(SGTT) – Rèn chân chạy bộ ở tuổi 68, ông Nguyễn Văn Phúc sống tại tỉnh Kon Tum khiến nhiều người nể phục vì tinh thần thép, cán đích hàng loạt giải chạy marathon. Từng là người lính năm xưa, ông Phúc tâm niệm mỗi đường chạy đều là niềm tự hào vì chiến thắng được tuổi tác, giữ vững tinh thần kiên cường của bộ đội cụ Hồ, truyền động lực cho vợ con cùng chạy bộ.
- Nhiều giải chạy bộ chờ đón runner vào tháng 10
- Cô giáo mầm non chạy bộ vì học trò, “bon bon” đường núi bằng dép
- Chạy trăm cây số mỗi tuần, anh nhân viên văn phòng hướng đến chinh phục các giải siêu cự ly
Chứng kiến hành trình “hồi xuân”
Qua hai năm thử sức với chạy bộ, ông Nguyễn Văn Phúc, 70 tuổi, luôn vui vẻ nói đùa mình đang ở giai đoạn lão hóa ngược. Chạy bộ cho ông nhiều lợi ích sức khỏe và tích lũy kinh nghiệm chinh chiến ở các đường chạy lớn. Thực tế, rất ít runner (người chạy bộ) ở tuổi ông hoàn thành được những đường đua này.
Có mặt trên chiến trường xưa hơn 10 năm, ông Nguyễn Văn Phúc từng là bộ đội nhận nhiệm vụ thi công lắp ráp tuyến đường ống dẫn xăng dầu xuyên Trường Sơn. Những năm tiền tuyến khắc nghiệt, liên tục chiến đấu kham khổ trong rừng sâu, khiến ông mắc nhiều bệnh như bệnh gan, dạ dày, đại tràng, thần kinh… khi về già. Tuy vậy, nhờ những ngày mò mẫm chạy và tự học hỏi trên mạng, ông nhận thấy sức khỏe mình dần dần cải thiện và hiểu rõ lợi ích của thể thao trong cuộc sống hằng ngày. Cụ thể, bệnh tim của ông có tiến triển tốt khi nhịp đập trở về ngưỡng lý tưởng từ 40-45 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, ông Phúc cho rằng chạy bộ đã thay đổi hoàn toàn thể lực và tinh thần của mình. Ông thường xuyên nhận được nhiều lời khen từ mọi người như làn da sáng rõ, cơ bắp chắc, bụng thon gọn và trẻ hơn chục tuổi. Thậm chí sau hai năm chạy, ông Phúc không cần dùng đến viên thuốc tây nào.
“Tôi nhớ mình đã có những buổi tập rất nhiêu khê, tuy vậy, nhờ ý chí bền bỉ từng là bộ đội cụ Hồ, tôi đã lấy lại tinh thần và tập luyện nghiêm khắc, có kỷ luật. Nhớ đến những buổi tập dài 42-50km tôi phải dậy từ một giờ sáng, rất nhiều lý do để bỏ cuộc, nhưng muốn thắng trên đường đua thì phải lì thôi”, ông Phúc cười nói.
Theo ông Phúc, trái với suy nghĩ tuổi già xương khớp không hợp để chơi môn vận động mạnh, ông nhận định các bộ phận trên cơ thể vẫn “êm” và hoạt động tốt hơn nếu rèn luyện. Tuy vậy nhiều ngày đầu, vì đặt ra mục tiêu tốc độ, quãng đường chạy kèm theo lịch tập dồn dập cường độ cao, ông hay gặp chấn thương về gân, cơ bắp, nhưng thời gian hồi phục khá nhanh sau đó.
Lập kỷ lục runner cao tuổi nhất
Tính đến nay, ông Phúc đã tham dự trên, dưới 10 giải cự ly full marathon. Ngoài giải chạy đăng ký cự ly 42km đầu tiên năm 69 tuổi diễn ra ở Quy Nhơn tháng 6-2020, các giải còn lại ông đều về đích “vui tươi” với thời gian từ 4 giờ 49 phút đến 5 giờ 20 phút tùy theo sức khỏe và các yếu tố khách quan trên đường chạy.
Muốn thử sức để chiến thắng bản thân và làm gương cho con cháu noi theo, ông Phúc đã lập kỷ lục người chạy marathon lớn tuổi nhất tại giải marathon quốc tế thành phố mới Bình Dương 2022 và tiếp tục chinh chiến nhiều cự ly 42km trong tương lai. Ông hy vọng chấn thương ở chân sớm hồi phục để đạt mục tiêu mỗi tháng chạy một lần full marathon trong vòng 5 giờ đồng hồ.
Trước vạch xuất phát cùng nhiều runner trẻ tuổi khác, ông Phúc quan niệm đây là một niềm tự hào lớn ở tuổi già. Chứng kiến nhiều vận động viên lớn tuổi chạy lướt qua với tốc độ nhanh hơn, ông luôn lấy đó là niềm tin để cải thiện thêm thành tích trong các buổi tập hằng ngày ở nhà.
“Tôi muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm cũng như lan tỏa năng lượng yêu thích vận động đến lớp trẻ, gầy dựng thêm sức mạnh của câu lạc bộ chạy tỉnh nhà. Ngoài ra, còn là nhắn nhủ đến những U70 khác rằng tôi cũng bắt đầu từ con số không và đã đạt được mục tiêu của mình”, ông Phúc tâm sự.
Ông kể, trên đường chạy mình chỉ tập trung vào hơi thở. Runner 70 tuổi tìm cách phân bố thể lực cho các mốc đến hết 42km trong thời gian ban tổ chức quy định, tranh thủ ngắm khung cảnh xung quanh chứ không chạy đua hay ráng sức như các bạn trẻ.
Trong từng cây số đó, ông Phúc luôn nhớ về những ngày được xẻ dọc Trường Sơn cứu nước, lấy thêm tinh thần bền bỉ của người lính cụ Hồ để băng băng về đích. Ông tiết lộ ngoài chạy, ông cũng tham gia những môn vận động mạnh như nhảy dây, nhào lộn, chống đẩy xà đơn…
Thời gian đầu chạy bộ, người thân cũng lo lắng và khuyên ngăn ông Phúc vì sợ bệnh tình về tim, khớp trở nặng. Tuy vậy, ông Phúc cảm thấy ngược lại, đến bây giờ, ông đã thuyết phục được vợ con cùng đồng hành chạy thể dục gần nhà mỗi buổi sáng.
An Phú