Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024

Đã khát với nước thốt nốt

PHƯƠNG KIỀU -  

Trong những ngày nắng cháy da như vầy, tôi lại nhớ đến ba tôi. Ba tôi thường kể hồi nhỏ vào những sáng tinh mơ mùa khô, ba thường cùng đám bạn ngóng chờ cô thôn nữ Khmer tới. Trên vai cô kẽo kẹt chiếc đòn gánh hai đầu đong đưa hai chùm ống tre dài cả thước. Vừa đi, một tay cô giữ đòn gánh, tay kia đánh đùng xa nhẹ theo nhịp bước chân với tiếng rao lờ lợ: “Thốt nốt đây”.

2Bây giờ nước thốt nốt được đựng trong các hũ nhựa đi bán dọc đường.

Chỉ có vậy là ba và bè bạn túa ra mua mỗi người một ly nước thốt nốt với giá vài ba cắc. Cô thôn nữ một tay cầm chiếc ly thủy tinh, một tay giở nắp lá thốt nốt đậy miệng ống tre rồi cầm chiếc ống nghiêng rót nước vào ly. Khi nước thốt nốt tràn gần tới miệng ly, sủi bọt đục thì cô ngừng tay, đưa cho đám trẻ.

Ba tôi cầm vội chiếc ly, có khi uống ực một hơi cho đã khát, có lúc nhẩn nha thưởng thức từng ngụm nước mát lành, tinh khiết. Cái thứ nước đùng đục màu nước cơm vo ấy ngọt lịm nhưng hăng hăng mùi khói, giống mùi thịt xông khói người phương Tây ưa dùng. Cái mùi ấy do người ta xông khói vào ống tre nhằm khử trùng để nước lâu lên men chua. Tuy nhiên chỉ giữ nước thốt nốt ngon ngọt đến khoảng 9, 10 giờ trưa là bị chua, không dùng được.

Bây giờ hình ảnh những cô thôn nữ gánh nước thốt nốt bán ở quê xưa ba tôi không còn nữa. Người ta chỉ gặp nó qua vài ba sơn nữ Khmer ở vùng ven thành phố Châu Đốc (An Giang) vào những sáng đầu ngày. Tuy nhiên họ không gánh hai chùm ống tre lên nước bóng láng, mà hai đầu gánh là hai đùm hũ nhựa đựng nước thốt nốt. Những chiếc hũ nhựa này cũng thay những ống tre khi người ta leo lên cây thốt nốt lấy nước vào buổi chiều tối hôm trước.

Đến huyện Tịnh Biên (An Giang) là đến “vương quốc thốt nốt”. Bạt ngàn những cây thốt nốt vươn cao lên nền trời với vòm lá rộng khoảng 3 m như đóa hoa đẹp nở trên cao. Thốt nốt là cây thân thẳng, tuổi thọ có thể trên 100 năm và có thể vươn cao đến 30 m. Thốt nốt ra bông mùa khô, vào buổi chiều tối, người ta buộc hũ nhựa vào đầu cụm bông sau khi cắt một đoạn đầu bông bằng đốt ngón tay, kẹp lại. Sáng hôm sau, người ta leo bám từng nhánh tre già cột chặt vào thân cây thốt nốt lên ngọn lấy từng hũ nhựa đeo sau lưng rồi trở xuống. Bấy giờ các sơn nữ Khmer mới lấy nước thốt nốt kinh doanh nhỏ lẻ.

Đến khu vực Miễu Bà Chúa Xứ mùa nắng nóng này, khách phương xa được giải khát bằng nước thốt nốt ở những chiếc xe đẩy bán bên đường trước cổng miễu. Đi dài theo quốc lộ 91 từ núi Sam đến Tri Tôn (An Giang) rải rác hai bên đường là những tấm bảng ghi dòng chữ “Thốt nốt lạnh” cùng hình ảnh những quầy trái thốt nốt màu sô cô la đẹp mắt. Ghé vào quán, bạn sẽ được thưởng thức ly nước thốt nốt lạnh đã khát chỉ với 10.000 đồng. Uống từng ngụm nước thốt nốt, bạn còn có dịp múc từng miếng cơm thốt nốt non mềm mát như miếng thạch hoặc những miếng cơm thốt nốt già nhai sần sật. Ở Tịnh Biên có bánh bò thốt nốt. Riêng hòn Phụ Tử (Kiên Lương, Kiên Giang) có bánh thốt nốt ngon ngọt, lạ miệng…

Nước thốt nốt bây giờ bán suốt cả ngày mà không hư chua là nhờ được ủ lạnh. Hơn thế nữa, nước thốt nốt không ủ lạnh mà vẫn ngon ngọt là nhờ người ta nấu sôi để nguội trước khi đem ra tiêu thụ. Mua loại nước này, giá 20.000 đồng/lít, bạn đem về nhà để nơi mát hoặc để trong tủ lạnh ba bốn ngày vẫn uống được.

Tham quan các danh thắng miệt Thất Sơn (An Giang), khi về ai cũng mua mấy ký đường thốt nốt (25.000 đồng/kg) cùng mấy ký cơm thốt nốt (30.000 đồng/kg) để sử dụng hoặc làm quà cho bạn bè hoặc bà con, là món quà quý vì nó chỉ có ở khu vực Tịnh Biên và núi Đá Dựng (Hà Tiên, Kiên Giang).

Không như ngày xưa, tháng 2 và tháng 3 là cao điểm lấy nước thốt nốt, bây giờ nước thốt nốt cùng các sản phẩm của nó được khai thác hầu như quanh năm ở hai địa phương này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối