Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Cuối tuần “du lịch” tại nhà cùng 3 món nước vùng miền nổi tiếng

(SGTT) – Bạn có từng nghĩ, những bữa ăn thú vị của gia đình mình trong hai ngày cuối tuần sẽ là các món ăn vùng miền nổi tiếng tại Việt Nam?

Theo đó, chị Hồng Ánh, thành viên Ăn ngon nấu khéo đã chế biến thành công những món nước nổi tiếng của 3 miền đất nước là bún cá chấm (miền Bắc) - bún bò Huế (miền Trung) - hủ tiếu Nam Vang (miền Nam). Cùng với công thức chi tiết, nguyên liệu dễ tìm mua, mong rằng bạn đọc sẽ cùng người thân có hai ngày nghỉ cuối tuần ấm áp, nhiều niềm vui.

Bún cá chấm

Bún cá chấm từ lâu đã là một món ngon nổi tiếng của Hà Nội. Món ngon đất Hà Thành này rất được lòng thực khách gần xa nhờ miếng cá rán giòn tan hấp dẫn, bát nước dùng thanh mát, đậm đà, chấm cùng nước chấm chua chua ngọt ngọt cực kỳ ngon miệng. Sự kết hợp giữa các nguyên liệu và gia vị quen thuộc lại mang đến một món ăn vô cùng đáng thử. Mời cả nhà vào bếp với mình nha. Cá để làm món này lý tưởng nhất là cá rô phi hoặc cá lóc, cá lăng, cá diêu hồng... cũng được nhé, tùy theo khẩu vị và sở thích.

Nguyên liệu: 2 con cá lóc (lóc riêng phần phi lê), 500g bún nhỏ, rau sống, hành lá, thì là, 1 vắt me, 1 củ tỏi, vài trái ớt. Gia vị gồm nước mắm, đường, giấm, dầu ăn, muối

Cách làm: Cá bóp muối, giấm và rửa thật sạch, phần phi lê cá cắt miếng vừa ăn, phần xương và đầu cá cho vào nồi nấu cùng muối và củ hành đập dập. Cà chua rửa sạch, cắt múi cau, hành lá, thì là bỏ gốc, rửa sạch cắt nhỏ. Rau sống rửa sạch bằng nước muối loãng rồi vớt ra, để ráo nước.

Cách làm (tt): Cá phi lê ướp chút hạt nêm và màu nghệ cho có màu đẹp rồi lắc đều với bột chiên giòn, sau đó cho cá vào chiên ngập dầu cho cá vàng giòn thì gắp ra cho ráo dầu. Phi thơm đầu hành rồi cho cà chua thái múi cau vào xào chín rồi cho vào nồi nước dùng, có thể thêm bạc hà cắt mỏng tùy ý, thêm nước mắm, hạt nêm và me chua vào và đun sôi nồi nước.

Cách làm (tt): Cuối cùng, múc đầu cá ra tô rồi cho thêm hành lá, thì là vào là xong. Khi thưởng thức, dọn bún, rau sống, cá chiên giòn, tô nước dùng có đầu cá kèm chén nước mắm tỏi ớt chua ngọt.

Bún bò huế

Ẩm thực Huế là một nền ẩm thực tinh tế với rất nhiều món ăn phong phú. Bún bò Huế là một món ăn thật đặc biệt trong số đó. Điểm ấn tượng nhất, đặc trưng nhất của món bún này có lẽ từ mùi thơm nồng nàn của mắm ruốc Huế, hòa cùng mùi thơm từ sả, vị cay nồng và màu cam cam sóng sánh từ nồi nước dùng nóng hổi. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là bún bò Huế ngay tại mảnh đất cố đô lại khá khác biệt so với phiên bản mà mình vẫn thường thấy ở Sài Gòn.

Còn nhớ trong chuyến công tác miền Trung lần đầu tiên, đến Đà Nẵng rồi lại vòng ra Huế, tất cả đều háo hức khi sắp được thưởng thức tô bún trứ danh ngay tại nơi đã nuôi dưỡng nên món ngon này; và tất cả đều ồ lên ngạc nhiên khi biết rằng loại bún cho món bún bò Huế ngay tại xứ Huế này đa phần là loại cọng nhỏ, cũng chẳng ai hiểu được vậy là sợi bún to kia xuất xứ từ đâu khi đến Sài Gòn. Nhưng thôi, vẫn là hương vị của món ăn thần thánh này đó thôi, xem như là "Đi một ngày đàng..." nhỉ. Cách nấu món Bún bò Huế của mình.

Nguyên liệu: 300g bắp bò, 500g giò heo chặt khúc, 10 cây chả Huế, 1 khoanh chả cua, 1 cây chả bò, 1kg bún loại dùng cho món bún bò, 2 muỗng canh mắm ruốc Huế, 1 góc trái thơm, 1 bó sả cây, 50g sả băm, 1 củ gừng, 5 củ hành tím, 2 củ hành tây, rau răm, hành lá, chanh, ớt tươi. Gia vị gồm dầu màu điều, đường phèn, bột ngọt, hạt nêm, dầu ăn 3 muỗng canh, muối, tiêu. Rau sống ăn kèm gồm rau muống bào, bắp chuối bào, giá, rau thơm, xà lách.

Cách làm: Bắp bò và giò heo rửa sạch, ngâm nước muối cho hết mùi hôi, đặt nồi lên bếp, cho nước vào trụng cho hết chất bẩn, vớt ra rửa nhiều lần cho thật sạch. Cho nước vào nồi kèm bắp bò, giò heo, góc trái thơm, sả cây đập dập và buộc lại thành bó, gừng, 1 củ hành tây, 3 củ hành tím nướng lên, cạo và bóc phần vỏ cháy, đập dập gừng, chẻ đôi hành tây và hành tím rồi thả vào nồi nước cho nồi nước dùng thật thơm, cho thêm muối, đường phèn. Nước dùng sôi cho vào nồi ủ.

Cách làm (tt): Để tạo màu đẹp cho nồi bún bò thì luôn cần dầu sa tế. Phi thơm dầu ăn với tỏi băm, hành tím băm, sả ớt băm cho đến khi các nguyên liệu trên khô lại và thơm nức, cuối cùng cho dầu màu điều vào tạo màu. Để tạo hương vị đặc trưng của món bún bò Huế thì không thể thiếu mắm ruốc Huế. Mắm ruốc cho vào tô nhỏ, cho thêm nước lọc và khuấy đều rồi để 15 phút cho lắng phần cặn xuống.

Cách làm (tt): Bắp bò và giò heo chín cho vào tô nước đá để giữ màu, lưu ý vớt giò heo ra trước vì bắp bò lâu chín hơn. Đặt lại nồi bún bò lên bếp, lọc phần mắm ruốc Huế qua rây, cho phần dầu sa tế vào nồi, nêm thêm hạt nêm, đường, muối tùy khẩu vị.

Cách làm (tt): Cuối cùng là trụng bún bằng nước sôi rồi cho vào tô, thêm bắp bò cắt lát, giò heo, chả cây, chả bò, chả cua rồi chan nước dùng lên, thêm hành tây cắt lát mỏng, hành lá và rau răm cắt nhỏ lên trên cùng là xong. Dọn kèm cùng các loại rau, chanh, ớt sa tế, ớt tươi cắt lát.

Hủ tiếu nam vang

Xuôi về phương Nam quanh năm nắng ấm, ẩm thực Sài Gòn là sự cộng hưởng và giao thoa ẩm thực từ khắp các vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên, có thể nói, cơm tấm và hủ tiếu Nam Vang là hai món đặc trưng nhất của Sài Gòn. Hôm nay mình làm món Hủ tiếu Nam Vang nha.

Nguyên liệu: 1kg hủ tiếu dai, 1 khúc xương ống, 1 con mực khô, 50g tôm khô, 1 trái tim heo, 1 miếng gan heo, 10 trái trứng cút, 300g thịt xay, 300g tôm lớn, 1 củ cải trắng, 1 củ cà rốt, 3 củ tỏi, hành ngò, rau sống gồm xà lách, cần tây, hẹ, giá, tần ô. Gia vị gồm hắc xì dầu, nước tương, giấm, đường phèn, muối.

Cách làm: Xương ngâm nước muối loãng chừng 30 phút cho sạch, rửa lại rồi trần qua nước nóng, sau đó rửa sạch lại và cho vào nồi hầm cùng mực khô nướng, tôm khô, muối và đường phèn, thêm rễ ngò rửa sạch nếu có, thêm củ cải trắng và cà rốt cắt khúc. Mình thường để nồi ủ từ đêm đến sáng, sáng dậy luộc tim, gan, tôm trong nồi nước dùng, trứng cút luộc chín và bóc vỏ, thịt xay xào với tỏi băm và chút nước mắm, hạt nêm cho thơm.

Cách làm (tt): Rau sống nhặt lại rồi rửa sạch, để ráo. Tỏi băm nhỏ và phi vàng, múc 2/3 tỏi phi và dầu tỏi ra chén, để lại 1/3 làm nước sốt gồm 1 muỗng canh hắc xì dầu (gia vị đặc trưng cho món hủ tiếu), 2 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh giấm, 2 muỗng canh đường, 1 chén nước, tất cả khuấy đều và chờ sôi lại, nêm lại cho vừa vị.

Cách làm (tt): Cuối cùng là trụng hủ tiếu, giá, chan nước tỏi phi cho bóng đẹp, trộn cùng nước sốt hủ tiếu khô rồi cho các loại ăn kèm cắt nhỏ lên. Nếu ăn nước thì chan nước dùng lên.

Chúc cả nhà ngon miệng và vui với hành trình ẩm thực từ Bắc tới Nam cùng mình!

Hồng Ánh (Annie Vo’s Kitchen)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối