Thứ tư, Tháng tư 9, 2025

Đà Nẵng cần một quy hoạch chuẩn cho ngành khách sạn

(SGTTO) - Nhân Triển lãm và Toạ đàm Giải pháp Ngành Khách sạn Đà Nẵng 2019 sẽ diễn ra vào thứ Năm, ngày 29-8 tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana (Đà Nẵng), ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng, đã có những chia sẻ về bức tranh khách sạn tại thành phố biển miền Trung.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng

SGTTO: Hiện nay, thị trường cơ sở lưu trú của Đà Nẵng đang trong tình trạng cung vượt cầu. Theo ông, nguyên nhân đến từ đâu và nếu không giải quyết sẽ dẫn đến những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Tôi nghĩ vấn đề trước tiên là chuyện thẩm định, phê duyệt các dự án. Hiện nay, chưa có một hội đồng bao gồm nhiều bên xét duyệt những dự án cơ sở lưu trú, từ khách sạn, resort (khu nghỉ mát) đến condotel (căn hộ kết hợp kinh doanh khách sạn). Thêm vào đó, việc cấp phép và thẩm tra do Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Xây dựng thực hiện nhưng không có sự tham vấn từ Sở Du lịch. Cụ thể, không có sự tham khảo về quy hoạch từ các đơn vị phụ trách du lịch trong khi những dự án này phục vụ cho du lịch.

Thậm chí, chúng ta không có một quy hoạch vĩ mô trong việc phát triển ngành khách sạn bên cạnh hàng không, cảng biển, đường bộ thị trường hướng tới…

Thực tế, cơ sở lưu trú qua đêm tại Đà Nẵng đang phát triển quá mạnh. Trong khi đó nhu cầu không tăng. Điều này dẫn tới lợi nhuận và doanh thu giảm sút. Thêm vào đó, lượng cung tăng dẫn đến sức ép lớn về cơ sở hạ tầng dành cho Đà Nẵng, đặc biệt là vấn đề nước thải và rác thải.

Giải pháp trước mắt và lâu dài sẽ là gì, thưa ông?

- Giải pháp sẽ được chúng tôi nhắc đến trong tọa đàm sắp tới. Tuy nhiên, tôi cũng cần nói ngay rằng: Đà Nẵng cần có một quy hoạch chuẩn, vĩ mô cho ngành khách sạn. Một bộ phận chuyên trách cần thành lập để lập ra quy hoạch cũng như phê duyệt và thẩm định dự án. Thành viên sẽ từ nhiều ngành liên quan, bao gồm đầu tư, xây dựng, du lịch, khách sạn…

Điểm hẹn mùa hè đang trở thành thương hiệu của du lịch Đà Nẵng khi hè đến. Ảnh: Huân Nguyễn

Có một vấn đề khác mà thị trường cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt là thiếu những nhà quản lý mang tầm quốc tế, dẫn đến tình trạng làm ăn manh mún. Theo ông, để giải quyết căn cơ vấn đề này, cần có những yếu tố nào?

- Các resort, khách sạn năm sao ở Đà Nẵng hiện nay có nhiều nhà quản lý tầm cỡ quốc tế, giàu kinh nghiệm như Furama, Accor, Marriott, Melia, Hilton, InterContinental… Họ sẽ mang kinh nghiệm quản lý quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là các nhà quản lý 2-3 sao ở Đà Nẵng tự học hoặc kinh nghiệm bản thân để áp dụng vào vận hành là chính.

Vì vậy, vai trò của những cơ sở lưu trú năm sao, có nhà quản lý quốc tế rất quan trọng. Họ sẽ hỗ trợ phát triển những nhà quản lý địa phương để có được kỹ năng và kiến thức mang tầm quốc tế.

Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Sở Du lịch hằng năm đào tạo các cấp quản lý nhưng chưa đủ. Những cơ sở dạy nghề cũng nên có những chương trình MBA dành cho cấp quản lý của những khách sạn không có nhà quản lý quốc tế.

Ngành khách sạn Đà Nẵng cần một quy hoạch chuẩn để phát triển bền vững.

Sự kiện sắp tới sẽ mang đến giải pháp cho những vấn đề trên không thưa ông?

- Trước tiên, tôi muốn nói đến “Giải pháp khách sạn”. Đó chính là những công cụ giúp phát triển khách sạn, bao gồm nhà cung ứng, những giải pháp xanh, công nghệ thông minh trong vận hành và quản lý nhân sự, giúp tăng năng suất lao động.

Sự kiện này cũng là cơ hội để quảng bá điểm đến và kết nối với nhau – giữa khách sạn và lữ hành. Các chính sách, định hướng, quy hoạch cũng sẽ được bàn bạc tại sự kiện khi có mặt của lãnh đạo Sở Du lịch cũng như các hội trực thuộc.

Ngoài ra, sự kiện năm nay chúng tôi tập trung phân tích thị trường, định vị thị trường và nguồn khách du lịch. Định vị lại hệ thống du lịch của Đà Nẵng cũng sẽ được mổ xẻ.

Đây là sự kiện thường niên của ngành khách sạn Đà Nẵng, theo ông sự kiện có tác động như thế nào đến việc phát triển chung của ngành khách sạn thành phố?

- Đây là sự kiện lớn nhất của ngành khách sạn tại Đà Nẵng. Trong lần thứ tư tổ chức, chúng tôi đã thu hút 60 gian hàng cùng sự hỗ trợ của các nhà cung ứng, giải pháp khác nhau. Sự kiện cũng sẽ là cầu nối để các nhà lãnh đạo thành phố, ngành du lịch và các doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung.

Tôi hy vọng sẽ có được quy hoạch vĩ mô cho ngành khách sạn Đà Nẵng sau sự kiện này.

Cuối cùng, trong vai trò là lãnh đạo của Hội Khách sạn Đà Nẵng, theo ông, bức tranh phát triển sắp tới của ngành khách sạn Đà Nẵng phải như thế nào? Vì sao?

- Bức tranh khách sạn Đà Nẵng được dự báo sẽ có sự tươi sáng. Trong đó, sự phát triển ngành hàng không có sự đóng góp rất lớn.

Trong những năm qua và sắp tới, có nhiều đường bay quốc tế từ những thị trường khác nhau đến Đà Nẵng. Tôi lấy ví dụ, từ tháng 3 đến tháng 9 năm sau sẽ có những chuyến bay thuê chuyến từ Nga đến Đà Nẵng.

Ngoài ra, theo tôi biết, Vietjet Air đang làm việc với các đối tác của Úc để mở đường bay trực tiếp từ Melbourne hoặc Sydney đến Đà Nẵng. Hay sắp tới nguồn khách từ Ấn Độ sẽ đến nhiều hơn, ở khách sạn từ 3 đến 5 sao.

Những động thái này giúp ổn định và đa dạng hóa nguồn khách quốc tế đến đây và giúp các cơ sở lưu trú có sự hoạt động bền vững.

Nhân Tâm thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối