Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Cứu sống hồ nước tuổi thơ

(SGTT) - Tỷ lệ thuận với công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa chính là việc những nguồn nước quanh ta chịu sự ô nhiễm nặng nề và trở thành nỗi trăn trở của những con người có ý thức bảo vệ môi trường trong sạch.

Marino Morikawa lấy mẫu nước ô nhiễm ở hồ Titicaca, Peru. Ảnh: Brightside

Sự có mặt của nước trên trái đất này là để nuôi dưỡng con người nhưng đôi khi chúng ta biến những ao hồ, đầm nước và kênh rạch thành bãi rác tự nhiên. Chúng ta thải vào đó tất cả mọi loại rác, chất thải từ nước thải sinh hoạt, bao bì nhựa cho đến các loại hóa chất nguy hiểm, vật sắc nhọn và cả rác thải y tế. Rồi chẳng mấy chốc một dòng suối hay một hồ nước sạch sẽ trở nên vô cùng hiếm thấy, rồi cũng chẳng bao lâu nữa nước sạch sẽ quý hơn cả vàng. Marino Morikawa, một nhà khoa học người Peru gốc Nhật Bản, đã sớm nhận ra điều đó và anh đã phải từ bỏ công việc nghiên cứu ở nước ngoài để trở về quê hương và nỗ lực làm sạch nước trong hồ Cascajo Wetlands (El Cascajo) – hồ nước của tuổi thơ anh.
Cascajo Wetlands (El Cascajo) trước đây là một là ốc đảo yên bình gắn liền với tuổi thơ của Marino và là ngôi nhà của hàng nghìn loài chim di cư. Marino cảm thấy vô cùng mất mát khi phải tận mắt chứng kiến nơi từng là một thắng cảnh tự nhiên bị ô nhiễm trầm trọng một cách nhanh chóng, trở thành một bể chứa chất thải. Không chỉ vậy, cả một vùng đất ngập nước xung quanh hồ cũng ngập tràn rác. Hồ mọc đầy tảo độc, che kín bề mặt. Nước hồ bốc mùi thậm tệ, vùng đầm lầy rộng lớn với 150 hecta trong trí nhớ của anh Marino chỉ còn lại 40 hecta. Sau nhiều tháng ngày suy nghĩ, anh đã biết mình sẽ phải làm gì. Anh Marino đã bỏ nhiều năm học tập và nghiên cứu, cả trong nước lẫn nước ngoài để sở hữu tấm bằng Thạc sĩ ngành khoa học công nghiệp sinh học, chuyên ngành xử lý nước. Với kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu của mình, anh tin mình sẽ có thể vực dậy hồ nước đã “chết” trong mắt những người dân sống quanh đó.

Hệ thống sủi bọt nano và công nghệ lọc nước sinh học

Những bước đi đầu tiên thật không dễ dàng, Marino đã gõ cửa từng nhà ở Peru để gây quỹ cho dự án nhưng may mắn đã không mỉm cười với anh. Không từ bỏ, anh thử vận may của mình ở Nhật Bản, bằng tất cả số tiền tiết kiệm cộng với các khoản vay ngân hàng. Marino đã nghiên cứu thành công và trở về Peru cùng với ý tưởng về hệ thống nano sủi bọt và bộ lọc nước sinh học để cải tạo nguồn nước ô nhiễm. Hệ thống nano này tạo ra những bong bóng có kích cỡ chỉ vài micromet. Những bong bóng này nhỏ hơn hàng nghìn lần so với những bọt nước mà ta thường thấy và chỉ có thể quan sát được trên kính hiển vi. Chính vì kích thước quá nhỏ bé, chúng di chuyển rất chậm và mất từ 5-8 tiếng mới có thể lên đến mặt nước. Trên đường đi, nhờ có hệ thống nano tạo ra từ trường, các bọt nước siêu nhỏ này hoạt động như những nam châm, hút theo những vi rút và vi khuẩn giống như mạng nhện bắt mồi.

Phương pháp đi kèm với hệ thống bong bóng sủi bọt nano này là bộ lọc nước sinh học. Bộ lọc sinh học này thực chất là một tấm màng do nhiều loài vi sinh vật khác nhau bám vào, từ đó tạo thành một lớp sinh vật sống gọi là màng sinh học. Lớp màng này chỉ hút các vi khuẩn và ký sinh trùng có hại, đồng thời giữ lại các loài vi khuẩn có lợi đóng góp cho việc bảo vệ hệ vi thực vật và xử lý ô nhiễm bằng sinh học. Chúng có các lỗ nhỏ để giữ lại các chất ô nhiễm vô cơ như kim loại nặng. Điều đặc biệt ở đây là anh đã sử dụng màng lọc sinh học bằng gốm do chính tay anh làm tại một lớp học làm gốm ở địa phương. Marino thừa nhận rằng phát minh công nghệ lọc nước anh tạo ra khá đắt đỏ, tuy nhiên nó không chỉ mang lại hiệu quả xứng đáng mà còn thân thiện với môi trường, dung dịch tạo bong bóng bơm vào nước 100% là hữu cơ và thậm chí có thể uống được.

Thành công ngoài mong đợi

Marino mất sáu tháng để nghiên cứu phát triển loại công nghệ độc đáo này từ ý tưởng thành sản phẩm. Sau đó, anh chỉ mất có vỏn vẹn bốn tháng để làm sạch toàn bộ vùng hồ và vùng đất ngập nước xung quanh. Cuối cùng thì bao nhiêu nỗ lực, kiên trì của anh đã được đền đáp khi mà vùng ngập nước bị ô nhiễm trầm trọng đã được “hồi sinh”. Theo quan sát của giới chức địa phương, có ít nhất 40 loài chim di cư đã quay trở lại và 10 loài cá cũng tìm đường về lại ngôi nhà cũ của mình.

Đáng mừng hơn hết là câu chuyện thành công của Marino đã truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức cho người dân trong vùng và xã hội Peru nói chung. Với hàng giờ đồng hồ làm việc một mình mỗi ngày, anh đã chứng minh cho mọi người thấy rằng mỗi cá nhân đều có thể làm được rất nhiều việc, bằng nhiều cách để bảo vệ môi trường. Thành công ngoài mong đợi nhưng Marino vẫn rất khiêm tốn khi nói về mình: “Thiên nhiên có thể tự chữa lành. Tất cả những gì tôi làm chỉ là một cú hích để tăng tốc quá trình đó”. Giờ đây anh đã tập hợp được một đội ngũ nhiệt huyết sẵn sàng giúp đỡ anh trong nhiệm vụ làm sạch các hồ nước khác ở địa phương.

Như được tiếp thêm sức mạnh khi tài năng cũng như sự cố gắng của mình đã đem lại thành quả, anh cùng với đội ngũ của mình mạnh dạn đặt mục tiêu làm sạch hồ Titicaca, là hồ lớn nhất Nam Mỹ, bị ô nhiễm bởi rác thải. Ngoài ra, đội của anh còn dự định đồng thời khử ô nhiễm cho con sông Chira ở miền Bắc Peru. Marino Morikawa hy vọng sẽ cứu lấy toàn bộ sông hồ bị ô nhiễm trên thế giới bằng chính phát minh đã được thực tế kiểm nghiệm của mình. Nhìn vào những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà khoa học tài năng và đồng đội của anh, ta thấy việc anh có thể biến mọi kế hoạch đầy đam mê của mình sớm trở thành hiện thực là có cơ sở và hy vọng rằng anh sẽ ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.

Phạm Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối