(SGTTO) - Nhóm nhân viên “zombie” dù ít nỗ lực nhưng chịu không nghỉ việc chiếm 29% nguồn nhân lực, tăng so với con số 27% năm ngoái.
Đó là thông tin tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2019 do Anphabe tổ chức ở TP HCM ngày 27/3.
Khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" dựa trên ý kiến của 674 doanh nghiệp thuộc 24 ngành với sự tham gia của 75.481 người đi làm có kinh nghiệm. Khảo sát này do Anphabe tiến hành, có sự hợp tác của Unilever Việt Nam với vai trò đối tác tri thức và Intage với vai trò đối tác nghiên cứu thị trường.
Khảo sát cho biết việc thất thoát nhân tài của các công ty Việt Nam diễn ra không chỉ ở trong giai đoạn nhân tài gia nhập công ty mà cả giai đoạn trước khi họ vào làm.
Thất thoát trong giai đoạn đầu làm việc tại công ty
Khảo sát chỉ ra rằng 17% nhân viên khi làm việc tại công ty không nỗ lực và họ sẽ nghỉ việc. Trong khi đó, 5% nhân viên dù nỗ lực nhưng vẫn ra đi vì nhiều lý do; đây là thất thoát đáng tiếc cho doanh nghiệp.
Một nhóm khác mà người ta gọi là zombie công sở nhằm nói tới những người ít nỗ lực đóng góp cho công việc nhưng không nghỉ việc. Nhóm này chiếm 29% nhân sự trong công ty, tạo nhiều thách thức về hiệu suất và văn hóa cho các doanh nghiệp.
Không phải chỉ khi nhân viên đi làm rồi nghỉ việc mới là “mất mát” của một doanh nghiệp mà ngay cả ở giai đoạn thu hút nhân tài, các doanh nghiệp đã thực sự chịu thất thoát nguồn lực này.
Đầu tiên, đó là thất thoát nhận biết. Loại thất thoát này chiếm trung bình 34% nhân sự ngành, bao gồm 24% người không biết hoặc chưa từng nghe về công ty và 10% biết nhưng không thích công ty dù bất kỳ giá nào. Như vậy còn 66% nhân sự ngành có nhận biết. Trong đó, 53% ứng viên không quan tâm làm việc tại công ty trong tương lai. Đây gọi là thất thoát quan tâm.
13% nhân sự còn lại (66% - 53%), chỉ có 7% là sẵn sàng nộp đơn ứng viên, còn lại 6% quan tâm mà không nộp đơn. Đây là thất thoát ứng tuyển.
Trong con số 7% sẵn sàng nộp đơn, có 5% ứng tuyển nghiêm túc, 2% nộp đơn nhưng không coi công ty là nơi làm việc lý tưởng. Đây là thất thoát khát khao.
Và nếu tất cả các công ty mà nhân tài khát khao cùng gửi lời làm việc, cơ hội để công ty lọt vào danh sách “ưu tiên bình chọn” chỉ còn 1% mà thôi.
Như vậy, theo báo cáo này, một công ty trung bình có thể mất tới 99% nhân tài mục tiêu trước khi nhân tài làm việc tại doanh nghiệp.
Để hạn chế mất nhân tài
Khảo sát này chỉ ra rằng các phần thưởng ngoại hiện, bao gồm lương thưởng, chức vụ, văn phòng đẹp, danh tiếng công ty… có tác động đến nỗ lực của nhân viên nhưng chỉ ở mức giới hạn, cụ thể là 41%. Phần thưởng tự thân (những nỗ lực đến từ bản thân) là nhân tố chiếm tới 59%.
Như vậy, một trong những yếu tố hết sức quan trọng đó là cần nâng động lực tự thân của nhân viên. Một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao động lực nhân viên đó là sức khỏe của nhân sự. Khi họ có sức khỏe cả về tinh thần và thể chất thì sẽ sẵn sàng đóng góp vào công việc nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhân sự có khả năng tự chủ trong giải quyết vấn đề sẽ làm việc tốt hơn. Năng lực của cá nhân, khả năng kết nối và ý nghĩa của công việc chính là những yếu tố chính tạo ra động lực cho những nhân viên khi đi làm.
Đỗ Lan