Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Đà Nẵng siết quản lý kinh doanh thực phẩm qua mạng

Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh, quảng cáo thực phẩm qua mạng xã hội với mục tiêu ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm trên các website, mạng xã hội, và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng (ATTP) được chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ sáu tháng đến UBND thành phố.

Một trang bán thực phẩm trực tuyến tại Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, việc rà soát và quản lý các cơ sở, cá nhân bán thực phẩm tự phát trên không gian mạng cần sự tham gia nhiều bên. Ảnh: Nhân Tâm

“Đây là một nhiệm vụ nặng nề và khó khăn”, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban An toàn thực phẩm (ATTP), cho biết. “Tuy nhiên, chúng ta phải chiến đấu với kinh doanh thực phẩm qua mạng không rõ nguồn gốc, đảm bảo ATTP cho người dân và sự lành mạnh trên không gian thương mại điện tử”.

Chia sẻ với TBKTSG Online ngày 25-2, ông Hải cho biết những website bán thực phẩm trực tuyến định danh và có đăng ký kinh doanh thì dễ quản lý vì có sự kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, kinh doanh tự phát trên không gian mạng là vấn đề nan giải.

Ông Hải lý giải trong thời qua nhu cầu mua hàng hóa, bao gồm thực phẩm, qua mạng tăng lên do lo ngại lây lan Covid-19. Cũng chính từ nhu cầu này, nhiều cá nhân, nhóm đã tự chế biến thực phẩm và đăng tải, rao bán trên một số không gian mạng như Facebook, Zalo.

“Rất khó quản lý kênh này. Chúng ta chỉ có thể chạy theo sau từng vụ”, ông Hải nói và chia sẻ thêm để hạn chế những vi phạm từ kênh kinh doanh này cần có sự vào cuộc của nhiều bên, từ cơ quan quản lý truyền thông và cơ sở hạ tầng mạng đến quản lý thị trường và quản lý an toàn thực phẩm. Và điều mà ông Hải nhấn mạnh chính là người dân phải biết tự bảo vệ mình bằng cách tham khảo một số phương pháp nhận biết hàng thật, hàng giả và xuất xứ.

Theo kế hoạch này, ATTP sẽ chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị, hội thảo, nói chuyện, tọa đàm, phát hành các ấn phẩm tài liệu để tuyên truyền, khuyến cáo cho người tiêu dùng thận trọng trong việc mua các sản thực phẩm quảng cáo trên các trang mạng online cũng như tuyền truyền các sản phẩm không được quảng cáo như thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới sáu tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Trong khi đó, các cơ quan khác cũng có nhiệm vụ của mình. Đơn cử, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý hoạt động thương mại, quảng cáo thực phẩm thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý thông tin về sử dụng dịch vụ internet để kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.

Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức xe lưu động tuyên truyền Luật Quảng cáo và các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động quảng cáo trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tổng hợp thông tin các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thực phẩm qua mạng xã hội, thương mại điện tử tại địa phương.

Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực quảng cáo thực phẩm qua mạng xã hội và tổ chức kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa vi phạm quy định an toàn thực phẩm trên các website, mạng xã hội trên địa bàn thành phố.

Cục Thuế thành phố Đà Nẵng tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế; chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội trên địa bàn để cùng phối hợp xử lý kịp thời.

UBND các quận, huyện rà soát, thống kê danh sách các thương nhân, tổ chức, cá nhân (bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã) sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân công, phân cấp quản lý và các cá nhân khác có thiết lập website, sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác có nối mạng để tiến hành hoạt động thương mại, quảng cáo thực phẩm.

Nhân Tâm

Theo TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối