Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung loại hình ‘đường tốc độ cao’

(SGTT) - Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV diễn ra ngày 21-5, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm quy định “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường quốc lộ…
Một đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.  Ảnh: Minh Hoàng

TTXVN đưa tin, tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV diễn ra ngày 21-5, phát biểu ý kiến về của dự thảo Luật Đường bộ tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn đại biểu từ Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng dự thảo còn có một số tồn tại trong việc xử lý các trạm thu phí đã ngừng hoạt động mà chưa được tháo dỡ.

Đại biểu cho biết, đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở những khu vực này do chưa có quy định chế tài. Trong dự thảo Luật Đường bộ lần này, việc bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với các trạm thu phí đã dừng hoạt động là cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.

Cũng theo bản tin trên, góp ý vào dự án luật này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đến từ đoàn Bình Định quan tâm đến quy định cấp kỹ thuật của đường bộ. Ông cho biết, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc bởi tuyến đường có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên. Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm quy định “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường quốc lộ.

Một số đại biểu kiến nghị tiếp tục làm rõ vấn đề quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị. Về hoạt động vận tải đường bộ, đại biểu cho rằng cần xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô…

Liên quan đến việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, tại phiên họp, đại biểu quốc hội cho biết, hiện có một số đoạn tuyến đã đầu tư theo giai đoạn 1 và cần tiếp tục nâng cấp đảm bảo theo quy mô cao tốc đồng bộ trên toàn tuyến. Nhưng nếu theo quy định tại Điều 69 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án bao gồm vốn đầu tư công và giá trị tài sản công và chi phí giải phóng mặt bằng phải đảm bảo dưới 50% tổng mức đầu tư để đủ điều kiện thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công.

Như vậy, đối với dự án cải tạo đường cao tốc sẽ phải tính giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ hiện hữu và tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án. Với quy định khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước dưới 50% tổng mức đầu tư sẽ có những trường hợp gặp khó khăn. Đơn cử như trường hợp gộp chung giá trị tài sản đường đã đầu tư công, vốn đầu tư công và chi phí giải phóng mặt bằng để tính tỷ lệ so với tổng mức đầu tư dự án mở rộng cải tạo, nâng cấp thì giá trị này cơ bản lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của các dự án cải tạo, nâng cấp…

Để khắc phục vướng mắc trên, việc dự thảo Luật Đường bộ có quy định làm rõ đối với dự án PPP, sẽ không tính giá trị tài sản kết cấu hạ tầng hiện hữu và tỷ lệ góp vốn của Nhà nước; đảm bảo nguyên tắc kiểm soát phần góp vốn của Nhà nước tham gia trong dự án;  có phương án tài chính để hoàn vốn đầu tư, chỉ tính toán đối với giá trị cải tạo, nâng cấp… là cần thiết. Từ đó, kỳ vọng việc cải tạo và mở rộng đường cao tốc và thu phí sẽ đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng.

Trúc Đào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối