CHÁNH TÀI -
Một cuốn tiểu thuyết đầu tay của một nhà văn mắc chứng khó đọc, rời ghế nhà trường lúc 16 tuổi, đã khiến độc giả Pháp say mê và khóc, cười cùng câu chuyện trong đó và trở thành hiện tượng văn học của nước Pháp trong năm 2016.
Ba giải thưởng văn học danh giá
Bìa cuốn tiểu thuyết Đợi chờ Bojangles. Ảnh: Amazon
Cuốn tiểu thuyết mang tên Đợi chờ Bojangles (En attendant Bojangles) của nhà văn Olivier Bourdeaut, 35 tuổi, phát hành vào đầu năm 2016 đã giành ba giải văn học danh giá của nước Pháp, gồm RTL-Lire, France-Culture Télérama và France Télévisions 2016. Sau đó, cuốn sách nhanh chóng có mặt trong danh sách những cuốn sách văn học bán chạy nhất trước sự ngỡ ngàng của tác giả.
Đợi chờ Bojangles khiến giới phê bình văn học và công chúng Pháp hào hứng đón nhận đến mức tờ nhật báo Liberation so sánh nó với tác phẩm gây sốt vào năm 2006 The Elegance of the Hedgehog (Vẻ tao nhã của chú nhím) của nhà văn kiêm giáo sư Muriel Barbery mà đến nay đã được dịch ra 40 thứ tiếng. “Đọc Đợi chờ Bojangles khiến bạn bật khóc và đó là một tác phẩm thú vị”, nhật báo Liberation đánh giá.
Ngay sau khi cuốn sách được phát hành, nhà báo Jerome Garcin, người dẫn chương trình truyền thanh bình luận sách được nhiều người lắng nghe nhất ở nước Pháp, đã viết: “Hãy nhớ kỹ tên của nhà văn chưa ai biết đến này: Olivier Bourdeaut. Ở độ tuổi 35, anh ấy sẽ sớm nổi tiếng và cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh sẽ thành công”.
Ngay từ dòng mở đầu của cuốn tiểu thuyết: “Cha tôi nói với tôi rằng trước khi sinh tôi, ông ấy là tay săn ruồi và ông ấy săn chúng bằng chiếc lao móc...”, tác giả đã khiến độc giả bật cười. Sau đó, tác giả dẫn dắt người đọc vào một hành trình quái dị với một gia đình có lối sống cực kỳ bất thường. Trong một căn hộ bừa bộn, gia đình đó, gồm một cặp vợ chồng và đứa con trai nhỏ tổ chức tiệc tùng liên miên với rượu và sâm banh ngập tràn. Hầu như mỗi ngày, đôi vợ chồng cùng với những người bạn nhảy nhót theo điệu nhạc buồn của bản nhạc Mr Bojangles do ca sĩ Nina Simone trình bày. Đôi vợ chồng yêu nhau say đắm và tận hưởng những cuộc vui chơi tưởng như bất tận và quên hiện thực xung quanh. Tuy nhiên, người vợ có tính khí dở điên dở khùng và trong một lần bốc đồng, cô đã đốt căn hộ. Các bác sĩ chẩn đoán cô mắc chứng rối loại lưỡng cực, tiệm cận với dạng tâm thần phân liệt. Cô bị quản chế tại bệnh viện nhưng người chồng và con trai của cô đã đến giải thoát cô vì họ cảm thấy cuộc sống vô nghĩa nếu không có cô bên cạnh. Cả ba cùng nhau chạy trốn qua Tây Ban Nha...
Giới phê bình văn học Pháp ca ngợi cuốn tiểu thuyết giúp người đọc thoát ra khỏi hiện thực u ám của nền kinh tế suy yếu của nước Pháp. “Tôi thực sự thích nó”, độc giả Delphine de Sousa nói với hãng tin AFP khi đang cầm hai cuốn Đợi chờ Bojangles vừa mới mua ở một hiệu sách ở Paris để tặng cho những người bạn.
Chị kể: “Một bữa nọ, tôi đang đọc cuốn Đợi chờ Bojangles trên tàu điện ngầm và tôi nhận thấy mọi người đang nhìn tôi vì tôi cười và rồi ít phút sau tôi lại khóc. Họ nghĩ tôi bị điên cho đến khi một phụ nữ tiến đến và nói với tôi rằng: Tôi cũng giống chị, tôi thích cuốn sách này”.
Nghỉ học từ năm 16 tuổi
Nhà văn Olivier Bourdeaut. Ảnh: L’Express
Bourdeaut sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp. Cha nhà văn là công chứng viên, còn mẹ ở nhà làm nội trợ và chăm sóc bốn anh chị em của nhà văn. Mặc dù mắc chứng khó đọc, Bourdeaut vẫn rất thích đọc sách và đọc rất nhiều. Trước khi viết Đợi chờ Bojangles, cuộc đời của nhà văn Olivier Bourdeaut, 35 tuổi, là một chuỗi thất bại như lời của ông thừa nhận. Ông nói ông không có bằng cấp hay giấy tờ gì giá trị ngoài... giấy khai sinh.
Bourdeaut có vẻ như là đứa con vô tích sự trong một gia đình đầm ấm và mọi người đều thành đạt. Ông nói: “Tôi thất bại rất nhiều. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự thành công. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất tệ. Tôi bị học lại trong nhiều năm rồi bị đuổi học và không có bất kỳ bằng cấp nào”.
Sau khi rời ghế nhà trường vào năm 16 tuổi, Bourdeaut bươn chải làm việc kiếm sống nhưng cũng không khá hơn. “Tôi giả vờ mình là nhân viên môi giới bất động sản có kinh nghiệm 10 năm làm việc nhưng tôi là kẻ thất bại. Kể từ đó tôi làm đủ thứ nghề để nuôi giấc mộng viết lách”, nhà văn kể lại. Những công việc mà Bourdeaut đã trải qua kể từ năm 2009 bao gồm công nhân xây dựng, nông dân ruộng muối. Ông cho biết công việc cuối cùng của mình trước khi trở thành nhà văn là nhân viên trực tổng đài điện thoại cho một nhà xuất bản giáo dục.
Ông đã cặm cụi trong bốn năm để viết xong một cuốn sách đầu tiên dài 500 trang mang màu sắc bạo lực, tăm tối và yếm thế. Sau đó ông gõ cửa nhiều nhà xuất bản để chào bán cuốn sách nhưng không ai đón nhận. Sau khi cuốn sách này bị chối từ, ông chuyển đến ở với cha mẹ đang dưỡng già ở Tây Ban Nha và bắt tay viết cuốn thứ hai với phong cách khác hẳn. Lần này, sống bên cạnh người thân, ông cảm thấy tinh thần vui vẻ hơn và viết xong cuốn Đợi chờ Bojangles chỉ trong vòng bảy tuần.
Bản thảo cuốn Đợi chờ Bojangles đã được nhà văn gửi đến bốn nhà xuất bản. Finitude, một nhà xuất bản nhỏ ở Bordeaux, liên hệ với Bourdeaut vài ngày sau đó và đồng ý phát hành cuốn sách của ông sau khi biên tập rất ít.
Bà Emmanuelle Boizet, người sáng lập Finitude, nói: “Kể từ khi Finitude được thành lập cách đây 14 năm, chúng tôi chỉ mới phát hành sáu bản thảo gửi qua đường bưu điện (Finitude nhận được khoảng 1.000 bản thảo gửi qua đường bưu điện mỗi năm).
Boizet cho biết cho đến nay, Đợi chờ Bojangles là cuốn sách bán chạy nhất của nhà xuất bản Finitude với khoảng 10.000 bản trong đợt in đầu tiên bán hết veo chỉ trong vòng một tuần. Giờ đây, cuốn Đợi chờ Bojangles đã được dịch sang 13 thứ tiếng. Các nhà xuất bản ở 35 nước, kể cả Mỹ, đang có kế hoạch phát hành cuốn tiểu thuyết này.
(Theo AFP, Wall Street Journal)