(SGTT) - Biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao đã trở thành biến thể virus “thống trị” trên toàn cầu. Mới đây, trước khi khép lại năm 2021, biến thể mới Omicron đã xuất hiện, tiếp tục làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dù trải qua những tháng đầy biến động do Covid-19, một số giải chạy, các hoạt động thể thao dưới nước vẫn tổ chức và thu hút đông đảo người tham gia trải nghiệm. Dưới đây là những hoạt động, sự kiện nổi bật trong mảng Sống khỏe năm 2021 do Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn.
- Sài Gòn Tiếp Thị phát động chương trình “Chèo SUP sau giãn cách”
- Giảm bệnh nhân Covid-19, TPHCM không còn thiếu hụt oxy y tế
- Cẩn trọng trước thông tin thuốc Arbidol có tác dụng phòng và điều trị Covid-19
Nhằm lan tỏa tinh thần rèn luyện sức khỏe sau những ngày giãn cách, từ tháng 10 đến tháng 12-2021, Sài Gòn Tiếp Thị kết hợp cùng nhóm Sài Gòn Fit và Sáng kiến Điểm điểm đến an toàn phát động chương trình “Chèo SUP sau giãn cách”.
Sau gần ba tháng phát động, “Chèo SUP sau giãn cách” đã nhận được rất nhiều bài viết, video chia sẻ có nội dung ấn tượng với nhiều góc nhìn và cách thể hiện đa dạng của các vận động viên, cá nhân yêu thích và tập luyện chèo SUP ở trong và ngoài nước. Đó là các câu chuyện, trải nghiệm của bản thân, người thân hoặc bạn bè về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm quen, tham gia môn chèo SUP, giới thiệu các cung chèo SUP ở TPHCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Năm 2021 là năm đầu tiên sự kiện chạy bộ gây quỹ từ thiện BritCham Vietnam Charity Fun Run diễn ra theo hình thức trực tuyến, được theo dõi qua ứng dụng Strava. Năm nay, sự kiện thu hút hơn 3.000 tham dự.
Sự kiện chạy bộ gây quỹ từ thiện BritCham Vietnam Charity Fun Run là sự kiện thường niên của Hiệp Hội các Doanh Nghiệp Anh quốc tại Việt Nam. Sự kiện nhằm khuyến khích tinh thần thể dục thể thao, nâng cao tính cộng đồng.
Ngày 27-4, sau nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, Yên Bái bất ngờ ghi nhận một người là lễ tân khách sạn lây nhiễm Covid-19 từ đoàn khách Ấn Độ cách ly tập trung tại đó. Biến thể Delta xuất hiện làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, bùng phát với tốc độ lây lan nhanh đã gây hậu quả nặng nề, cả về tính mạng của người dân và kinh tế xã hội cho các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Đây cũng là đợt dịch khốc liệt nhất. Nếu ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca, 35 trường hợp tử vong, trong đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca nhiễm, 30.000 người tử vong (tính đến ngày 23-12).
Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước. Cả nước đã phải điều động 300.000 lượt y bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an... vào Nam hỗ trợ chống dịch.
Mới đây nhất, ngày 26-11, WHO đưa biến thể mới Omicron vào danh sách biến thể đáng lo ngại. Biến thể Omicron được xác định vào ngày 25-11 ở Nam Phi. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải xem như biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam để có phương án ứng phó phù hợp.
Ngày 8-3, sau hơn một năm dịch bệnh xâm nhập, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19, với mục tiêu phủ hai mũi vắc-xin cho 70% người dân trên 18 tuổi trong năm 2021, tương đương khoảng 50 triệu người.
Việt Nam từng thành công với chiến dịch tiêm 23 triệu liều vắc-xin sởi - rubella cho trẻ em. Song, lần này quy mô và tốc độ rất khác biệt.
Mạng lưới tiêm chủng được hình thành với 15.000 điểm tiêm; hàng triệu nhân viên y tế ở các khu vực công, tư, sinh viên ngành y... được huấn luyện để tiêm chủng. Ngày cao điểm cả nước tiêm được 2 triệu liều.
Từ nước tiếp cận vắc-xin Covid-19 chậm, Việt Nam trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu và sản xuất vắc-xin của riêng mình.
Việt Nam cũng triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Quá trình triển khai tiêm chủng xảy ra một số vụ tai biến sau tiêm. Tuy nhiên, theo các cơ quan y tế, nguyên nhân dẫn đến những diễn biến nặng của các bệnh nhân là phản vệ do phản ứng quá mẫn của cơ thể với vắc-xin Covid-19, không do chất lượng vắc-xin hay thực hành tiêm chủng.
Ngày 28-7, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng phiên bản đầu tiên và ban hành hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại nhà. Điều này đánh dấu thời điểm triển khai "mũi giáp công thứ hai" trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố.
Ngày 9-8, Sở Y tế TPHCM ban hành hướng dẫn quy trình theo dõi chăm sóc F0 tại nhà, bắt đầu cung cấp túi thuốc A-B cho các trung tâm y tế để phát tận tay cho người dân.
Đến ngày 25-8, Sở Y tế TPHCM nhận được các túi thuốc C từ chương trình sử dụng thuốc molnupiravir, một loại thuốc kháng virus mới được Bộ Y tế đưa vào sử dụng có kiểm soát tại cộng đồng cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ.
Từ đó đến nay, các gói thuốc A, B và C đã và đang phát huy hiệu quả rất lớn, làm giảm chuyển nặng đối với F0 cách ly tại nhà, góp phần không nhỏ vào sự hồi phục của người bệnh.
Nhiều lãnh đạo ngành y bị khởi tố
Năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ lãnh đạo ngành y như ông Trương Quốc Cường, cựu thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM… Trong đó, ông Trương Quốc Cường bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quy trình xét duyệt hồ sơ, cấp số đăng ký cho hai loại thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada, gây thiệt hại 50,6 tỉ đồng.
Bệnh nhân mở phòng “bay lắc”, bán ma túy trong bệnh viện tâm thần
Ngày 31-3, vụ việc biến phòng bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 thành nơi bay lắc để phục vụ sử dụng trái phép chất ma túy và nơi giao dịch mua bán chất ma túy là việc thật bất ngờ và chưa từng có tiền lệ.
Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Xuân Quý. Đây là đối tượng sử dụng ma túy, có 4 tiền án tiền sự, vào điều trị tại bệnh viện tâm thần Trung ương 1 từ tháng 11-2018. Được sự giúp sức của cán bộ bệnh viện, Quý cải tạo phòng bệnh thành nơi "bay lắc", sử dụng chất cấm.
Công an Hà Nội đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 3 nhân viên thuộc bệnh viện. Ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, bị cách chức và kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Tuấn Đại, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Nâng khống giá bán kit xét nghiệm Covid-19
Cuối năm của năm 2021, người dân cả nước bàng hoàng trước thông tin Tổng giám đốc Công ty Việt Á, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương bị bắt vì "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, nhận gần 30 tỉ đồng lót tay từ ông Phan Quốc Việt. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án liên quan đến việc “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Việt Á.
Minh Thảo