Duy An -
Không cần xếp hàng cũng khỏi phải chờ thanh toán, chỉ cần lấy món mình cần và đi. Nghe cứ như đang tả về một vụ trộm đồ trong cửa hàng, nhưng không, đây chính là tương lai của các cửa hàng tiện lợi.
Với sự trợ giúp của thanh toán di động và một loạt công nghệ hiện đại như nhận biết khuôn mặt và giọng nói, các cửa hàng tiện lợi không nhân viên đang trở thành xu hướng mới nhất trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc.
Tận dụng công nghệ
Cửa hàng không nhân viên của BingoBox.
Còn chưa được biết đến nhiều song BingoBox, công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ ở tỉnh Quảng Đông, lại làm nên tên tuổi trong mùa hè này khi khai trương cửa hàng tiện lợi không nhân viên đầu tiên tại Thượng Hải – trung tâm tài chính với 25 triệu cư dân liên tục ra vào các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7.
Cửa hàng này được thiết kế đơn giản như một container rộng 10 m2 chứa đầy hàng hóa do chuỗi siêu thị Pháp Auchan cung cấp. Công ty BingoBox để khách hàng vào mua sắm sau khi quét qua khuôn mặt của họ. Việc sử dụng công nghệ nhận biết khuôn mặt giúp đảm bảo người vào cửa hàng là khách chứ không phải dân trộm cắp.
Các cảm biến và máy ghi hình được lắp đặt khắp cửa hàng nhằm giúp nhận biết các món hàng được bỏ vào xe đẩy và tự động trừ tiền vào ví điện tử WeChat của khách hàng khi họ đi ra cửa. Ví WeChat là ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh do hãng công nghệ Tencent quản lý.
Với hơn 10 cửa hàng thử nghiệm ở Trung Quốc, BingoBox nuôi tham vọng đánh bại những công ty lớn hơn, để trở thành doanh nghiệp đầu tiên thương mại hóa mô hình cửa hàng “lấy hàng và rời đi” (grab-and-go) trên quy mô cả nước.
Ông Chen Zilin, người sáng lập BingoBox, tiết lộ với báo South China Morning Post rằng mục tiêu của công ty là mở 5.000 cửa hàng như vậy ở Trung Quốc vào năm tới thông qua hệ thống nhượng quyền.
“Grab-and-go” thực ra là ý tưởng khởi phát từ tập đoàn thương mại điện tử Mỹ Amazon. Tháng 12-2016, Amazon giới thiệu đây là mô hình bán lẻ tương lai. Tuy nhiên, Amazon chỉ mới triển khai mô hình này tại các trụ sở của họ ở thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ).
Tại Trung Quốc, mô hình cửa hàng không dùng nhân viên có thể sẽ sớm phổ biến tại thị trường này khi ngoài BingoBox còn có hơn 10 công ty khác (từ các chuỗi bán lẻ lớn đến các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ) đều đã nhảy vào thị trường tiềm năng này.
Đại gia vào cuộc
Về mặt lý thuyết, các cửa hàng không nhân viên hoạt động cả ngày đêm này có thể giúp cắt giảm chi phí nhân công, nhờ đó giá bán lẻ tới tay khách hàng cũng giảm theo.
Các máy ghi hình trong cửa hàng thậm chí còn có thể ghi nhận được biểu cảm trên khuôn mặt khách khi họ xem từng mặt hàng, từ đó giúp các công ty biết được mức độ hài lòng dành cho sản phẩm của mình.
Trước đó, vào giữa tháng 7-2017, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc là Alibaba hé lộ ý tưởng cửa hàng không nhân viên mang tên Tao Cafe dù chưa có kế hoạch thương mại hóa mô hình này.
Ông Neil Wang, Giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau của Công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan (Mỹ), nhấn mạnh động lực chính thúc đẩy mô hình bán lẻ mới này là sự hỗ trợ của các hệ thống thanh toán ảo như Alipay (của Alibaba), Wechat Pay (của Tencent)… và sự sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của doanh nghiệp.
“Không như các sáng kiến khác, như mô hình dùng chung xe đạp, cửa hàng không nhân viên được các công ty lớn hỗ trợ ngay từ đầu. Các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Alibaba và JD.com đều đang tìm cách mở rộng kinh doanh vào ngành bán lẻ ngoại tuyến”, ông Wang nói.
Trong tháng 7-2017, Alibaba cũng giới thiệu một mô hình bán lẻ mới với việc ra mắt chuỗi cửa hàng tạp hóa Hema. Đến nay, đã có 13 cửa hàng Hema khắp Trung Quốc. Với mô hình cửa hàng này, khách hàng có thể mua sắm, ăn uống hoặc yêu cầu giao hàng qua điện thoại di động.
“Chúng tôi tin rằng tương lai của ngành bán lẻ mới nằm ở sự tích hợp đồng điệu giữa trực tuyến và ngoại tuyến. Hema là ví dụ điển hình cho quá trình phát triển đang diễn ra nói trên”, ông Daniel Zhang Yong, Giám đốc điều hành của tập đoàn Alibaba, nói.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích và nhà đầu tư đặt ra vấn đề, liệu mô hình cửa hàng không cần nhân viên có tồn tại lâu dài tại Trung Quốc hay chỉ là một mốt nhất thời.
Hiện đã có một số phàn nàn từ phía khách hàng, rằng họ thấy cửa hàng không nhân viên chẳng thông minh hay tiện lợi gì cả vì những sự cố kỹ thuật. Bản thân BingboBox phải ngừng hoạt động các cửa hàng ở Thượng Hải hai lần hồi tháng 6-2017 để sửa chữa.
“Cửa hàng không nhân viên chỉ có thể thành công khi chúng thực sự tiết kiệm thời gian cho khách hàng cũng như chi phí nhân công”, chuyên gia Wang Xiaofeng của công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ Forrester Research cho biết.