Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Công chúng đã đến nhiều với nhạc thính phòng

Rất nhiều khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ đã đến với các buổi nhạc thính phòng và các chương trình nghệ thuật giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM (HBSO). Điều đó cho thấy nhạc hàn lâm đang tiến gần hơn đến nhu cầu và thói quen cảm thụ âm nhạc của công chúng.

Ai cũng biết nghệ thuật hàn lâm không phải dành cho đại chúng như các loại hình âm nhạc khác như pop, rock hay dân ca, quê hương... Nhạc giao hưởng khá kén khán giả bởi loại hình này đòi hỏi người nghe phải có sức cảm thụ nghệ thuật hàn lâm cùng những kiến thức về văn hóa, lịch sử nhất định.

Nỗ lực thu hút người xem

Xác định mục tiêu là phổ cập âm nhạc hàn lâm đến với khán giả trong nước, nhà hát đã nỗ lực từng bước trong suốt chặng đường dài với bao thăng trầm trong 20 năm qua. Ban đầu, HBSO đã mang các chương trình biểu diễn của mình đến các trường đại học Y khoa, Kinh tế, Bách khoa... Nhưng do đặc thù của các loại hình nghệ thuật biểu diễn này yêu cầu cao về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, không gian thích hợp, nên cũng kén điểm diễn. Ví thế dự án này không thành công.

Ba năm trở lại đây, cứ đến 20 giờ ngày 29 hàng tháng, các bạn yêu nhạc hàn lâm, đặc biệt là sinh viên, học sinh tìm đến chương trình "Giai điệu trẻ" – một chương trình nghệ thuật mở cửa miễn phí cho khán giả TPHCM do HBSO tổ chức định kỳ. “Nhu cầu thưởng thức nhạc cổ điển đã tăng lên rõ rệt trong giới trẻ vì mỗi lần tổ chức, thu hút 800-900 khán giả mỗi đêm, trong khi sức chứa của Nhà hát TPHCM chỉ khoảng 500 chỗ. Nhiều khán giả phải tự tìm chỗ đứng hoặc ngồi dưới sàn. Qua mỗi lần thực hiện, ban tổ chức đều cố gắng mang đến cho khán giả những kiến thức nền, tổng quan về dàn nhạc giao hưởng, tính năng và màu sắc các nhạc cụ, các bộ phận cơ bản của một dàn nhạc...”, ông Nguyễn Minh Tân, Phó trưởng phòng tổ chức biểu diễn của HBSO chia sẻ.

Một màn biểu diễn nhạc giao hưởng của Dàn nhạc giao hưởng TPHCM. Ảnh: BTC cung cấp
Một màn biểu diễn nhạc giao hưởng của Dàn nhạc giao hưởng TPHCM. Ảnh: BTC cung cấp
Một màn biểu diễn nhạc giao hưởng của Một cảnh trong vở múa ballet của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM.
Một màn biểu diễn nhạc giao hưởng của Một cảnh trong vở múa ballet của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM.

Mỗi tiết mục biểu diễn, khán giả trẻ được giới thiệu về tính năng, tên gọi và vị trí của từng loại nhạc cụ bên cạnh việc giao lưu cùng các nghệ sĩ. Tạo sự tương tác và tiếp cận trực quan, bằng cách riêng của HBSO đang từng bước tiếp cận với giới trẻ. Vì thế, các bạn trẻ đến với chương trình không chỉ là để giải trí mà còn để học hỏi.

“Trước đây mình chẳng hiểu gì về nhạc thính phòng, mình thích nhạc thị trường dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc và cũng dễ quên. Tình cờ một lần một người bạn học bên nhạc viện rủ đi tham dự chương trình “Giai điệu trẻ” mình rất thích cái ánh sáng vàng của nhà hát, sự tĩnh lặng của không gian dành cho âm nhạc và những giai điệu, những điệu múa hết sức nghệ thuật, công phu của các nghệ sĩ. Thật thiệt thòi nếu mình đã không đến”, bạn Trần Minh Tâm, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TPHCM chia sẻ.

Nếu như những ngày đầu, khi nhà hát chỉ có 12 nghệ sĩ cho cả ba lĩnh vực nhạc giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch; nhà hát nhạc giao hưởng bây giờ quy tụ nhiều tài năng từ những nghệ sĩ đầu tiên như nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tạ Bôn (Trưởng đoàn Giao hưởng), NSND Vũ Việt Cường (Trưởng đoàn Vũ kịch)... cho đến đông đảo lực lượng nòng cốt của HBSO.

Cũng vậy, ban đầu, nhà hát chỉ có những chương trình nhạc thính phòng, tiểu phẩm múa, rồi đến các tác phẩm giao hưởng của Mozart, Tchaikovsky, Beethoven... Vài năm trở lại đây, để các chương trình hấp dẫn hơn, gần gũi hơn với công chúng, từ những tiểu phẩm, trích đoạn kinh điển nổi tiếng thế giới cho đến những buổi diễn trọn một vở ballet kinh điển như Kẹp Hạt Dẻ, Cô bé Lọ Lem... đã được trình diễn.

Đặc biệt hơn, vào giữa tháng 7 vừa qua, nhà hát đã xây dựng chương trình Broadway cho công chúng TPHCM với các bài hát trích từ những vở nhạc kịch nổi tiếng như Les Misérables, The Phantom of the Opera, Notre Dame de Paris... Broadway là tên một địa danh ở New York (Mỹ), nơi quy tụ 40 nhà hát lớn trình diễn một thể loại xuất phát từ nhạc kịch cổ điển opera. Ngày nay, Broadway đã trở thành một dòng nhạc, một phong cách kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với các thể loại âm nhạc truyền thống và nghệ thuật diễn xuất sân khấu.

“Đó là một bước thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi và thành công ngoài mong đợi. Dĩ nhiên, không thể so sánh với một chương trình Broadway của Mỹ, mà là một chương trình Broadway của Việt Nam khi âm nhạc hàn lâm vẫn đang trên đường tìm kiếm và chinh phục khán giả. Ở các nước phát triển, Broadway là một vở kịch xuyên suốt nhưng chương trình của họ thực hiện như là những mảnh ghép của nhiều câu chuyện được kể nhằm mục đích mang lại nhiều cảm hứng cũng như nhiều tiết mục hơn cho khán giả”, ông Tân nói.

Vì vậy, HBSO còn hợp tác với nhiều đoàn múa, nghệ sĩ, dàn nhạc từ nhiều nơi trên thế giới để mang lại nhiều màu sắc hơn cho khán giả Việt như Đêm nhạc Brazil, đêm nhạc Pháp hay mới đây là vở múa đương đại Out of Context – for Pina của đoàn múa Les ballets C de la B từ Bỉ.

“Điều quan trọng là tạo một thói quen thưởng thức âm nhạc hàn lâm cho công chúng và điều đó nên được bắt đầu từ những em nhỏ. Vì thế, thời gian tới, HBSO sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM và các trường phổ thông đưa học sinh đến xem các buổi tổng duyệt chương trình của HBSO tại Nhà hát thành phố", Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc nhà hát cho biết.

Trong một buổi họp báo vào cuối tháng trước, Nhạc trưởng Trần Vương Thạch chia sẻ: “Không phải cứ vì cần khán giả mà phải xây dựng chương trình phù hợp với quần chúng hay hạ thấp trình độ nghệ thuật để tạo ra sự gần gũi, mà phải làm được những chương trình chất lượng và hấp dẫn... Thật ra, khán giả không cần những bản nhạc dễ nghe, mà cần một chương trình giao hưởng đúng nghĩa”.

Nhà hát cũng chú trọng đến nhóm khán giả trẻ như cách xây dựng lớp khán giả tương lai. Vì vậy, các chương trình hòa nhạc tại Nhà hát thành phố của HBSO thường có giá khoảng 200.000-400.000 đồng cho nhiều loại ghế thì sinh viên luôn luôn được ưu tiên với giá vé 80.000 đồng.

Một cảnh trong vở múa đương đại Chạm tay vào quá khứ của biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Phúc Hải.
Một cảnh trong vở múa đương đại Chạm tay vào quá khứ của biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Phúc Hải.

[box type="bio"] Khán giả có thể đặt vé trực tuyến tại trang web www.ticketbox.vn. Điện thoại: (08) 38237419- 0989874517 (gặp cô Hương), 0903041959 (gặp anh Luân) hoặc mua vé trực tiếp tại Nhà hát thành phố.[/box]

Những khó khăn của HBSO

Có thể nói sau 20 năm, HBSO vẫn chưa có một trụ sở, vẫn chưa có một nhà hát đúng nghĩa. “Hiện nay ở địa bàn TPHCM, chúng ta chỉ có Nhà hát thành phố tại Công trường Lam Sơn là địa điểm duy nhất phù hợp cho biểu diễn nhạc giao hưởng. Các nghệ sĩ đều phải thuê điểm tập, rồi đến buổi tổng duyệt, chúng tôi chỉ được phép thực hiện một ngày tại nhà hát”, ông Minh Tân nói.

Năm ngoái, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê chuẩn việc xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại công viên 23-9, quận 1, nhưng dự án vẫn còn trên giấy tờ. “Chúng tôi rất mong nhanh chóng có một nhà hát đúng chuẩn, đúng nghĩa để cho các nghệ sĩ tập luyện và cũng để cho công chúng được thưởng thức các chương trình nhạc hàn lâm chất lượng”, ông Minh Tân nói.

Điều khó khăn tiếp đến là chúng ta chưa có nhiều sáng tác nhạc giao hưởng trong nước. “Sáng tác nhạc đã khó, sáng tác nhạc hàn lâm lại còn khó hơn, và đó chính là thách thức cho nhạc giao hưởng Việt Nam”, ông Tạ Bôn, Trưởng đoàn Giao hưởng HBSO chia sẻ.

Mỗi tháng, HBSO thường tổ chức ba đêm hòa nhạc, thường diễn vào các ngày 9, 19 và 29, và một số các chương trình không định kỳ vào các ngày khác.

Mỹ Loan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối