THÁI HÀ -
Kinh tế toàn cầu suy thoái và khủng hoảng giá dầu khiến số người gia nhập lực lượng thất nghiệp ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á. Tờ Financial Times cho biết ở năm nền kinh tế lớn nhất trong vùng này, một nửa số ứng viên xin việc thấy khó khăn khi tìm một công việc mới.
Viễn cảnh không tươi đẹp
Nhiều người từ phương Tây đã tham gia một ngày hội việc làm ở Trung Quốc khi họ biết tiếng Trung. Ảnh: New York Times
Viễn cảnh bi quan nhất được ghi nhận tại Malaysia, nơi 2/3 công nhân nhận xét rằng thị trường việc làm đang rất khắc nghiệt. Cảm giác thiếu an toàn đó càng âm ỉ bởi những vụ cắt giảm lao động gần đây của Petronas (1.000 người), CIMB Group (4.000 người) và trước đó là Malaysia Airlines (6.000 người) sau thảm họa xảy đến với hai chiếc máy bay của hãng này. Tuy nhiên, Malaysia lại đang thiếu nhân lực giỏi trong các ngành như IT hay dịch vụ tài chính. Sau một thập kỷ miệt mài xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng con người để vận hành trong hệ thống kinh tế tri thức mới này đang là thách thức của họ.
Singapore là nền kinh tế quyền lực nhất trong khu vực song trong một cuộc khảo sát của Công ty Budget REACH, nhiều người Singapore có phần lo ngại cho công việc của họ giữa thời buổi kinh tế tăng trưởng khá chậm hiện tại. Nguồn cầu về nhân lực có kỹ năng số, kinh nghiệm địa phương tốt và tiếng Anh tốt vẫn cao, các công ty Singapore vẫn mở rộng cửa với người nước ngoài nhưng họ đang có nguy cơ mất cả tài năng trong nước lẫn nước ngoài vì chính sách lương bổng chặt chẽ của họ. Nhân công ở Singapore đang bị hấp dẫn bởi chính sách lương bổng ở các nước đang phát triển khác.
Nói về tăng trưởng thì Myanmar dẫn đầu khu vực, nhưng ngay cả với những cam kết của chính phủ và sự mở cửa thị trường chứng khoán gần đây, đường tới thịnh vượng của Myanmar vẫn còn rất dài. Ở thủ đô Naypyitaw, cơ hội cho công nhân có kỹ năng còn nhiều, nhưng những người nhập cư vào thành phố từ nông thôn đang tuyệt vọng. Là một trong những nước có GDP trên đầu người vẫn còn thấp nhất Đông Nam Á, Myanmar chưa phải là đối thủ để thu hút tài năng nước ngoài đến làm việc.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức vận hành từ đầu năm 2016 cho phép lao động tự do trong các nước ASEAN cũng là điều khiến người lao động bản địa cảm thấy bất an. Hiệp định TPP với bốn nước ASEAN là thành viên (và thêm bốn nước nữa đang xin gia nhập) có hiệu lực trong những năm tới cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường việc làm ở Đông Nam Á.
Làn sóng từ phía Bắc xuống
Người lao động kỹ năng khá ở Đông Nam Á sẽ còn bị ảnh hưởng bởi một làn sóng những người phương Tây đang làm việc tại Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và các nước Đông Bắc Á tới. Những người phương Tây này cách đây 5-10 năm còn dễ kiếm việc tại Hồng Kông hay Thâm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc) thì nay cảm thấy khó sống ở đó. Và họ sẽ hướng tới khu vực dễ kiếm việc hơn là Đông Nam Á.
Julia Przetakiewicz, người gốc Ba Lan, quốc tịch Canada là thí dụ. Cô có bản hồ sơ đáng thèm muốn: tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh, hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc, đã sống ở năm nước và biết nói bốn thứ tiếng. Nhưng không may là tiếng Quảng Đông (Trung Quốc) của cô không tốt, và đó là lý cô không kiếm được việc mới tại Hồng Kông. “Năm 2009, khi tôi đến Hồng Kông, mọi thứ rất dễ dàng. Nhưng bây giờ, môi trường tuyển dụng thay đổi nhiều, trở nên ít hoan nghênh những người phương Tây hơn”, cô nói.
Những thay đổi đến từ giá cả sinh hoạt, một lượng rất đông những người bản địa đi du học hoặc đi làm ở nước ngoài trở về có kiến thức tốt và sẵn sàng làm dài hạn cho công ty. Họ không sẵn sàng trả thêm các khoản phụ phí như tiền học cho con cái, xe cộ đi lại, người phiên dịch cho người nước ngoài nữa.
Vai trò của châu Á trong kinh tế toàn cầu đã khác, họ đang chuyển từ gia công chế tạo sang hàng hóa tiêu dùng cao cấp như xe hơi, thiết bị công nghiệp. Sự chuyển đổi này đòi hỏi nhân công bản địa cao để kết nối với khách hàng, nhà cung cấp, đối tác địa phương. Các công ty toàn cầu có xu hướng chia các cấp quản lý nhỏ xuống và dành những công việc đó cho người bản địa.
Theo công ty môi giới việc làm Hudson, số công việc mà các công ty ở Hồng Kông thuê Hudson tìm đòi hỏi phải biết tiếng Quảng Đông hay tiếng Quan Thoại lên đến trên 80%. Tại Trung Quốc đại lục, công ty môi giới việc làm Hays cho biết, trong 12 tháng qua, số nhân viên nước ngoài chỉ chiếm 5% tổng số lao động được các công ty tuyển dụng. “Nếu bạn không nói được tiếng Trung Quốc mà muốn kiếm việc ở đây thì khá là khó khăn”, George Xu, điều hành trang eChinacities.com cung cấp thông tin việc làm và mách mẹo sống cho người nước ngoài ở Trung Quốc nhận xét. Hiện trên trang này chứa dữ liệu hồ sơ tìm việc của hơn 50.000 người nước ngoài ở Trung Quốc.