Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Cửa đã mở nhưng vẫn khó đón khách

MINH DUY -

Nhu cầu du lịch của khách từ Tây Âu đến Việt Nam hiện thay đổi nhiều so với trước. Điều này được một số thành viên thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam mới đây nêu ra khi đánh giá về nhu cầu và cách tiếp cận thị trường này.

Nhận diện xu hướng mới của du khách

Tây Âu là thị trường được nhiều công ty du lịch trong nước nhắm đến bởi đây là khu vực có nhiều người hay đi du lịch, đi dài ngày và chi tiêu mạnh. Hiện việc thu hút du khách từ thị trường này trở thành đề tài nóng khi Chính phủ miễn thị thực cho khách du lịch từ năm nước gồm Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Du khách đạp xe đạp ở ngoại thành TPHCM. Đánh giá của các công ty du lịch cho thấy loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống bản địa rất được du khách Tây Âu ưa chuộng.
Du khách đạp xe đạp ở ngoại thành TPHCM. Đánh giá của các công ty du lịch cho thấy loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống bản địa rất được du khách Tây Âu ưa chuộng.

Theo đại diện một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thị trường này nay đã có những thay đổi lớn và nổi bật trong đó là xu hướng du lịch tự do và thắt chặt chi tiêu. Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết trước đây du khách hay đi theo tour nhưng nay xu hướng khách du lịch tự do đang ngày một tăng, chiếm 60-70% trong tổng lượng khách đến, đặc biệt với những nước được miễn thị thực. Du khách vẫn đi du lịch dài ngày nhưng chi tiêu ít hơn, chọn giá dịch vụ thấp hơn.

Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist có ghi nhận về thị trường Pháp và cũng thấy xu hướng tương tự. Thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhiều khách tự đặt một số dịch vụ như vé máy bay, nhất là vé máy bay của các hãng hàng không giá rẻ và tự đặt khách sạn. Những đại lý du lịch và các hãng lữ hành chuyên nghiệp đứng trước sự cạnh tranh gay gắt bởi du khách ít mua tour trọn gói mà tự sắp xếp cho chuyến đi.

Theo các doanh nghiệp, du khách có sự thay đổi về cách thức tổ chức chuyến đi nhưng sở thích khi đi du lịch và đánh giá về điểm đến Việt Nam hiện chưa thay đổi nhiều và ngành du lịch vẫn có những lợi thế để thu hút khách. Thị hiếu của du khách vẫn là thích khám phá nét đẹp mới, tìm hiểu những nền văn hóa khác, tận hưởng khí hậu ấm áp, cảm nhận cảm giác thanh bình ở đồng quê hay nghỉ tại các bãi biển thiên nhiên. Với du khách Đức thì văn hóa ẩm thực, lễ hội, du lịch cộng đồng ở Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ. Với Pháp thì liên tục trong nhiều năm qua, điểm đến Việt Nam thường lọt vào tốp 10 điểm đến được ưa chuộng trên thế giới và tốp 5 điểm đến ở châu Á trong sự chọn lựa của họ.

Quốc gia Năm 2014 Năm 2013 Năm 2012
Thái Lan 4.045.052 4.074.462 3.930.454
Singapore 1.380.624 1.368.496 1.340.564
Malaysia 1.130.158 1.012.948 974.956
Việt Nam 835.632 749.988 754.682
Campuchia 545.708 515.603 466.813
Lào 181.087 184.267 163.033

Nguồn: Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Chướng ngại vẫn còn

Ông Bình của Hiệp hội Du lịch cho rằng với việc miễn thị thực trong vòng 15 ngày, ngành du lịch cần phải linh hoạt trong việc xây dựng sản phẩm phù hợp. Trước đây, các doanh nghiệp hay đưa ra những tour dựa theo thói quen đi du lịch dài ngày của du khách nhưng nay phải có thêm sản phẩm mới. Trong đó, cần xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng và khám phá ngắn ngày cho những người thuộc năm nước được miễn thị thực đang làm việc, học tập trong khu vực Đông Nam Á. “Ước tính có đến 5-6 triệu người thuộc những nước này đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đông Nam Á. Khi được miễn thị thực, những loại tour ngắn ngày sẽ phù hợp với khách”, ông Bình nói.

Bà Ung Phương Dung, Giám đốc ICS Travel Group, cho rằng loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống và đặc biệt là du lịch bền vững đang là mối quan tâm của nhiều khách Đức. Khai thác sở thích này, công ty đang chuẩn bị làm các tour đưa khách đến dựng lại nhà cho người nghèo ở các tỉnh, đưa khách Đức và Tây Âu đến gần hơn với cuộc sống của người dân địa phương và cùng trải nghiệm những sinh hoạt đời thường của người dân. “Bộ phận sản phẩm của chúng tôi hiện đang lùng sục khắp nơi nhằm tìm ra những điểm du lịch trải nghiệm thú vị để có thể giới thiệu cho khách. Các địa phương nên hỗ trợ chúng tôi trong việc này, giới thiệu những thứ có thể trải nghiệm ở địa phương”, bà nói.

Một sở thích nổi bật của du khách Tây Âu là thường muốn kết hợp một chuyến du lịch đến vùng Đông Nam Á để đi nhiều nước. Chẳng hạn, khách Pháp thường đi Việt Nam cùng với Lào, Campuchia và có nhu cầu quá cảnh Việt Nam để nối chuyến. Sau chương trình tham quan hai hay ba nước này, một số du khách thường chọn các bãi biển ở Việt Nam để nghỉ dưỡng trước khi trở về nước. Khách Đức cũng vậy, hiếm khi đến Đông Nam Á để chỉ đi Việt Nam mà thường kết hợp tour ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Do đó, những tour kết nối điểm đến kiểu này là sản phẩm mà doanh nghiệp nên hoàn thiện để thu hút du khách.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cho rằng vẫn còn nhiều rào cản về quảng bá, hàng không, thị thực để đón khách Tây Âu. Trong đó, về thị thực, tuy Chính phủ đã miễn thị thực cho một số nước ở khu vực này nhưng thời gian quá ít, chỉ 15 ngày thì không đủ cho du khách thực hiện chuyến đi. Thêm vào đó, quy định buộc những người được miễn thị thực đến Việt Nam, rồi sang nước khác phải xin thị thực khi quay lại Việt Nam trong thời gian 30 ngày là rào cản của những người đi tour kết nối các điểm đến trong khu vực.

Về hàng không, số lượng các chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến khu vực này còn ít, khiến việc đi lại chưa thuận tiện. Bà Dung cho biết doanh nghiệp đang khó khăn trong việc chuẩn bị vé máy bay cho du khách Đức. Vietnam Airlines có bốn đường bay thẳng đến châu Âu nhưng hãng vừa thay đổi loại máy bay cho đường bay thẳng đến Frankfurt nên số lượng ghế loại economy, loại phổ biến cho khách du lịch, giảm xuống làm cho số chỗ bán cho các hãng lữ hành cũng giảm.

Thêm vào đó, du khách từ khu vực này thường chuẩn bị cho chuyến đi rất lâu, khoảng sáu tháng thậm chí một năm trước khi khởi hành, nhưng đến nay toàn bộ số chỗ cho năm 2016 chưa được hãng hàng không này xác nhận hoặc mới chỉ xác nhận vài chỗ cho các hãng lữ hành. “Từ tháng 2-2015, chúng tôi được Vietnam Airlines xác nhận một ít chỗ cho năm 2016, đến nay vẫn chưa có thêm. Lữ hành đang gặp khó cho việc bán tour đến Việt Nam vào năm sau”, bà Dung cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối