Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Cuộc đua gọi taxi trực tuyến

Chí Thịnh -

Các hãng taxi lớn ở TPHCM và Hà Nội đang bước vào cuộc đua đưa ra phần mềm đặt xe trực tuyến. Không chỉ nhằm vào mục tiêu giành lại thị phần từ hai hãng cung cấp phần mềm ứng dụng quốc tế là Uber và Grab, các hãng taxi còn hướng tới việc cung cấp thêm tiện ích cho người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều hãng taxi như Vinasun, Mai Linh, Thành Công Taxi… đã triển khai ứng dụng gọi xe giống như Uber hoặc Grab. Việc ra đời các ứng dụng này giúp người tiêu dùng có thêm hình thức gọi taxi mới, tiện dụng nhờ công nghệ.

Đua mở ứng dụng gọi xe

app

Trước đây chỉ có Vinasun và Mai Linh đeo đuổi dự án phát triển ứng dụng gọi taxi. Vinasun ra mắt ứng dụng Vinasun từ tháng 7-2015, cho phép gọi các loại taxi Vinasun 4-7 chỗ, dòng xe V.car hạng sang. Còn Mai Linh tạm thời vẫn đang hợp tác với đối tác thử nghiệm ứng dụng gọi xe Open 99.

Hiện tại Vinasun đã trang bị hơn 6.000 máy tính bảng cho 6.000 xe và đã có hơn 150.000 lượt khách cài đặt và sử dụng ứng dụng Vinasun. Sau gần hai năm hoạt động, phần mềm này đang được cung cấp tại các tỉnh thành như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng…

Sau Vinasun và Mai Linh gần đây một loạt hãng taxi khác cũng bắt đầu tham gia vào cuộc chạy đua đưa ra ứng dụng gọi taxi. Đó là Thành Công Taxi, Taxi Group, VIC Taxi…

Công ty Thành Công Taxi ở Hà Nội cho biết, hiện tại, hãng chỉ triển khai ứng dụng Taxi 57 tại các khu vực Hà Nội, Huế, Quảng Ninh. Đối với các địa phương khác, công ty sẽ triển khai khi đủ những điều kiện thuận lợi.Ứng dụng Taxi 57 được công ty phát triển hơn một năm và đang tính phí theo mức cước taxi truyền thống.

Trong thời gian tới, các hãng taxi cũng sẽ không phát triển ứng dụng để chỉ gọi taxi (truyền thống), một vài hãng đã toan tính sẽ ra mắt dòng xe riêng (giống Uber và GrabCar) với mức cước khác biệt. Dự kiến, trong năm nay, các dòng xe này sẽ xuất hiện với mức cước dao động trong  8.000-10.000 đồng/km (tại TPHCM), ngang ngửa với mức cước hiện nay của UberX và GrabCar.

Hiện tại dù Vinasun đã ra mắt dòng xe hợp đồng V.car (không gắn biển hiệu taxi) với các loại xe sang trọng như Toyota Fortuner, Camry… nhưng mức cước vẫn bằng hoặc cao hơn giá cước taxi. Gần đây, Vinasun còn ra mắt hai loại xe mới cho thương hiệu V.car là Toyota Land Cruiser và Lexus với mức cước cao gấp đôi so với cước taxi. Các xe hợp đồng kết nối bằng Vinasun app sẽ được dán tem nhãn hiệu V.car, dành cho ô tô dưới 9 chỗ ngồi (theo Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử), trên xe lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, máy tính bảng.

[box] Ba doanh nghiệp được thí điểm

Đề án triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng (Quyết định 24/QĐ-BGTVT) cho phép các doanh nghiệp đăng ý tham gia thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi. Theo Bộ Giao thông Vận tải, đã có ba đơn vị được phép triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi là GrabTaxi (thương hiệu GrabCar); Vinasun Taxi (thương hiệu V.car) và Thành Công Taxi (thương hiệu thanhcong.car). Sắp tới sẽ có thêm một số đơn vị kinh doanh taxi đủ điều kiện tham gia đề án thí điểm.[/box]

Tiện lợi đôi đường

Không chỉ tăng thêm dịch vụ tiện ích cho hành khách, các hãng taxi đầu tư ứng dụng cũng dễ dàng quản lý, điều hành đội xe của mình tốt hơn trước. Việc ứng dụng công nghệ để quản lý taxi giúp các đơn vị này tận dụng nguồn xe một cách hiệu quả, tăng cường thêm xe ở các “điểm nóng” có nhiều yêu cầu gọi xe.

Theo Vinasun, ứng dụng gọi xe cho phép đội ngũ điều hành xem lại lịch sử các chuyến đi, các thông báo kẹt xe, cập nhật hiện trạng xe (có khách, không có khách, tạm nghỉ, mất 3G/GPS…), theo dõi xe liên tục để kịp thời ra quyết định trong công tác điều hành.

Đối với khách hàng gọi taxi bằng điện thoại (không dùng ứng dụng), hệ thống quản lý taxi qua phần mềm sẽ phản hồi cho khách hàng bằng tin nhắn SMS với các thông tin chi tiết về xe sẽ đến đón khách như số xe, điện thoại liên lạc của tài xế, ước lượng thời gian xe đến đón…

Bà Lê Vy, một kiến trúc sư ở TPHCM cho biết việc sử dụng ứng dụng để gọi xe taxi tiện dụng hơn nhiều so với khi dùng điện thoại gọi đến tổng đài. “Tôi có thể biết được chừng nào xe đến, số xe, số điện thoại di động của tài xế”, bà nói. Còn ông Nguyễn Đức, nhà ở huyện Hóc Môn cho rằng khi dùng ứng dụng, lỡ như có để quên hành lý, điện thoại… trên xe cũng có thể tìm lại được do ứng dụng ghi nhận thời gian hành khách lên/xuống xe. Đồng thời, nếu có để quên cũng có thể gọi ngay cho tài xế để họ xác nhận hành khách có để quên hay không và nhận lại hành lý.

Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết việc triển khai ứng dụng giúp công ty tăng cường tính năng giám sát, quản lý chặt chẽ hành trình và giá cước, hỗ trợ tìm kiếm hành lý thất lạc cho khách hàng một cách nhanh chóng. Còn người đại diện Thành Công Taxi thì cho rằng ứng dụng gọi xe Taxi 57 hỗ trợ khách hàng đặt xe, theo dõi lộ trình, dự tính giá cước, góp phần giúp công ty mở rộng thị phần.

Một số hãng taxi cho biết, ứng dụng sẽ giúp tài xế (đang chở khách) dễ dàng chia sẻ/thông báo chính xác vị trí khách vẫy taxi trên đường cho các tài xế khác đến đón khách nhanh nhất (qua hệ thống quản lý). Đồng thời, tài xế taxi sẽ biết chính xác vị trí khách hàng cần đón và có thêm một số thông tin giao thông (hệ thống thông báo điểm kẹt xe, cấm đường…) trong các giờ cao điểm nhằm chủ động tính toán đường đi hợp lý.

Uber và Grab đã dẫn đầu cuộc chơi gọi xe trực tuyến từ hai năm trước; nay các hãng taxi nếu không muốn sụt giảm thị phần cũng phải đầu tư triển khai ứng dụng. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng tương lai, khi người tiêu dùng thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet để mua sắm, mua vé máy bay, đặt vé xem phim, gọi taxi…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối