(SGTT) - Ngày càng có nhiều điểm đến trong khu vực đầu tư cho du lịch thông minh khiến áp lực cạnh tranh điểm đến ngày càng gay gắt, đòi hỏi TPHCM phải quyết liệt hơn nữa thì mới có thể giành vị thế trong “cuộc chiến” mới này.
Cuối tuần rồi, Hagibis – siêu bão lớn nhất trong sáu thập kỷ qua – đã đổ bộ vào Nhật Bản. Gần như ngay lập tức, Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) cung cấp phần mềm hướng dẫn thông tin cho du khách đến nước này sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Phần mềm có thể chạy trên hai hệ điều hành di động iOS và Android, có rất nhiều thông tin hữu ích như những thông tin cảnh báo (nếu có) từ cơ quan chức năng, các khuyến cáo, chỉ thị về lánh nạn; thông tin liên lạc khẩn cấp; thông tin cơ quan y tế; giao thông; cảnh báo khí tượng... Không những thế, phần mền còn có cả tiếng Việt, cho du khách từ Việt Nam, thị trường đang có tốc độ tăng trưởng cao của ngành du lịch xứ sở hoa anh đào sử dụng.
Khi các điểm đến thông minh hơn
Nhật Bản là điểm đến được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá là có năng lực cạnh tranh số một tại khu vực châu Á trong năm 2018. Đây cũng là nơi có nhiều đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực phát triển du lịch thông minh. Trong đó, có những thành phố như Fuokoka không chỉ dùng công nghệ để mang đến cho du khách những trải nghiệm mới như việc khám phá các điểm tham quan, lễ hội bằng công nghệ thực tế ảo mà còn cho du khách có thể “tay không đi du lịch”. Khi đến sân bay, khách sạn, khách du lịch chỉ cần đăng ký dấu vân tay, hộ chiếu và thông tin thẻ tín dụng là sau đó có thể thanh toán tiền mua sắm hay làm thủ tục nhận phòng bằng cách chạm tay vào thiết bị nhận diện vân tay.
Cùng với Nhật Bản, nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng đang tham gia mạnh mẽ vào các chương trình phát triển du lịch thông minh để gia tăng sự trải nghiệm cho du khách, tối ưu hóa hoạt động quảng bá xúc tiến hình ảnh, mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh.
Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, nhiều địa phương đã cùng Tổng cục Du lịch phát động làn sóng du lịch thông minh, thông qua các mạng xã hội. Du khách vào đó không chỉ để tham quan mà chủ yếu là để kết nối với các khu du lịch, phương tiện chuyên chở và hàng loạt dịch vụ cần thiết khác. Có những thành phố như Boryeong đã ứng dụng mã vạch ma trận QR (QR code) để du khách có thể trả tiền dịch vụ, tìm thông tin... tại một số lễ hội. Cơ quan quản lý cũng không còn dùng các hình thức truyền thống để khảo sát, điều tra sở thích, nhu cầu của du khách mà vẫn có kết quả chính xác nhờ những nền tảng kết nối (platform) di động như vậy.
Khi các điểm đến thông minh hơn, làm cho du khách dễ tiếp cận hơn, cung cấp nhiều tiện ích và tương tác với khách hàng nhiều hơn thì sự cạnh tranh giữa các điểm đến cũng trở nên gay gắt hơn. Trong bối cảnh đó, các “tay chơi” không chỉ cần có kỹ năng mà còn phải có những khoản đầu tư lớn cho hạ tầng, công nghệ thì mới có thể bắt kịp cuộc đua.
Đi cùng đô thị thông minh
Gần hai năm nay, ngành du lịch TPHCM cũng đã thảo luận nhiều về kế hoạch phát triển du lịch thông minh, xem đây là yêu cầu phát triển bức thiết cho giai đoạn phát triển mới. Sở Du lịch TPHCM đề ra nhiều hoạt động để cho điểm đến của thành phố được thông minh hơn, trong đó có việc xây dựng cổng thông tin du lịch, tăng cường quảng bá du lịch trực tuyến, đưa ra phần mềm ứng dụng cho khách đi du lịch dễ dàng và an toàn hơn, ứng dụng công nghệ để gia tăng sự trải nghiệm tại các điểm du khách sẽ đến thăm.
Tuy nhiên, có vẻ như những hoạt động này đang tiến triển chậm hơn dự kiến. Trong đó, cổng thông tin du lịch vẫn ở trong giai đoạn đang xây dựng nên chưa thể cung cấp hết những thông tin mà du khách cùng doanh nghiệp cần. Phần mềm ứng dụng về du lịch TPHCM bằng tiếng Anh và tiếng Việt đã có để du khách có thể tải về sử dụng cho chuyến đi nhưng còn thiếu nhiều chức năng hay kế hoạch ứng dụng mã QR để khám phá các điểm tham quan vẫn chưa được thực hiện.
“Điều chúng tôi cần nhất là thông tin. Trong đó, du khách cần thông tin để đi du lịch dễ dàng hơn còn chúng tôi cần thông tin để đánh giá, tìm hiểu về nguồn khách,” ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, nói.
Doanh nhân này cho rằng, nếu thành phố phát triển du lịch thông minh, kết nối được nguồn dữ liệu lớn trên cổng thông tin thì doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển thị trường và kết nối với đối tác. “Chúng tôi rất khó khăn khi tìm các số liệu để nghiên cứu thị trường. Trong khi đó, với các điểm đến khác như Singapore thì chỉ cần vào cổng thông tin du lịch là có hết các số liệu cần thiết và rất nhiều những dịch vụ liên quan khác”, ông Quý Thành nói.
Trong hội thảo quốc tế về du lịch thông minh diễn ra gần đây tại TPHCM, nhiều chuyên gia cũng cho rằng công nghệ đang góp phần thay đổi hành vi của du khách. Ứng dụng du lịch thông minh không chỉ giúp nâng cao sự trải nghiệm, an toàn cho du khách mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ qua việc thu thập thông tin, giúp gia tăng hiệu quả cho các chương trình tiếp thị điểm đến.
Tuy nhiên, cũng tương tự như nhiều điểm đến khác, du lịch không thể đứng một mình trong quá trình trở nên... thông minh hơn. Những điểm đến tham gia sâu vào du lịch thông mình là nơi mà ngành du lịch sẵn sàng có sự thay đổi lớn trong việc số hóa và tự động hóa các dịch vụ của mình nhưng cần có hạ tầng, bao gồm hạ tầng thông tin tốt và sự đầu tư mạnh mẽ từ chính quyền.
Cũng có quan điểm tương tự, tại sự kiện nói trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cho biết TPHCM sẽ phát triển du lịch thông minh trên bệ phóng của nền tảng đô thị thông minh. “Thành phố cần phát triển du lịch thông minh song song với kết nối thông minh. Thêm vào đó, cần huy động các doanh nghiệp cùng tham gia chia sẻ dữ liệu, có phương thức hợp tác công - tư để các doanh nghiệp đóng góp cho du lịch thông minh nhiều hơn”, ông nói.
Minh Duy