Thùy Dung -
Nông dân trồng cây bằng smartphone, sản xuất tôm nhờ dữ liệu đám mây, chăn nuôi bò bằng hệ thống chăm sóc tự động... là những mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại đang được áp dụng trong nông nghiệp Việt Nam.
Đưa tôm lên... đám mây
Giống như bao nông dân khác, hàng ngày ông Vương Đình Phi (59 tuổi) vẫn theo dõi và chăm sóc khu vườn rộng 3.000 ha trồng cà chua và dâu tây của mình tại ấp Thánh Mẫu, phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nhưng có điểm khác là ông Phi không phải ra vườn để chăm bón mà chỉ ngồi nhà chăm sóc vườn cây qua… smartphone.
Vườn cây của ông Phi được thiết kế theo kiểu nhà kính, với hệ thống tưới tự động, có trung tâm điều khiển, các van điện, máy bơm và dàn ống tưới. Khu vườn còn có các bộ phận giám sát khí hậu nhà kính, bộ phận quan sát thời tiết với độ chính xác cao. Ngoài hệ thống tưới tự động, ông Phi còn lắp đặt 16 camera để quan sát sâu bệnh.
“Tất cả đều hoạt động dựa trên nền tảng Internet kết nối vạn vật nên dù có đi Hà Nội, Sài Gòn, thậm chí ra nước ngoài tôi vẫn có thể theo dõi, chăm sóc vườn cây bình thường miễn là điện thoại có kết nối wifi", ông Phi cho biết.
Đấy là về phần nông dân, còn đối với doanh nghiệp nông nghiệp, hiện cũng đã có nhiều nơi ứng dụng công nghệ cao, tiến tới nền nông nghiệp 4.0. Điển hình là trang trại bò sữa TH. Hiện nay trang trại bò sữa TH ở Nghệ An đã có khoảng hơn 45.000 con và sử dụng công nghệ hiện đại để vận hành, quản trị trang trại.
Lãnh đạo công ty này cho biết, bò được đeo chip và quản lý bằng phần mềm máy tính, trang trại được lắp đặt hệ thống vắt sữa tự động, khép kín nhằm đảm bảo kiểm soát chất lượng sữa; quy trình phòng bệnh và an toàn sinh học cho bò được thực hiện nghiêm ngặt. Ngoài ra, bò còn được tắm mát, nghe nhạc nhằm kích thích sự tiết sữa. Cánh đồng được tưới bằng những cánh tay tưới thông minh, mỗi cánh tay dài tới 500m và được điều khiển hoàn toàn tự động.
Hay đối với ngành sản xuất tôm, tập đoàn Minh Phú đã sử dụng dữ liệu “đám mây” để sản xuất và chế biến tôm. Hiện nay, chuỗi giá trị tôm của tập đoàn này được kết hợp từ tôm giống bố mẹ tới chế biến xuất khẩu và phân phối bán lẻ. Toàn bộ hệ thống được quản lý bằng hệ thống cảm biến, định vị, quản lý dữ liệu điện toán đám mây trong sản xuất và chế biến tôm.
Ngoài các ví dụ về nông dân, doanh nghiệp ở trên, tại một hội thảo về nông nghiệp 4.0 diễn ra tại Hà Nội giữa năm 2017, ông Lê Quý Kha, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho hay, các trường đại học cũng đã nghiên cứu được các mô hình ứng dụng nông nghiệp thông minh. Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Nghệ An) đang có mô hình ứng dụng hệ thống giám sát và điều khiển canh tác rau thông minh. Hệ thống này có chức năng giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và tưới nước cho cây, giúp cây phát triển tốt hơn, an toàn hơn, năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhiều nơi áp dụng
Không chỉ vậy, nông nghiệp còn đang thu hút sự vào cuộc của các công ty công nghệ. Công ty Microsoft Việt Nam đã đưa ra ứng dụng công nghệ phầm mềm SmartChick phục vụ nuôi gà thông minh, giúp người dùng chăm sóc gà theo đúng quy trình an toàn sinh học. Người dùng không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm vẫn có thể có được những con gà chất lượng sau khi nuôi.
