Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

“Cửa hàng chớp nhoáng” và cơ hội cho nhiều người

THÁI HÀ -

Vài năm trước, tạp chí Marketing Week (Anh) đã từng đưa ra nhận định thông qua những bài viết Các cửa hàng pop-up đã hết thời? như điềm báo về sự nguội dần của công thức bán lẻ. Tuy nhiên, điều đó chưa hoàn toàn đúng khi những thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng vẫn còn cần đến những cửa hàng nhỏ lẽ này và đó vẫn là cơ hội làm việc cho nhiều người.

Mọc lên và biến mất

EpochtimesJane Mosbacher Morris (bên phải), người sáng lập To The Market, tại một khu sản xuất hàng thủ công bán qua mạng do những người nhiễm HIV/AIDS tại New Delhi (Ấn Độ) thực hiện.  Ảnh: Epochtimes

Cách đây chưa lâu, trong những chuyến đi đến các nước bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan, Jane Mosbacher Morris nhận thấy phụ nữ ở đó hiếm được kiểm soát một nguồn tài chính nào đó, người thì bị cấm làm việc, người thậm chí bị cấm đụng đến tiền.

Jane quyết định mở một cửa hàng online với hàng hóa là đồ thủ công mỹ nghệ được làm bởi tay những người phụ nữ sống sót qua chiến tranh, diệt chủng, buôn người và những nỗi bất hạnh khác. Trang bán hàng có tên To The Market nhằm kiếm tiền rất cần thiết trao vào tay họ. Mỗi món hàng có một câu chuyện mang nhiều cảm xúc phía sau nó, như chiếc vòng cổ deka được làm từ giấy tái chế bởi những người phụ nữ thoát ra khỏi cuộc chiến ở miền Bắc Uganda. “Người ta muốn biết nguồn gốc món hàng ở đâu, nó có thể được làm tại một trại phong hay một trại AIDS”, Jane nói.

Nhưng ở không gian mạng, hàng hóa không sờ được tới. Jane, cố vấn chống khủng bố trong Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyển sang bán các món hàng đó theo kiểu “cửa hàng chớp nhoáng (pop-up store), nghĩa là cửa hàng có thể “mọc lên” tại một địa điểm không ai nghĩ tới rồi lại bất ngờ biến mất vài ngày sau đó. Jane lập cửa hàng tại những cuộc hội thảo, ở lớp học yoga, ở nhà những người bạn, những nơi đó không lấy phí, và Jane có thể thu được hàng chục ngàn đô la Mỹ để trao vào tay những người nghèo.

Những doanh nghiệp kiểu như của Jane giúp làm thể loại cửa hàng “pop-up store” hồi sinh, đó là một khái niệm bán lẻ đã tồn tại vài thập kỷ. Những buổi bán hàng pop-up thời mới như vậy đem lại niềm vui và trải nghiệm bất ngờ cho người mua. Với người bán, đây là mô hình cơ động, họ không cần ký hợp đồng thuê chỗ dài hạn, chẳng cần nguồn tài chính lớn. Khách hàng có thể gặp người thiết kế, cảm nhận được công việc của họ, điều bất khả khi bán online. Trong quá trình đó, thương hiệu có thể được xây dựng nhanh chóng, doanh số có thể tăng và các sản phẩm mới có thể đưa vào sản xuất hàng loạt.

Vài năm trước, tạp chí Marketing Week, Anh, từng đăng bài viết với tựa đề: Các cửa hàng pop-up đã hết thời? như điềm báo về sự nguội dần của công thức bán lẻ nhưng không phải, các thương hiệu lớn như Dior, Louis Vuitton, Tommy Hilfiger, Prada, Hermès, Chanel vẫn tổ chức bán hàng như vậy tại các khu nghỉ mát thượng lưu như St. Tropez, Cannes ở Pháp mỗi khi hè về. Còn những thương hiệu nhỏ, pop-up store là những cơ hội giới thiệu họ với khách hàng.

“Pop-up store là một cách ngoại hạng để xây dựng một thương hiệu”, Burt Flickinger III, Giám đốc điều hành ở Công ty Tư vấn Strategic Resource Group nhận xét, “Các khách hàng luôn tìm kiếm cách shopping mới và những nhãn hàng mới, họ muốn chất lượng tốt hơn với giá rẻ hơn, những cửa hàng truyền thống xoay trở để thay đổi rất khó”.

Hãng kính mắt Warby Parker gần đây bắt đầu bán hàng theo kiểu chớp nhoáng này. Họ mua một chiếc xe buýt đưa đón học sinh về sửa lại nội thất, lắp đặt ghế da, bàn gỗ rồi thực hiện chuyến đi bán rong xuyên nước Mỹ. “Ai cũng thấy chiếc xe buýt, và nó cho thấy bạn không cần một cửa hàng”, Melissa Gonzalez, tác giả một số cuốn sách về nghệ thuật bán hàng, nhận xét.

Đó là lối sống

Những người bán hàng pop-up store vẫn tiếp tục sáng tạo. Sự kiện được mở ra ở gara xe, bên hồ bơi, nhà kho trống. Một số nhà bán lẻ là làm nữ trang từ máy in 3D tại chỗ. “pop-up store rất chớp nhoáng nên hoạt động trong lĩnh vực này rất cần sáng tạo”, Jeremy Baras nói, ông là Tổng giám đốc Công ty Pop Up Republic chuyên hỗ trợ cách bán hàng kiểu này. Những sự kiện mở ra nên phải làm sao lồng ghép được sản phẩm vào một cách tự nhiên, duyên dáng, đừng để nó bị xao lãng bởi người tham dự, ông Baras nhấn mạnh. Pop Up Republic kết nối những người bán hàng pop-up store với các địa điểm mà họ có thể mở cửa hàng chớp nhoáng, họ xây dựng một hệ sinh thái giúp các pop-up store thành công. Nền công nghiệp bán hàng này đang được định giá 50 tỉ đô la Mỹ.

Catherine Nicole có một cửa hàng nữ trang online nhưng vẫn tổ chức hai buổi pop-up store mỗi tháng, hàng của cô làm từ đá bán quý. Ngày Valentine, cô mở cửa hàng chớp nhoáng trong giờ giảm giá (happy hour) cho đàn ông ở một quán bar, cô chẳng tốn đồng xu nào mà vẫn bán được nhiều hàng. “Tôi không thể cạnh tranh với chuỗi Forerer 21 về giá hay đọ với hàng của David Yurman về độ danh tiếng”, Nicole nói, “Nhưng tôi có thể cho khách hàng mình biết tường tận về hàng hóa mình bán, mua hàng của tôi họ cảm thấy gần gũi thân thiện hơn, họ không muốn bước vào một cửa hàng và được đối xử như bạn-chẳng-là-gì-hết”. Thỉnh thoảng Nicole còn mở hàng bán hoa, sô cô la và như Nicole, các nhà bán hàng pop-up store đang tích cực lập đối tác làm ăn với các nhà làm thực phẩm và các xưởng thủ công.

Tác giả Melissa Gonzalez nói rằng một cửa hàng chớp nhoáng muốn thành công thì phải biết cách kích động tất cả các giác quan của khách hàng, vì họ đang bán lối sống chứ không phải bán sản phẩm. Đây cũng là quan niệm của Paul Trible, đồng sáng lập nhãn thời trang cao cấp cho nam giới Ledbury. Để xây dựng thương hiệu của mình, anh tổ chức các buổi bán hàng kiểu sự kiện tiệc tùng có DJ nổi danh, có thức ăn, có bia địa phương. Một buổi tiệc pop-up tổ chức ở thành phố Atlanta thu hút đám đông hơn 350 người có sự hiện diện của ngôi sao Steven Yeun trong phim truyền hình The Walking Dead. “Chúng tôi đã xây dựng một đội ngũ chuyên để tổ chức các pop-up store rồi”, Trible cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối