Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Công nhân và cơn bão số đề

Nguyễn Hoàng Đại  (Đại học Quốc gia Hà Nội) -

Vừa rồi tôi có đọc một bài báo của bạn đọc trên Sài Gòn Tiếp Thị về nạn đánh đề trên mạng. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện đánh đề của công nhân nơi làng quê tôi, và những hậu quả không mong muốn cho chính họ.

Quê tôi nằm ngay sát cổng khu công nghiệp Bắc Thăng Long, thuộc địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ở đây nạn lô, đề cờ bạc tràn lan, bủa vây đời sống nhiều công nhân đang thuê trọ quanh khu công nghiệp này.

Xã Kim Chung có ba thôn là Bầu, Hậu Dưỡng và thôn Nhuế, thì cả ba thôn đều có rất đông công nhân của các phân xưởng, xí nghiệp trong khu công nghiệp thuê nhà trọ. Hiện tại số lượng công nhân lưu trú tại xã có thể khoảng vài chục ngàn người, trong đó thôn Bầu và Hậu Dưỡng có lượng công nhân thuê trọ đông hơn, vì ngay sát cổng khu công nghiệp.

Công nhân đông đúc, cộng với đặc thù của một làng quê ven đô trên đà đô thị hóa nên phát sinh rất nhiều tệ nạn xã hội, trong đó có nạn lô đề. Có rất nhiều quán nước, cửa hàng tạp hóa ở con đường xuyên tâm của các làng có nhận ghi lô, đề. Chỉ một đoạn đường làng dài chưa tới trăm mét, hay một con ngõ nhỏ dài vài trăm mét cũng có tới cả năm, bảy người bán số lô, đề. Người ta làm việc này gần như là công khai, quán nào cũng có vài ba cuốn sổ ghi chép kết quả xổ số theo trình tự cả tháng, vài tháng, thậm chí cả năm dài để khách nghiên cứu, trước khi quyết định ghi số.

Và tất nhiên là người chơi lô, đề cũng rất đông đúc. Dân địa phương chơi nhiều đã đành, công nhân khu công nghiệp thuê trọ ở đây tham gia trò cờ bạc này cũng không phải là ít. Có những phòng trọ, dãy trọ gần như tất cả công nhân đều đánh lô, đề.

Tôi nghe mẹ tôi kể về nhiều trường hợp công nhân thuê trọ trong làng, cứ đến kỳ lĩnh lương là không còn một đồng nào, vì phải trả nợ lô đề. Có những công nhân làm lương tháng được 5-7 triệu đồng đã “nướng” hết vào lô, đề, tiền ăn uống, tiền thuê trọ không có, phải xin cha mẹ. Khi cha mẹ chịu thua, nhiều công nhân lâm vào cảnh nợ nần, bỏ việc về quê.

Lẽ dĩ nhiên ai làm nấy chịu, tôi không bênh vực cho những công nhân mất việc vì lô, đề, vì đó là chọn lựa của họ. Nhưng tôi rất thắc mắc tại sao chính quyền các địa phương không ra quân truy quét những người ghi bán, cũng như các chủ lô, đề, vì họ bán số đề rất công khai?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối