Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Đà Nẵng: Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu nhân tuần lễ Hòa Bắc

(SGTT) - Sáng ngày 27-4, tại không gian khu vực nhà Gươl, thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc), UBND huyện Hòa Vang và ngành Văn hóa, Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức "Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu năm 2023".

Đây là hoạt động tổ chức trong khuôn khổ “Tuần lễ du lịch Hòa Bắc 2023”. Sự kiện nhằm mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu trước nguy cơ mai một, thất truyền do quá trình giao lưu hội nhập. Đồng thời, sự kiện còn trình diễn một số nét tinh hoa văn hóa - nghệ thuật, phát động thi đua sáng tạo, giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Cơ Tu toàn huyện.

Đến lễ hội, du khách mục kích các trò chơi truyền thống dân gian như đi cà kheo, hay xem các sơn nữ Cơ Tu giã gạo, thưởng thức những điệu múa sống động đầy âm hưởng của núi rừng qua phần trình diễn cồng chiêng; xem biểu diễn văn nghệ truyền thống hay nghe những điệu hát lý, nói lý mang đậm bản sắc của người Cơ Tu.

Các già làng và các bậc cao niên hát lý, nói lý. Ảnh: Tiên Sa

Cùng với đó, các già làng ba thôn và các bậc cao niên, đồng bào thể hiện nghi thức kết nghĩa nhân văn nhưng độc đáo mà không cộng đồng sắc tộc nào khác có được. Từ đó, giúp đồng bào củng cố hơn nữa mối quan hệ đoàn kết và tự hào về truyền thống văn hóa của cộng đồng mình.

Các già làng ba thôn và đồng bào thể hiện nghi thức “kết nghĩa của người Cơ Tu”. Ảnh: Tiên Sa

Đặc sắc là phần thi ẩm thực giữa ba thôn Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc. Du khách thú vị khi vừa thưởng thức các món ăn truyền thống hấp dẫn như bánh cuốt, cơm lam, rượu cần, xôi, ếch um, tôm suối nướng… vừa thưởng thức múa Tung tung - da dá trên nền nhạc cồng chiêng rộn rã vang lên một góc rừng Trường Sơn.

Gian trình diễn ẩm thực truyền thống của thôn Tà Lang. Ảnh: Tiên Sa

Già làng thôn Phú Túc Đinh Văn Trí, cho hay điệu múa Tung tung Da dá thường được biểu diễn vào dịp ăn mừng lúa mới, vụ mùa bội thu; đám cưới; các lễ hội như đâm trâu (nay đã bỏ), dựng làng, dựng nhà Gươl hay lễ, tết… “Tung tung” theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn. “Da dá” có nghĩa thẳng hàng, mang ý nghĩa tâm linh là tạ ơn trời đất…

Các sơn nữ Cơ Tu múa Tung tung Da dá rất điệu nghệ. Ảnh: Tiên Sa

Già làng Bùi Văn Siêng (72 tuổi, trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), thông tin sự kiện cũng mở rộng giao lưu cộng đồng người Cơ Tu, giúp tăng cường mối quan hệ giữa các địa phương và quảng bá vẻ đẹp của văn hóa truyền thống cộng đồng người Cơ Tu, góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng tại địa phương.

Được biết, khu vực ba thôn Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc đa số người dân sống với nghề nông, nghề trồng rừng, một số ít sống với nghề dệt thổ cẩm, nghề chế biến chè dây, nghề làm dịch vụ du lịch…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho hay trong suốt 15 năm qua, UBND huyện Hòa Vang đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa cho các thôn người Cơ Tu trên địa bàn. “Với việc lần đầu tổ chức Tuần lễ Du lịch Hòa Bắc, địa phương mong muốn đưa văn hóa truyền thống của Cơ Tu để phục vụ, kích cầu du lịch, quảng bá điểm đến, tạo sinh kế bền vững cho người Cơ Tu bằng việc phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch bền vững", ông Dũng nhấn mạnh.

Các vị lãnh đạo và quan khách, du khách tham quan quầy trang phục Cơ Tu dệt, may tại địa phương. Ảnh: Tiên Sa

Cộng đồng người Cơ Tu trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có khoảng 1.450 người đang sinh sống ở thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú). Cùng với sự kết nối của chính quyền, người Cơ Tu không ngừng sáng tạo, đoàn kết, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình.

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối