Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Công nghệ trong từng ngóc ngách cuộc sống

CHÍ THỊNH - 

Thời nay, sản phẩm công nghệ đã len lỏi đến từng ngóc ngách trong đời sống, công việc và sinh hoạt, làm thay đổi thói quen và hành vi của con người. Sài Gòn Tiếp Thị đã thực hiện một “bàn tròn bỏ túi” về vấn đề này.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm quản trị và an ninh mạng Athena: “Hỗ trợ tốt công việc, tiêu tốn nhiều thời gian”

Công nghệ giúp cho mọi người nhanh chóng tiếp cận thông tin mới thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối Internet. Về mặt tích cực thì công nghệ thúc đẩy việc phát triển kinh doanh, kết nối mọi người nhanh chóng qua mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin miễn phí. Tuy nhiên, lạm dụng công nghệ, tiêu tốn nhiều thời gian cho mạng xã hội cũng khiến cho mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình phần nào bị ảnh hưởng. Ở những gia đình sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ thường bắt gặp cảnh cha mẹ, con cái, anh em… mỗi người ôm một chiếc điện thoại, máy tính bảng để lướt web, xem video trên YouTube, chat Facebook... Các thành viên trong gia đình ít nói chuyện trực tiếp với nhau!

Nhìn chung, công nghệ đã hỗ trợ cho người dùng nhiều hơn trong công việc. Như bản thân tôi, có thể vận hành các chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành hoàn toàn qua Internet; có thể hội họp hoặc trao đổi công việc trực tuyến (video conference), quan sát tình hình ở công ty thông qua hệ thống camera giám sát từ xa… Còn đối với gia đình, tôi cũng có thể ứng dụng công nghệ camera thông minh để quan sát tình hình sinh hoạt ở nhà, giám sát an ninh, chống trộm, chăm sóc con cái từ xa.

Bà Võ Nga, Nhân viên văn phòng công ty tổ chức hội chợ ở quận 1, TPHCM: “Tiện ích nhưng có mặt trái”

Tôi cho rằng Internet và các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng mang lại nhiều sự thuận tiện cho người dùng. Tuy nhiên, sự thuận tiện này cũng có mặt trái của nó. Như ngày xưa, muốn trang bị thêm kiến thức thì mình phải đọc sách, bỏ nhiều thời gian để tra cứu tài liệu; còn bây giờ thì hoàn toàn ỷ lại vào… Google. Do hầu như ở đâu cũng có kết nối mạng Wi-Fi, 3G nên chỉ cần lên mạng tìm kiếm là xong.

10

Các sản phẩm công nghệ như smartphone, máy tính bảng… khiến cho mọi người trong nhà ít nói chuyện với nhau nhưng xét ra, chúng vẫn mang đến nhiều cái lợi. Ví dụ như bản thân tôi rất ít khi xem truyền hình, theo dõi tin tức thời sự nhưng nhờ lướt Facebook tôi vẫn có thể cập nhật tin tức hàng ngày nhờ những đường dẫn (link) do bạn bè chia sẻ.

Ông Lê Duy, Quản trị Diễn đàn công nghệ Mobileworld: “Nhiều lúc bị… việt vị”

Do ỷ lại vào công nghệ nên bây giờ còn mấy ai nhớ được số điện thoại của người thân, hay lịch làm việc của chính mình… Cần gì cứ mở danh bạ hay lịch hẹn trong điện thoại mà xem. Bản thân tôi cũng có thói quen lưu hết toàn bộ lịch làm việc, các buổi hội thảo, thời gian cho con uống thuốc… vào calendar (lịch) trên smartphone, cứ tới giờ máy sẽ tự động nhắc nhở. Thói quen này đôi lúc làm cho tôi bị “hố” do đến giờ đi hội thảo mà điện thoại chỉ nhắc ngày giờ, nhưng mình thì không nhớ địa điểm; hoặc đúng lúc chuẩn bị đi họp thì máy lại bị hết pin nên cũng chẳng thể nhắc được.

Công nghệ và sản phẩm công nghệ đã làm ảnh hưởng đến nhiều thành viên trong gia đình, làm thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Bản thân tôi thường có thói quen canh giờ để xem một vài chương trình truyền hình ưa thích nhưng nay tôi có thể xem lại trên smartphone hoặc máy tính bảng. Tôi cũng có thể mở các chương trình giải trí ưa thích bất kỳ lúc nào, giải trí một cách chủ động hơn, thay vì bị lệ thuộc vào màn hình ti vi như trước.

Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng Mai Nguyên Luxury Mobile: “Tỉnh táo để tránh lãng phí”

Các sản phẩm công nghệ liên tiếp ra đời, thay thế cho các sản phẩm đời cũ và cứ thế, cuốn người dùng phải chạy theo.

Tốc độ ra mắt sản phẩm mới như hiện nay đã dẫn tới cuộc chạy đua… sử dụng công nghệ của người tiêu dùng. Dù đang sử dụng ti vi FullHD màn hình 55 inch nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy “đã” nên chọn mua chiếc ti vi 4K màn hình 75 inch. Rồi ổ cứng ở nhà liên tục thiếu chỗ trống để lưu giữ phim ảnh mới, buộc phải “tậu” ổ cứng 4 TB mới có đủ chỗ để lưu trữ loạt phim ảnh mới.

Những người đam mê công nghệ thường luôn có nhu cầu “cập nhật” sản phẩm mới, công nghệ mới và phải có điều kiện tài chính để theo đuổi. Và không phải lúc nào người chơi cũng đúng khi mãi lo chạy đua công nghệ, thay đổi sản phẩm mới. Tôi mua chiếc Macbook 12 inch kiểu dáng đẹp nhưng cấu hình lại hơi yếu nên không thích hợp với nhu cầu làm việc, giải trí hàng ngày. Hiện giờ, chỉ có thể lâu lâu đi du lịch xách theo nó để thay thế cho máy tính bảng.

Các sản phẩm thông minh mang lại sự tiện lợi cho người dùng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, người dùng cũng nên lựa chọn sản phẩm phù hợp để tránh lãng phí.

Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Trung tâm sách điện tử Ybook: “Mua sắm di động sẽ tăng cao”

Tôi thường xuyên lên các sàn Lazada, Yes24, Amazon, Tiki… để mua sắm. Tôi cho rằng sẽ đến lúc nhu cầu sử dụng máy tính giảm xuống nhiều so với điện thoại, mỗi khi mua sắm chỉ cần sử dụng ứng dụng của các sàn thương mại điện tử kể trên là xong. Không cần màn hình lớn, không cần giao diện nhiều tính năng trên máy tính, mọi thông tin đều có trên ứng dụng và việc mua sắm đơn giản hơn rất nhiều.

Các ứng dụng mua sắm qua di động hiện nay có khả năng đáp ứng gần hết nhu cầu của người thích mua sắm trực tuyến; các chương trình khuyến mãi được đẩy xuống từ ứng dụng, người dùng có thể đọc nhanh và quyết định mua ngay, chỉ cần gõ phím vài ba cái là có thể mua hàng.

Hành vi mua sắm trên smartphone khác hẳn với việc mua sắm qua máy tính trước đây, người dùng không cần phải lướt web xem sản phẩm, lựa chọn sản phẩm giảm giá, sản phẩm phù hợp với nhu cầu… Thực ra, máy tính chỉ được dùng khi người dùng cần kiểm tra, so sánh giá sản phẩm một cách kỹ càng hơn.

Ông Phạm Tấn Anh Vũ, Chuyên gia thử nghiệm sản phẩm của Diễn đàn Vforum: “Kết nối mọi thành viên hàng ngày”

Công nghệ đang giúp kết nối mọi người một cách nhanh chóng và thuận tiện. Như thông qua việc lập ra các nhóm (group) trò chuyện trên Facebook hoặc Viber, Zalo… mọi người trong gia đình cho dù ở đâu cũng có thể nói chuyện với nhau hàng ngày, hàng giờ. Những thông tin mới, hình ảnh sinh hoạt, kỷ niệm trong gia đình… đều có thể chia sẻ trên mạng xã hội; không cần phải chờ tới lúc gặp nhau vào các dịp lễ, tết như trước đây.

Kể cả những việc đơn giản như họp mặt bạn bè, tổ chức tiệc tùng… đều có thể thông qua mạng xã hội để gửi lời mời đến người thân, bạn bè một cách nhanh chóng.

Thời gian gần đây, tôi cũng chuyển thói quen mua sắm theo kiểu “online trước, offline sau”. Bây giờ, cho dù mua sắm món gì hoặc chuẩn bị cùng gia đình đi ăn ở quán nào tôi đều lên mạng tìm kiếm thông tin về quán ăn, sản phẩm, đọc bình luận của khách hàng… rồi mới quyết định có mua sản phẩm hoặc đi ăn hay không. Có thể nói nhờ tra cứu thông tin dễ dàng qua mạng nên người tiêu dùng có thể tìm hiểu về sản phẩm, so sánh giá cả, thăm dò ý kiến bạn bè, người thân… trước khi quyết định mua sắm hoặc ăn uống.

Ông Chu Võ Kim Long, Giám đốc Trung tâm Tablet Plaza: “Đôi khi bị lệ thuộc”

Không thể chối bỏ rằng công nghệ ảnh hưởng rất lớn đến công việc, đời sống sinh hoạt gia đình. Trong kinh doanh nếu không có laptop, smartphone với kết nối Internet thì khó có thể làm việc có hiệu quả. Nhưng công nghệ cũng khiến cho con người bị lệ thuộc vào nó, cảm thấy gò bó do suốt ngày phải trả lời e-mail, nhắn tin, trả lời các bình luận trên Facebook…

Những người kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ luôn có hai chiếc smartphone và hai số điện thoại di động: một dành cho công việc, một dành cho gia đình. Số điện thoại kinh doanh thường tắt khi về đến nhà để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình.

Thực tế là sản phẩm công nghệ phần nào đó cũng khiến cho việc sinh hoạt trong gia đình bị thay đổi. Ví dụ như khi bận rộn, cha mẹ thường hay đưa điện thoại hay máy tính bảng cho con chơi để chúng khỏi quấy phá, ảnh hưởng đến công việc. Mà trẻ con nếu sử dụng smartphone, máy tính bảng nhiều quá cũng không tốt. Đây cũng là thói quen sử dụng sản phẩm công nghệ cần phải điều chỉnh, phải quản lý thời gian sử dụng sao cho hợp lý để tránh những phiền toái có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng kế toán Công ty Haxaco: “Làm việc, giải trí, mua sắm đều thuận tiện”

Mặc dù việc sử dụng các sản phẩm công nghệ có làm mất nhiều thời gian nhưng bù lại người dùng sẽ có nhiều sự tiện lợi hơn.

Việc trao đổi thông tin với bạn bè, người thân, đồng nghiệp… qua Internet trở nên nhanh hơn trước nhiều. Chỉ cần gửi tin nhắn Zalo hoặc Viber là có thể trao đổi thông tin, không cần phải gọi điện thoại như trước. Các công cụ chat, gọi điện thoại qua Internet này còn cho phép tạo group (nhóm) để người dùng có thể nhắn tin đến nhiều người cùng lúc, thuận tiện hơn và miễn phí.

Bây giờ mua sắm trực tuyến cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn trước. Lúc nào cũng có thể đặt mua hàng thông qua laptop, smartphone, máy tính bảng…

Về mặt giải trí thì công nghệ cũng góp phần thay đổi thói quen theo dõi truyền hình. Nếu như trước kia cả nhà thường tập trung trước màn hình ti vi để xem các chương trình giải trí thì nay mỗi người có thể tự do xem tin tức thời sự, chương trình ca nhạc, game show… ưa thích trên smartphone hoặc máy tính bảng. Mỗi khi ti vi trong nhà bị chiếm dụng thì chiếc iPad lại trở thành vị “cứu tinh” để có thể xem các chương trình truyền hình một cách thoải mái cho nhiều người.

Các ứng dụng truyền hình trực tiếp (Live TV), phim ảnh, TV show… có mặt trên smartphone, máy tính bảng sẽ giúp “giết thời gian” khi di chuyển bằng ô tô hoặc máy bay. Đây cũng là hình thức giải trí chủ động, giúp người dùng không bị bó buộc về thời gian cũng như không gian; có thể xem các đoạn video, chương trình truyền hình ưa thích ở bất kỳ chỗ nào, bất kỳ lúc nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối