Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Cung không đủ cầu, cạnh tranh trên thị trường lao động CNTT vẫn gay gắt

(SGTT) – Nền tảng tuyển dụng IT TopDev vừa đưa ra báo cáo về thị trường công nghệ thông tin (CNTT) quí 2 năm 2021, đánh giá toàn bộ thị trường công nghệ thông tin Việt Nam cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Dù chịu ảnh hưởng của các làn sóng dịch Covid-19 liên tiếp, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công nghệ thông tin nói riêng vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Tổng doanh thu ngành ICT (công nghệ thông tin và viễn thông) trong năm 2020 là 120 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,1% so với năm 2019; xuất khẩu ICT đạt 84,45 tỉ đô la Mỹ; tỷ lệ tăng trưởng kinh tế internet là 17%, cao nhất Đông Nam Á năm 2020.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất quí 1 năm 2021 cho thấy 29,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quí 1 năm nay tốt hơn quý IV năm 2020; 31,4% số doanh nghiệp gặp khó khăn và 39% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Trong công bố của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, đứng thứ 10 thế giới về sản xuất linh kiện điện tử. Đây cũng là hai yếu tố chính giúp lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam trở thành ngành xuất siêu lớn nhất trong sự tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Ngoài ra, trong Dự thảo Chiến lược quốc gia về vấn đề công ty công nghệ số, Việt Nam đã nêu rõ mục tiêu cho đến năm 2030 Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển các công ty với 4 loại hình công nghệ số như các công ty phát triển công nghệ cốt lõi; các công ty phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kỹ thuật số; các công ty phát triển các giải pháp công nghệ kỹ thuật số; khởi nghiệp công nghệ số.

Nhân lực IT: cung vẫn chưa thể đáp ứng cầu

Theo báo cáo về thị trường IT (công nghệ thông tin) Việt Nam 2021 của TopDev, năm 2021 Việt Nam sẽ còn cần đến 450.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.

Nhu cầu nhân lực của thị trường IT Việt Nam 2021. Ảnh: TopDev

Trên thực tế số lượng ngành học về công nghệ thông tin ở các trường đại học đang mở rộng ngày càng nhiều và số lượng cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này vẫn tăng cao qua mỗi năm.

Tuy nhiên, do trình độ của lập trình viên và yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra vẫn chưa thực sự cân bằng với nhau, trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.

Yêu cầu nhân lực IT ngày càng cao

Nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực IT vẫn luôn trên đà tăng trưởng nhanh và mạnh. Do sự thay đổi và ảnh hưởng của tình hình kinh tế - xã hội chung cũng như dựa trên các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm mà lập trình viên sở hữu, mức lương cũng như trình độ sẽ được phân loại một cách rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn vững vàng, những kỹ năng mềm như khả năng tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian, trình độ ngoại ngữ... cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển chọn và đánh giá ứng viên của nhà tuyển dụng.

Cuộc cạnh tranh khó khăn hơn với nhiều yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng. Ảnh: TopDev

Chính sự biến động của tình hình chung do dịch bệnh gây ra cũng như sự đổi mới liên tục của công nghệ đòi hỏi ở các lập trình viên khả năng thích ứng nhanh và nhạy bén với mọi sự biến đổi. Các lập trình viên cần nâng cao kỹ năng công nghệ của bản thân với sự hiểu biết về các công nghệ mới và đột phá như Cybersecurity, DevOps, AI và Machine Learning, Cloud Computing...

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối