Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

“Cuộc chiến” chăm con

Vợ chồng đôi khi lục đục với nhau chỉ vì mâu thuẫn trong quan điểm chăm con. “Cuộc chiến” đó thậm chí được châm ngòi từ “nhiều bên liên quan” như ông bà nội ngoại...

 “Phe dân gian” và ”phe hiện đại”

Vợ chồng anh Bảo sinh con trai đầu lòng. Họ đón bà ngoại cháu đến ở chung để lo cho cháu trong ba tháng đầu. “Đây là khoảng thời gian căng thẳng đối với mình. Thằng nhỏ chớm bệnh là bà ngoại sai đi kiếm đủ thứ lá cây về để bả làm thuốc cho nó. Ở thành phố kiếm mấy thứ đó đâu có dễ nhưng chiều bà, vẫn đi lùng sục khắp nơi. Nhớ hồi còn trong tháng, bà xã suốt ngày bị bắt xông phây, không được bước nửa bước ra khỏi phòng. Mỗi lần “phản biện” thì bà già lại nói, tao không chỉ đẻ mỗi con vợ mày mà còn đẻ sáu đứa khác, đều nuôi như vậy mà cao lớn khỏe mạnh cả đó thôi” – anh Bảo kể.

Trong khi bà mẹ vợ say sưa “biểu diễn kinh nghiệm cá nhân” thì anh chàng rể thường xuyên sống trong tình trạng stress nặng. Lên tiếng hay “công khai chống lại” thì sợ bà dỗi, bỏ về, không có ai phụ chăm con nên cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Nhưng đó không phải là chuyện riêng của gia đình anh Bảo. Cuộc chiến giữa phe truyền thống (đại diện thường là ông bà) và phe hiện đại (đại diện là những phụ huynh trẻ) xảy ra thường xuyên. Đến mức, đã có những đổ vỡ tình cảm khó hàn gắn được.

Tháng thứ ba, chị Phương phải bế con rời nhà chồng, đơn giản chỉ vì suốt ngày bà mẹ chồng bôi hết màu này đến màu kia lên trán, buộc hết dây này đến dây kia lên cổ tay thằng bé, nói là trừ tà ma. Đêm hôm thằng bé quấy khóc, bà nội đi hái cho bằng được roi về đánh vùn vụt dưới giường, bảo làm như vậy thì vong xấu sẽ buông tha cho cháu bà. Trong khi đó, mỗi lần hai vợ chồng chị Phương mở miệng can ngăn hay phản bác là thế nào cũng bị bà dỗi hờn suốt cả tuần, thậm chí bỏ ăn bỏ uống, làm cho không khí trong nhà trở nên nặng nề.

Một số mẹo vặt chăm sóc trẻ nhỏ theo kiểu dân gian thực sự hữu ích, nhưng đa phần đã trở nên lạc hậu hoặc đã được thay thế bằng những biện pháp khoa học hiện đại hơn. Nhưng với tư duy bảo thủ, nhiều ông bà đã châm ngòi cho những cuộc chiến dai dẳng không đáng có trong một gia đình ba thế hệ.

 “Và thằng bé không uống thuốc gì cả!”

Nhưng mọi chuyện sẽ trở nên trầm trọng hơn bội phần khi vợ chồng không gặp gỡ nhau trong quan niệm chăm sóc con. Trước hết là chuyện chăm sóc sức khỏe, chọn cách chữa trị mỗi khi quý tử đổ bệnh.

Anh chồng ngồi chong mắt trước màn hình laptop, chú tâm search (tìm kiếm) từng loại thuốc được bác sĩ kê toa để biết thông tin về tác dụng phụ, chỉ định và chống chỉ định… Trong khi đó, chị vợ lại sốt ruột bảo, đã đi bác sĩ rồi còn không chịu tin bác sĩ, đã vậy thì khỏi cho nó (thằng nhỏ) uống thuốc luôn đi. Vậy là cuộc tranh cãi nảy lửa diễn ra giữa kẻ dễ tin và kẻ giàu hoài nghi. Rốt cuộc, dẫn đến một thực tế rất không mong muốn: thằng bé bỏ thuốc và bệnh tình thêm nặng và cách giải quyết là hôm sau đưa nó… đến bệnh viện nằm.

Những chuyện như thế xảy ra thường xuyên trong các gia đình trẻ. Một trong những nguyên nhân sâu xa đó là những thông tin xấu về dịch vụ y tế đang làm tổn hại ít nhiều đến niềm tin của những bậc phụ huynh vào những bác sĩ khám và chữa trị tại nhà. Việc đưa con đi bác sĩ lấy thuốc nhưng về nhà vẫn ngồi mở Google để nghiên cứu từng loại thuốc không phải là trường hợp cá biệt. Chuyện tranh cãi nảy lửa xoay quanh một hai viên thuốc cho con cũng không lạ lùng gì.

Có lẽ thời nào cũng vậy, đứa trẻ sẽ lớn lên trong sự “giằng co” khó hài hòa giữa những “phe cánh” nhân danh tình yêu thương của người lớn như thế. Hiểu điều đó thì câu chuyện sự khác biệt trong quan niệm sẽ được nhìn nhận một cách ít trầm trọng, vấn đề sẽ không bị phóng đại dẫn đến nguy cơ đổ vỡ tình cảm gia đình. Sự bình tĩnh và biết cách tiết chế, thuyết phục là những khả năng quan trọng, cần thiết đối với “phe văn minh” trong những cuộc xung đột dai dẳng này.

Hoài Uyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối