VŨ YẾN - KIỀU PHONG -
Thời điểm này, nhiều kênh phân phối từ chợ, siêu thị cho đến xuất khẩu bắt đầu đẩy mạnh việc tiêu thụ vải thiều đang chuẩn bị vào chính vụ. Dự kiến, giá nội địa và cả giá xuất khẩu vải năm nay sẽ cao hơn so với năm trước.
Từ chợ, siêu thị, đến đường phố
Tại thị trường TPHCM, ngoài việc bán ở các chợ, siêu thị thì vải thiều chín sớm hiện cũng được bán khá nhiều trên các xe tải nhỏ, xe hàng rong đường phố. Ảnh: Vũ Yến
Ông Phan Anh Tuấn, chuyên viên kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM), cho biết cách đây nửa tháng đã thành lập 8 điểm bán vải cho xe container đậu trong khuôn viên chợ, giống như tổ chức điểm bán ở hội chợ. Đó là chưa kể các điểm bán riêng lẻ của tiểu thương.
Ông Tuấn cũng cho biết, trong vòng năm ngày trở lại đây chợ đã tiêu thụ 560 tấn vải thiều sớm của Hải Dương, Bắc Giang, trong đó, chỉ riêng ngày 8-6, chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ, sức tiêu thụ là 180 tấn. Giá bán vải thiều sớm cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu năm ngoái giá thấp nhất là 18.000 đồng/kg thì hiện tại là 26.500 đồng/kg.
“Theo các thương lái, năm nay sản lượng vải giảm nên tổng lượng tiêu thụ cả mùa vải có thể sẽ giảm so với con số 6.600 tấn năm ngoái”, ông Tuấn nói thêm.
Về phía siêu thị, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng của Big C, cho biết hệ thống siêu thị này đã mở rộng số lượng nhà cung cấp, tăng cường chương trình hỗ trợ bán hàng không lợi nhuận để chủ động tiêu thụ trái vải từ miền Bắc. Lượng tiêu thụ dự kiến tăng khoảng 30% so với mùa vải năm ngoái, tương đương khoảng 200 tấn. Ông Nguyên cũng cho biết, hệ thống Big C khu vực Hà Nội đang bán trái vải giá 23.900 đồng/kg, khu vực TPHCM là 38.900 đồng/kg.
Tại thị trường TPHCM, ngoài việc bán ở các chợ, siêu thị thì vải thiều chín sớm hiện cũng được bán khá nhiều trên các xe tải nhỏ, xe hàng rong đường phố.
Mở thêm thị trường xuất khẩu
Vải thiều Bắc Giang đang được nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Bạch Hân
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay năm nay sản lượng vải thiều trên cả nước giảm khoảng 10% so với năm ngoái, còn khoảng 180.000 tấn. Sản lượng giảm do chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Theo ông Trung, thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng, tập trung tại thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM và các tỉnh lân cận. Còn lại 40% sản lượng, tương đương 72.000 tấn, sẽ được xuất khẩu.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của cả trái vải khô và vải tươi, chiếm khoảng 50-60% lượng xuất khẩu. Số còn lại được xuất đi nhiều thị trường bao gồm Đông Nam Á, Trung Đông, và cả Mỹ, Úc, EU... Ngoài ra, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán xuất khẩu vải thiều sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand.
Ông Đặng Hoàng Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu vải thiều đã đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, có khoảng 200 thương nhân là người Trung Quốc đến giám sát thu mua. Dự kiến giá vải bán nội địa và xuất khẩu sẽ cao hơn năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, xuất khẩu vải vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là thông tin thị trường và chính sách biên mậu của Trung Quốc khó dự đoán. “Chúng tôi đã chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tránh trường hợp ùn tắc vì phía Trung Quốc kiểm tra”, ông Trung nói.
Ngoài ra, giá vải xuất khẩu sang các nước như Mỹ, EU, Úc rất cao, chủ yếu là do cước phí vận tải, chi phí chiếu xạ và bảo quản, dẫn đến khó cạnh tranh. Hơn nữa, sản xuất vải thiều còn manh mún, Cục BVTV phải gom gần 30 hộ dân mới đủ 10 ha vải để cấp mã số kiểm dịch xuất khẩu.
Theo ông Trung, năm nay, các doanh nghiệp tập trung xuất khẩu vải sang Úc vì Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia đã được phía Úc cấp giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện chiếu xạ. Các doanh nghiệp cho hay, việc chiếu xạ ở miền Bắc sẽ giảm 16 triệu đồng/tấn so với việc phải vận chuyển vào Nam để chiếu xạ. “Do đó, xu hướng thu mua vải và xuất khẩu sang Úc sẽ tăng cao trong năm nay”, ông Trung nói.