Trúc Diễm -
Từ tháng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nhận hồ sơ ứng viên dự tuyển để đào tạo điều dưỡng người Việt làm việc tại Nhật Bản theo chương trình ký kết giữa hai quốc gia. Dù đây là công việc có lương cao, được đào tạo bài bản nhưng chỉ với 240 chỉ tiêu, các ứng viên phải vượt qua rất nhiều thử thách.
Lương cao
Các ứng viên sẽ được đào tạo nhiều khâu trước khi làm việc tại Nhật Bản.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết tại một hội thảo diễn ra mới đây ở Hà Nội, hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (VJEPA) vào cuối năm 2008, trong đó thỏa thuận về đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Từ đầu năm 2012, công tác tuyển sinh và đưa điều dưỡng sang Nhật theo VJEPA được tuân thủ các quy định từ khâu tuyển chọn, đào tạo đến hỗ trợ, quản lý trong thời gian điều dưỡng, hộ lý ở nước ngoài theo quy định mà hai chính phủ đã thống nhất. Tất cả nhằm mục tiêu là các ứng viên sẽ đạt được chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài tại nước này.
Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý niên khóa 2016 với số lượng 240 ứng viên. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), đơn vị duy nhất thực hiện chương trình này cho hay, các ứng viên không quá 35 tuổi, đảm bảo tốt nghiệp các trường chuyên ngành điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa hệ cao đẳng trở lên; đủ điều kiện về sức khỏe; có tối thiểu hai năm kinh nghiệm bao gồm cả chín tháng tập sự; có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng.
Các ứng viên trúng tuyển sẽ được miễn học phí một năm học tiếng Nhật tại Việt Nam; miễn phí tiền ăn một năm; đài thọ thêm sinh hoạt phí hàng tháng; miễn phí học tại Nhật hai tháng; miễn phí visa và vé máy bay; miễn phí ký túc xá một năm. Sau khi học xong và thi đỗ chứng chỉ trình độ tiếng Nhật đạt N3, các ứng viên sẽ được sang Nhật thực tập tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Sau đó, nếu thi đỗ chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật thì các ứng viên sẽ được làm việc lâu dài tại đây.
Lương điều dưỡng tại Nhật Bản khoảng 130.000-140.000 yen/tháng (tương đương 28-30 triệu đồng/tháng), còn đối với hộ lý là 140.000-150.000 yen/tháng (30-33 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, nếu thi đỗ chứng chỉ nghề và được ở lại Nhật Bản làm việc như một nhân viên chính thức thì mức lương có thể lên tới 270.000-300.000 yen/tháng (khoảng 55-60 triệu đồng/tháng).
Nhu cầu nhiều
Nhu cầu điều dưỡng, hộ lý ở Nhật Bản, một trong những nước có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới, ngày càng tăng, đặc biệt với điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam. Song, để bước sang được Nhật Bản làm việc, các ứng viên tối thiểu phải đạt được tối thiểu trình độ tiếng Nhật ở mức N3. Và đây không phải là điều dễ dàng với các ứng viên Việt Nam.
Theo ông Diệp, đến nay, hai nước đã đào tạo được bốn khóa điều dưỡng, hộ lý với tổng số 720 ứng viên. Trong số đó, có 470 ứng viên các khóa 1, 2, 3 đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản. Trong hai đợt thi lấy chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản năm 2015 và 2016, tỷ lệ thi đỗ của ứng viên điều dưỡng Việt Nam đạt trên 40%, cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ đạt của ứng viên Philippines và Indonesia.
Còn theo ông Momoi Ryusuke, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, chất lượng của ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã được phía Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa. Điển hình như khóa bốn có 210 ứng viên đang trong thời gian đào tạo tiếng Nhật một năm tại Việt Nam, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản thông báo cho Việt Nam là 760 người.
[box type="download"] Ứng viên cần tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 04.3936.6633 hoặc 04-3824-9517 (số máy lẻ 612, 613). Hồ sơ chương trình nộp trực tiếp vớiCục Quản lý lao động ngoài nước hoặc qua đường bưu điện theo địa chỉ: số 41B, Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 3-10 đến 23-10-2016.
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo danh sách những người đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu dự tuyển trên trang thông tin điện tử của cục (www.dolab.gov.vn) và gửi danh sách này theo địa chỉ mà người đăng ký cung cấp.[/box]
Lắm thử thách
Được làm việc tại Nhật Bản với điều kiện làm việc tốt và chế độ đãi ngộ đảm bảo là mơ ước của nhiều điều dưỡng, hộ lý Việt Nam nhưng “cánh cửa” này tương đối hẹp với chỉ tiêu hàng năm rất thấp. Dù đã đào tạo 4 khóa với 720 ứng viên nhưng số lượng thực tế được bước chân sang Nhật chỉ là 470 học viên, tương ứng với 65% thí sinh được đào tạo.
Theo đại diện một trường cao đẳng y tế tại Hà Nội, số lượng tuyển sinh hàng năm quá thấp trong khi hàng năm có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp và mong muốn được làm việc ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường cũng đã đào tạo rất bài bản cả tiếng Nhật cho các sinh viên nhưng do Bộ LĐTB&XH không sàng lọc trước nên tỷ lệ đào tạo so với tỷ lệ được sang Nhật Bản làm việc không cao.
Ngoài ra, theo đại diện trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, yêu cầu hai năm kinh nghiệm đối với các ứng viên là quá dài vì 60% thời gian học của các sinh viên tại trường là thực tập tại các cơ sở y tế trong nước. Hơn nữa, các sinh viên theo nghề điều dưỡng, hộ lý đều là nữ giới nên nếu yêu cầu hai năm kinh nghiệm, rồi học thêm một năm tại Việt Nam, sang Nhật lại học tiếp thì sẽ có nhiều thí sinh xuất sắc đi lấy chồng mà không chọn con đường sang Nhật. Tại hội nghị nói trên, nhiều chuyên gia đề nghị nên giảm thời gian kinh nghiệm xuống một năm.
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, phía Việt Nam mong muốn tăng chỉ tiêu nhưng việc đào tạo ứng viên hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt nam. Chương trình này sẽ được thực hiện năm năm, sau đó, phía Việt Nam sẽ đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển dụng được ngân sách hai nước tài trợ hàng năm. Đồng thời, cục cũng kiến nghị cho các ứng viên đủ điều kiện chuyên môn và trình độ tiếng Nhật được sang Nhật làm việc mà không cần phải qua chương trình này.