SmartChick hoạt động tự động hoặc bán tự động thông qua công nghệ kết nối vạn vật, giúp người dùng chăm sóc gà ở bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu thông qua Internet. Hoặc một số mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm soát sâu bệnh trong sản xuất lúa của Công ty cổ phần Đại Thành (Bắc Ninh), mô hình sử dụng máy phun thuốc trừ sâu với bộ điều khiển từ xa tại Châu Phú, An Giang…
Kể những ví dụ ở trên để thấy rằng, dù nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như diện tích đất đai manh mún, năng suất thấp, trình độ lao động hạn chế… nhưng cũng đã bắt đầu xuất hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tiệm cận với mô hình nông nghiệp 4.0.
Theo ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đặc điểm đầu tiên của mô hình nông nghiệp 4.0 phải kể đến là tốc độ. Do mọi hoạt động dựa trên công nghệ kỹ thuật số nên thông tin phục vụ sản xuất, quản lý đều có tác động tức thì. Như vậy, tiết kiệm thời gian là yếu tố quan trọng nhất, ai không thể thích nghi với tốc độ sẽ bị đào thải.
Đặc điểm thứ hai là, do tốc độ thông tin và mức độ tự động hóa cao, phương thức sản xuất thay đổi, điều khiển từ xa nên đòi hỏi nhà quản lý cần có năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý con người hoàn toàn mới, dựa vào năng lực nắm bắt và làm chủ công nghệ là chính. Các mối quan hệ giữa người quản lý và người lao động cũng trở nên “ảo”.
Đặc điểm thứ ba là sự thay đổi cơ bản của công nghệ, mà trong nông nghiệp là tin học-sinh học; ứng dụng kỹ thuật số (GPS) trong quản lý tài nguyên, dịch bệnh; vật liệu nano cao cấp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới; chip điện tử trong quản lý vật nuôi; môi trường nhân tạo trong kỹ thuật nuôi trồng nông nghiệp và thuỷ sản, năng lượng tái tạo... Một số công nghệ mới cho phép chuyển dần từ sản xuất lương thực, thực phẩm thuần tuý sang sản xuất thực phẩm chức năng, dược phẩm và mỹ phẩm có giá trị kinh tế cao hơn.
[box] Mô hình nông nghiệp nào có thể áp dụng 4.0?
Theo nhiều chuyên gia, làm nông nghiệp 4.0 không thể phát triển ồ ạt mà phải làm từng bước, từng ngành và hài hoà với công nghệ của giai đoạn nông nghiệp. Nếu áp dụng nông nghiệp 4.0 ồ ạt trên tất cả các lĩnh vực có thể không đủ nguồn lực và dẫn tới thất bại như nhiều chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trước đó. Một số mô hình nông nghiệp 4.0 có thể áp dụng: + Chăn nuôi bò sữa, heo, gà, nuôi tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp. Các ngành này đòi hỏi diện tích không lớn. Hơn nữa, hiện nhiều doanh nghiệp đã có mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất tới xuất khẩu, nên dễ dàng ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0.
+ Sản xuất hoa và quả là những ngành hàng có công nghệ tự động hoá khâu sản xuất cây giống, cơ giới hoá làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch; phân bón và tưới nước kết hợp, chế phẩm giúp sản xuất trái vụ, công nghệ bảo quản tiên tiến. + Sản xuất nấm ăn và cây dược liệu. Đây là các ngành có thể sản xuất quy mô công nghệ với giá trị gia tăng cao trong các hệ thống sản xuất được điều khiển cả về khí hậu và kỹ thuật canh tác, chiếm diện tích, quy mô không lớn. Ưu tiên công nghệ chiết tách các hoạt chất mang dược tính cao như tinh dầu gấc, nhân sâm... tiến tới tìm kiếm hoạt chất có chức năng chữa bệnh và làm đẹp.
+ Trong sản xuất lúa gạo có thể áp dụng các công nghệ đã được kiểm chứng ở nước ngoài như ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh.
+ Trong sản xuất cà phê và hồ tiêu, ưu tiên cho tự động hoá trong sản xuất cây giống, cơ giới hoá làm đất, trồng, chăm sóc thu hoạch phân bón và tưới nước kết hợp có điều khiển, sử dụng chế phẩm giữ ẩm, chế phẩm quản lý bệnh phát sinh từ đất, chế phẩm giúp quả chín đồng loạt, công nghệ chế biến sâu.[/box]