(SGTT) - Sáng 11-5, tại TP Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên tổ chức lễ khai mạc Hội nghị “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài”.
- Khám phá ẩm thực đặc sắc tại Lễ hội con đường văn hóa hữu nghị Việt - Hàn
- Đà Nẵng: Hơn 400 gian hàng tham gia hội chợ quốc tế về thương mại, du lịch và đầu tư
- Đà Nẵng: Sinh viên Lào háo hức đón tết cổ truyền Bunpimay khi xa quê
Diễn ra trong bốn ngày (từ 11-5 đến 14-5), ngày hội được ban tổ chức kỳ vọng là cầu nối để nâng cao thương hiệu và tiềm năng xuất khẩu của 15 tỉnh, thành khu vực nêu trên. Cụ thể, với sự tham gia của hơn 300 nhà cung cấp, doanh nghiệp của 15 tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng… ngày hội tổ chức tại khuôn viên Bờ Đông cầu Rồng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) dự kiến thu hút khoảng 30.000 lượt khách trong và ngoài đến tham quan và mua sắm.
Được biết, đây là hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp với nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.
Dừng chân trước gian hàng của Hợp tác xã (HTX) Mắc ca Eahleo (Đắk Lắk), cô Vũ Thị Hoa, nhân viên bán hàng, cho hay những năm trước đây bà con con trăn trở chưa biết tiêu thụ hạt mắc ca ở đâu, giá cả ra sao? Hiểu được trăn trở đó, ông Nguyễn Văn Bình mạnh dạn thành lập HTX nhằm chế biến ra thành phẩm để tiêu thụ hạt mắc ca cho bà con.
Đến nay HTX có 30 thành viên và gần 60 hộ liên kết với hơn 100ha trồng mắc ca, cà phê, bơ, sầu riêng... HTX đã xây dựng quy trình chăm sóc theo nền nông nghiệp tốt VIETGAP, xây dựng quy trình chế viên hạt mắc ca nên sản phẩm được UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá đạt OCOP 4 sao. Đến với sự kiện lần này HTX trưng bày và giới thiệu các sản phẩm mắc ca, cà phê sạch và các nông sản khác có chất lượng tốt giá cả phù hợp, tùy vào hộp lớn nhỏ các sản phẩm có giá từ 200.000 đến 300.000đồng/kg.
Thông tin từ Sở Công Thương Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 333 sản phẩm OCOP của 260 chủ thể gồm 126 Hộ kinh doanh, 90 HTX và 44 tổ hợp tác. Chương trình OCOP đã tạo động lực để cơ sở sản xuất, HTX nông nghiệp… tỉnh Quảng Nam đổi mới tư duy trong sản xuất như chuẩn hóa sản xuất, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã… tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng, lợi thế phát triển, hứa hẹn trở thành vùng kinh tế năng động. Tốc độ tăng trưởng của khu vực bình quân hằng năm đạt từ 9,5 – 11%, cơ sở hạ tầng kinh tế đã từng bước hoàn thiện với sự hình thành và phát triển của các khu công nghệ cao, 57 khu công nghiệp, 7 khu kinh tế, 4 cảng nước sâu, 166 cụm công nghiệp, 132 siêu thị, 21 trung tâm thương mại… và là địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tiên Sa