây ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da của bạn. Bạn không nên sử dụng các sản phẩm có chứa ethanol, metanol, ethyl, isopropyl, và benzyl nếu chúng nằm ở vị trí cao trong bảng thành phần, vì chúng có thể gây ra vấn đề cho da khô.
Ngày nay, có nhiều sản phẩm chăm sóc da, tóc và chăm sóc cơ thể không chứa cồn xuất hiện trên các kệ hàng làm đẹp, nhưng nhãn "không chứa cồn" đó có thể chỉ mang tính chất tiếp thị nhiều hơn là phản ánh danh sách thành phần. Theo quy định của FDA, một sản phẩm được dán nhãn "không chứa cồn" khi nó không chứa cồn ethyl. Điều này có nghĩa là một sản phẩm không chứa cồn vẫn có thể bao gồm các loại cồn béo như cetyl, stearyl, cetearyl hoặc rượu lanolin. Đó là một phạm trù hoàn toàn khác.
Theo Everyday Health, Byrdie và seafloraskincare.com