Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Công nhân chật vật làm thêm

THÁI NGỌC -

Tăng ca, ăn theo sản phẩm cùng các khoản hỗ trợ về chi phí nhà trọ, xăng, chuyên cần... công nhân thường có thu nhập thực tế cao hơn mức lương trong hợp đồng. Tuy vậy đời sống của họ vẫn rất chật vật, nhiều công nhân sau giờ làm việc ở công ty phải đi làm thêm...

Khảo sát về thu nhập và đời sống công nhân tại mười tỉnh, thành do Viện Công nhân-Công đoàn, thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong năm 2015 vừa công bố cho thấy chỉ có 8% công nhân có tích lũy và có đến 92% công nhân phải rất tằn tiện mới đủ chi tiêu, hoặc không đủ sống.

Tằn tiện chi tiêu

Hơn sáu giờ chiều, các khu chợ tạm gần khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc khá đông đúc, người mua chủ yếu là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp vừa mới tan ca. Chất lượng hàng hóa ở các chợ này không cao nhưng có giá rẻ, cuối ngày người bán cũng muốn bán cho xong nhưng nhiều công nhân vẫn rảo qua rảo lại các hàng để tìm nơi có giá thấp hơn để có thể tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Buổi sáng của công nhân thường là khoai, bánh chiên… hoặc những thứ rẻ tiền. Ảnh: Thái Ngọc
Buổi sáng của công nhân thường là khoai, bánh chiên… hoặc những thứ rẻ tiền. Ảnh: Thái Ngọc

Vào phòng trọ của vợ chồng chị Huỳnh Thị Thu nằm sâu trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thị Tú, quận Bình Tân, bữa cơm tối chỉ có canh rau muống và cá nục kho. Chị Thu cho biết bữa ăn của gia đình chị cũng như nhiều công nhân khác chủ yếu là rau, trứng, các loại cá rẻ tiền. Thịt không phải ngày nào cũng có, nhiều lúc cũng chỉ dám mua cho con.

Chị Thu làm công nhân tại Công ty Visingpack chuyên sản xuất bao bì trong KCN Vĩnh Lộc, cho biết: “Lương trong hợp đồng của hai vợ chồng là 3,2 triệu đồng/tháng mỗi người. Ngoài ra, còn được công ty hỗ trợ nhà trọ 200.000 đồng/tháng/người, tiền chuyên cần cũng chừng đó, xăng xe 100.000 đồng/tháng/người cùng với tiền tăng ca, ăn theo sản phẩm thì thu nhập dao động 8-10 triệu đồng/tháng. Tiền gửi con 1,5 triệu đồng/tháng, cùng với tiền sữa, ăn thêm cho con mỗi tháng cũng hơn 3 triệu đồng. Tiền thuê nhà trọ hơn 1 triệu đồng/tháng, rồi các khoản sinh hoạt, ăn uống, xăng xe, hiếu hỉ… tháng nào tiết kiệm lắm cũng chỉ dư được khoảng 1,5 triệu đồng”.

Chị Nguyễn Thu An, làm công nhân may, có chồng làm thợ mộc. Hai anh chị có thu nhập trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca nhiều được khoảng 10 triệu đồng. Anh chị cùng với đứa con nhỏ ba tuổi đang sống trong một căn phòng khoảng 10 m2. Đứa con lớn đang học lớp 2 phải gửi cho ông bà nội ở quê. Cứ hai tháng anh chị gửi về cho ông bà một triệu đồng để lo cho con. “Cũng phải dựa vào ông bà chứ số tiền đó là không thể lo đủ chuyện ăn học cho cháu”, chị nói. Tháng rồi anh chị phải lấy khoản tiền tiết kiệm để gửi về mua sách vở, sắm quần áo cho đứa lớn ở quê và cả đứa nhỏ ở đây vào năm học mới.

Chị Hà làm công nhân may của Công ty An Phước trong KCN Tân Bình, lương cơ bản 3,2 triệu đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp, tăng ca được hơn 4 triệu đồng. Chồng chị làm thợ hồ thu nhập không ổn định. Dù mới có một đứa con nhưng anh chị phải gửi về quê cho ông bà nội chăm sóc.

Còn độc thân nhưng với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, anh Võ Xuân Quới - công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Chaang Chiia Việt Nam tại KCN Vĩnh Lộc vẫn thấy khó khăn. Quới chia sẻ, nhiều lúc thấy quần áo đẹp bày bán trong cửa hàng cũng rất muốn sắm sửa nhưng cuối cùng chỉ dám mua đồ vỉa hè để tiết kiệm. Hơn hai năm làm công nhân, tài sản dành dụm được của anh là chiếc xe máy Sirius.

[box] Ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định tăng lương tối thiểu cho năm 2016 là 12,4% so với năm 2015.

Theo đó, mức tăng cụ thể là từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng tùy theo từng vùng. Cụ thể: vùng 1 sẽ tăng 3,1 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng; vùng 2 tăng từ 2,75 triệu đồng lên 3,1 triệu đồng, vùng 3 tăng từ 2,4 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng và vùng 4 tăng từ 2,15 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng. Phương án tăng lương tối thiểu này sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia trình Chính phủ phê duyệt trước khi công bố chính thức vào tháng 10 tới và được áp dụng từ ngày 1-1-2016.

Trước khi bước vào phiên họp lần thứ ba (cũng là lần cuối cùng), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho người lao động đề xuất tăng 16,8%, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho người sử dụng lao động đề nghị mức tăng không quá 10%. Đến giữa phiên họp cuối cùng, phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chấp nhận giảm xuống 14,3%, nhưng VCCI chỉ đồng ý nâng lên gần 11%. Cuối cùng Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng 12,4%.[/box]

Làm thêm để dành

Chị An chia sẻ, làm công nhân ai cũng “thích” tăng ca vì tăng ca mới có chút dư giả, chứ ăn lương cơ bản thì luôn thiếu trước hụt sau. “Nhưng không phải ngày nào công ty cũng nhiều việc để tăng ca. Thường chỉ những tháng gần tết, đơn hàng nhiều làm không kịp thì mới tăng ca nên công nhân cũng có thêm thu nhập để có khoản tiền dư về quê, hoặc gửi quê cho gia đình ăn tết”, chị An cho biết.

Công ty không tăng ca, không ít công nhân đã kiếm việc làm thêm sau giờ làm việc để có thêm thu nhập. Kết thúc công việc tại công ty vào lúc 5 giờ chiều, chị Lạc vào quán ăn vội buổi tối, sau đó đến một cơ sở may gia công làm tới 9-10 giờ đêm mới trở về phòng trọ. Chị cho biết, hôm nào công ty không tăng ca hoặc tăng ca ít chị đều đến cơ sở may gia công trên đường S7, gần KCN Tân Bình để làm thêm. Nhờ chịu khó nên thu nhập mỗi tháng được hơn 6 triệu đồng. Mỗi tháng chị gửi 700.000 đồng phụ bố mẹ ngoài Quảng Nam nuôi em ăn học, còn lại chị để dành. “Không phải lúc nào mình cũng có sức khỏe, thời gian để làm việc với cường độ như thế này. Bây giờ còn trẻ thì chịu khó để sau này có chút vốn muốn làm gì cũng dễ”, chị Lạc nói.

Cũng là công nhân, ban ngày anh Quân làm việc trong một công ty thực phẩm tại quận Bình Tân, công việc kết thúc muộn nhất vào khoảng 6 giờ tối. Tan ca, anh giữ xe cho một quán cà phê đến 11 giờ đêm. Chủ quán trả 1,5 triệu đồng tháng, cùng với tiền khách cho cộng lại cũng khoảng hai triệu đồng. “Học hành dỡ dang mới đi làm công nhân, phải chịu khó để có được khoản dư để còn lấy vợ, sinh con”, anh Quân nói.

Cùng công ty với Quân, sau giờ làm Quyên phụ bán hàng cho một tiệm bán quần áo. Công việc không nặng nhọc, 10 giờ đêm cửa hàng đóng cửa, mỗi tháng được trả 1,5 triệu đồng và nếu bán tốt còn được thưởng thêm. “Tôi chọn công việc này để có thêm thu nhập, đồng thời cũng để học hỏi cách bán hàng, kinh doanh. Lúc này phải tiết kiệm để có tiền mở một cửa hàng của riêng mình trong tương lai chứ đi làm công nhân chắc khó mà dư dả”, Quyên nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối