Thanh Huyền -
Mùa mưa với những trận ngập đôi khi lên đến nửa thân xe luôn là nỗi lo của người đi đường. Những lúc “dính” đường ngập nước, không phải ai cũng có cách để tránh hư xe máy hoặc khắc phục những vấn đề hư hỏng sau khi xe bị ngập. Ông Mã Kim So, một cựu vận động viên đua xe chuyên nghiệp và hiện là chủ một tiệm sửa xe gắn máy tại TPHCM chia sẻ về những kinh nghiệm liên quan.
Xử lý sau khi xe “lâm nạn”
Khi xe máy bị ngập nước như trong hình, người dùng cần biết những nguyên tắc cơ bản để sửa chữa. Ảnh: Thành Hoa
Là một người gắn bó với những chiếc xe gắn máy trong hàng chục năm dưới màu áo các đội đua xe hai bánh chuyên nghiệp và cũng là chủ của tiệm sửa xe, độ xe máy tại quận 5 (TPHCM), ông Mã Kim So cho rằng, người dùng cần phải biết những quy trình cần thiết khi mang chiếc xe máy bị ngập nước đi sửa. Theo đó, người dùng xe luôn phải cẩn thận để xe không bị chết máy giữa đường khi ngập nước vì một khi xe đang chạy mà chết máy sẽ làm nước theo hơi xộc vào bình xăng con làm loãng xăng khiến xe không thể nổ máy lại được.
Theo ông So, kinh nghiệm gần 30 năm với xe máy của ông chỉ ra rằng, xe chết máy trên đường ngập nước chỉ có hai lý do là chụp bugi không chắc, nước làm ẩm đầu bugi khiến không đánh lửa nổ máy được. Nguyên nhân thứ hai là do đường dây điện đánh lửa ở dưới bụng xe bị hở, nước vào làm chập mạch cũng không nổ máy được. “Ngoài hai lý do trên, chỉ còn một lý do rất hy hữu nữa là bugi hoặc các linh kiện trong bộ phận đánh lửa đã hết tuổi thọ hoặc hư hỏng, gặp đúng lúc trời mưa nên đột tử giữa đường”, ông nói.
Để xử lý các sự cố chết máy do nước ngập, ông Mã Kim So đã chỉ ra một quy trình chuẩn mà người sử dụng xe máy có thể tự làm hoặc theo dõi và yêu cầu thợ làm. Cụ thể, người dùng cần khóa xăng lại và xả hết xăng trong bình xăng con. Điều này sẽ khử hết nước lẫn vào bình xăng do xe chết máy đột ngột. Tiếp theo, cần tháo bugi xe ra, dùng máy thổi thổi sạch sẽ các loại nước, rác nhỏ bám vào đầu bugi. Nắp chụp đầu bugi và các bộ phận cố định bên trong cũng phải được thổi sạch sẽ.
Tiếp đó, dùng máy thổi cho sạch sẽ các rác bẩn, nước bám ở bộ đánh lửa và dọc dây bô bin sườn. Đạp lấy hơi lại cho xe chừng 3-4 lần là được. Cuối cùng, lắp lại bugi vào máy xe. “Nếu các bước trên được thao tác đúng và đầy đủ thì xe sẽ nổ máy lại được ngay”, ông So cho biết và lưu ý rằng, trong lúc thực hiện các thao tác tháo và thổi sạch bugi, xe phải được dựng đứng và nghiêng về sau để xả hết nước đọng trong máy.
Trong trường hợp xe để dưới hầm hoặc đường ngập hết máy xe, nước sẽ vào các lỗ hơi (giới kỹ thuật gọi là lỗ gió) trên máy. Lúc này, nhớt máy bị nước vào sẽ tạo thành loại dung dịch có màu cà phê sữa, sẽ làm hại máy rất nhiều như hư bạc đạn máy, lột dên xe. Khi xe bị tình trạng này, ông So cũng đưa ra một chuỗi các thao tác. Cụ thể, thợ cần xả hết bình xăng con, tốt nhất là tháo hết xăng đang còn trong máy. Tiếp theo, xả hết nhớt còn trong máy, sau đó thay nhớt mới. Cuối cùng, đạp máy lấy hơi lại vài lần.
Là chủ một tiệm sửa xe, ông So cho rằng, tính cả tiền công lẫn tiền nhớt thay trong trường hợp xe bị ngập nước, tổng chi phí chỉ phải tốn trong khoảng 150.000-200.000 đồng/xe. “Chỉ có trong trường hợp hy hữu lắm, xe đã có bệnh từ trước, thêm vô nước nữa mới gây ra bệnh tình nghiêm trọng hơn thì phải mở máy xem tình hình. Hơn 90% tai nạn chết máy, không nổ máy được trong trời mưa sẽ được xử lý với hai bộ thao tác trên”, ông So cho biết.
Bảo quản xe và chạy xe trong trời mưa
Ông So cho rằng, để chạy xe ổn thỏa trong trời mưa, tài xế cần nhớ những yêu cầu sau như là bugi phải đang hoạt động tốt và chụp bugi phải kín. Thứ hai là dàn lửa phía dưới lên cũng phải kín, tốt nhất là phải trét keo sạch sẽ.
Đối với xe ga, cách xử lý tuy cũng giống như xe số nhưng có một chút khác biệt là xe ga khi vô nước thì ngoài những nơi như bugi, dàn lửa, còn một chỗ cần phải xử lý là “pô air” (bộ lọc gió). Xử lý bộ lọc gió cũng giống như bugi, cần thổi sạch nước và rác rến bám bẩn, dùng khăn tẩm một chút xăng để lau. Trên những đoạn đường không ngập hoặc chỉ ngập chút ít, tài xế đừng chủ quan mà chạy nhanh, cho dù xe không bị “pan” (chết máy) dọc đường nhưng trời mưa đường trơn rất nguy hiểm. “Trong lúc trời mưa, dù nặng hay nhẹ, khi chạy hãy giữ tốc độ đều và nhớ kỹ đừng bao giờ dùng phanh trước khi có sự cố”, ông So chia sẻ.
Đối với các loại xe thân sau nặng hơn thân trước (đa phần là xe tay ga), nếu người lái thắng gấp bằng thắng trước sẽ làm xe ngã và lúc đó người lái không đủ thời gian xử lý, dễ gây thương tích cho bản thân. Đối với những chiếc xe có kích thước nhỏ như Cub, DH, DD đời cũ, thân sau xe nhẹ hơn nên dễ văng xe đi khi thắng gấp bằng thắng trước. “Tốt nhất là trời mưa thì cứ chạy tốc độ từ từ và đều, trong thành phố thì không nên quá 30km/giờ, tay chân luôn chuẩn bị ở thắng sau, cho dù có thao tác nhanh đi chăng nữa thì thời gian xe đổ cũng lâu hơn thắng trước, có té ngã thì cũng chủ động tránh được tổn thương nặng hơn”, ông So chia sẻ kinh nghiệm của mình.