Vũ Nguyễn (TPHCM) -
Hai thông tư đang có hiệu lực thi hành là thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT hướng dẫn giá tiêu thụ nước sạch và thông tư 16/2014/TT-BCT quy định về thực hiện giá bán điện. Cả hai thông tư này đều có những quy định phương pháp xác định giá đối với trường hợp sinh viên, người lao động thuê nhà trọ hay phòng trọ để ở.
Công nhân ở thuê nhà trọ rất cần được hỗ trợ tiền điện theo quy định hiện hành.
Theo đó, công nhân hoặc sinh viên ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh (chủ nhà trọ) để được tính là một hộ sử dụng điện, nước theo giá sinh hoạt. Cứ bốn người được tính là một hộ sử dụng. Thủ tục cũng đơn giản gồm giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà có xác nhận của địa phương hoặc các tổ chức hành nghề công chứng. Bên phía công ty điện lực yêu cầu thủ tục phải có thêm bản cam kết về việc thanh toán tiền điện của chủ nhà. Nếu theo đúng chỉ dẫn của thông tư nêu trên và người thuê nhà trọ được hỗ trợ để hoàn tất các giấy tờ thủ tục thì mỗi công nhân chỉ chi ra chừng 200.000 đồng mỗi tháng cho tiền điện và nước.
Đây là chính sách hỗ trợ rất đáng hoan nghênh của Nhà nước dành cho sinh viên, người lao động – những người thuê chỗ trọ để học tập và làm việc. Tuy nhiên, khi áp dụng vào đời sống của công nhân thì còn nhiều điều trở ngại khiến việc hiện thực hóa thông tư đó thành khó khăn.
Hầu như không có chủ nhà trọ nào chấp nhận cho công nhân làm việc này. Ví dụ, các chủ nhà trọ không chịu cho công nhân đăng ký tạm trú dài hạn (KT3) vì nhiều lý do hoặc việc thuê nhà thường là thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng. Do vậy, công nhân không thể đăng ký điện, nước sinh hoạt cho ngôi nhà đang thuê như nhà của mình được. Đó là chưa kể đến việc hiện có rất nhiều nhà trọ không có giấy phép kinh doanh nhà trọ. Nhiều người thuê nhà nguyên căn nhưng không sử dụng hết diện tích nên cho thuê lại những phòng còn trống. Vậy nên yếu tố “hợp đồng thuê nhà” tưởng là đơn giản nhưng thực tế rất khó làm. Còn nếu như công nhân đem luật ra mà “nói chuyện” với chủ nhà thì càng mệt hơn vì chỉ trong một cái chớp mắt sẽ bị đuổi khỏi nhà trọ đang ở.
Đa số công nhân nghĩ rằng, việc đi thuê chỗ ở, dù ở đâu cũng bị tính giá sử dụng điện nước cao hoặc rất cao, trong khi phòng trọ hiện nay rất khó tìm nên “an phận” mà sống cho lành. Dù rằng tốn thêm một số tiền không nhỏ về điện, nước nhưng đành chấp nhận hơn là cứ phải loay hoay tìm nơi ở mới. Với họ, duy trì việc làm sao cho ổn định mới là ưu tiên nhất.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người lao động thì chính quyền địa phương cũng cần có sự giám sát chặt chẽ những hộ kinh doanh nhà trọ. Hộ kinh doanh nhà trọ nào bị phát hiện bán điện, nước cho người thuê nhà với giá “cắt cổ” cần được xử lý thật nghiêm khắc.