Minh Duy -
Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho du khách nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp thu hút thêm du khách, góp phần phát triển du lịch mua sắm. Thế nhưng trên thực tế, không nhiều du khách tìm đến quầy hoàn thuế.
Quầy hoàn thuế ế ẩm
Theo quy định, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu sẽ được hoàn thuế VAT khi mua hàng hóa với hóa đơn trên 2 triệu đồng. Để được hoàn thuế, khách cần trình hộ chiếu, hóa đơn mua hàng, tờ khai hoàn thuế và hàng hóa. Các quầy hoàn thuế có ở chín cửa khẩu quốc tế trên cả nước.
Sau 5 năm thực hiện, những gì đang diễn ra cho thấy có rất ít du khách đến quầy hoàn thuế. Riêng tại TPHCM, trong năm 2016 chỉ có 5.000 khách hoàn thuế với tổng số thuế được hoàn là 29 tỉ đồng. Dự kiến năm nay sẽ có 7.000 người hoàn thuế với khoảng 40 tỉ đồng.
"Mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt người xuất cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chỉ có độ mươi người đến hoàn thuế", ông Lê Tuấn Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất nói tại buổi hội thảo "Giải pháp tăng cường hiệu quả của chính sách hoàn thuế cho du khách, kích cầu cho du lịch Việt Nam" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 6-12.
Ông Bình cho biết, ông thường ghé đến quầy hoàn thuế ở sân bay và cảm thấy ái ngại cho hai ngân hàng tham gia chương trình. Nhân viên ngân hàng phải túc trực cả ngày nhưng mỗi khách chỉ hoàn chừng vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tiền thuế. Số tiền thu được mỗi ngày chỉ khoảng 100 triệu đồng, đem lại cho ngân hàng khoảng 15 triệu đồng dịch vụ. Số tiền này khó bù đắp nổi chi phí thuê nhân viên, quầy hàng, điện nước...
Ở những địa phương khác, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Tại buổi hội thảo, một số chuyên gia cho biết, trong nửa đầu năm 2017, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có doanh thu hoàn thuế chỉ khoảng 50 triệu đồng.
Thiếu sản phẩm để mua
Theo ghi nhận của cơ quan hải quan, các mặt hàng hoàn thuế chưa phong phú, chủ yếu là sản phẩm thời trang, đồng hồ và điện thoại. Với hàng thời trang, có rất ít sản phẩm hàng hiệu có giá trị cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, khách ít hoàn thuế vì chưa có nhiều thứ hấp dẫn để mua. Trên thực tế, những thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội đã có những trung tâm mua sắm hiện đại nhưng vẫn chưa đủ, vẫn thiếu những tổ hợp vui chơi, mua sắm lớn để du khách có thể dừng chân suốt cả ngày. Trong khi đó, những cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài tuy nhiều nhưng hàng hóa vẫn còn ít, chưa đặc sắc. Các chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm cũng chưa nhiều để thu hút khách mua sắm, chi tiêu.
Điều tra gần nhất vào năm 2014 của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy du khách mua sắm rất ít. Theo đó, chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế có nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú chỉ độ 1.114 đô la Mỹ. Phần lớn chi tiêu chỉ để thuê khách sạn nghỉ và ăn uống. Những chi phí về mua sắm, giải trí... chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi tiêu. Cụ thể, trong chi tiêu bình quân một lượt khách có nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú, tiền thuê phòng chiếm 33,14%, tiền mua hàng hóa, đồ lưu niệm chiếm 18,34%, chi vui chơi giải trí chiếm 3,56%.
Ông Phạm Trung Lương, thuộc Hiệp hội du lịch Việt Nam, cho biết hơn 10 năm qua, chi tiêu cho mua sắm của khách quốc tế tại Việt Nam gần như không thay đổi thậm chí đi theo chiều hướng giảm. Mua sắm ít, điểm hoàn thuế cũng ít nên việc hoàn thuế ít là điều dễ hiểu. Theo ông, cần phải tăng hàng hóa và dịch vụ. Điểm đến nên có những trung tâm mua sắm lớn kèm theo những dịch vụ hậu cần về thanh toán và giao nhận hàng hóa.
“Nhiều nước đã cho khách hoàn thuế ngay tại trung tâm thương mại còn chúng ta thì phải ra tận cửa khẩu”, ông Lương nói. Theo ông, nên mở rộng điểm hoàn thuế. Nếu được, nên cho phép hoàn thế ngay tại cửa hàng để du khách tiện lợi hơn, không phải cầm một xấp hóa đơn, đi lại nhiều lần đóng dấu mới lấy được ít tiền hoàn thuế.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, điều mà du khách lo ngại nhất không phải là giá cả mà là tình trạng hàng gian, hàng giả và kém chất lượng. Vì thế, phải quyết liệt giải quyết tình trạng này và bảo vệ khách hàng khi gặp sự cố thì mới khuyến khích họ mua sắm.
“Có khách châu Âu mua sơn mài đắt tiền nhưng chỉ một thời gian ngắn là e-mail than phiền về việc lớp sơn mài bị bong tróc nhưng chúng tôi không thể bắt đền dùm. Nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra làm xói mòn lòng tin của khách”, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt nói.
Quảng bá, đơn giản thủ tục
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, chủ một cửa hàng vàng bạc ở phố vàng bạc, trang sức ở quận 5, TPHCM cho biết, do các cửa hàng xung quanh chưa làm nên cửa hàng này cũng chưa tham gia chương trình hoàn thuế VAT. “Có thể hoàn thuế thì khách sẽ mua nhiều hơn nhưng phải nhiều nơi làm chứ vài nơi thì cũng không có tác dụng”, ông nói.
Doanh nghiệp ít tham gia, số lượng cửa hàng ít cũng khiến chương trình hoàn thuế chưa thu hút. Doanh nghiệp còn than phiền thủ tục khấu trừ thuế nhiêu khê, việc cập nhật danh sách công ty bán hàng hoàn thuế trên trang web của một số chi cục thuế vẫn chưa đầy đủ làm cơ quan hải quan gặp khó để xác định đúng doanh nghiệp khi kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế VAT. Các loại hóa đơn thiếu thông tin, mã hàng, ký hiệu và không thống nhất nên doanh nghiệp mất công khai thuế. Ngoài ra, quy định tham gia hoàn thuế yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch về sổ sách kế toán, hóa đơn, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa... trong khi nhiều nơi đang "có vấn đề" trong việc này nên tránh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, cần quảng bá chương trình rộng rãi để khách hàng và doanh nghiệp biết và thấy được lợi ích khi hoàn thuế VAT. Cơ quan hải quan và du lịch nên có những trang web giới thiệu danh sách những cửa hàng được hoàn thuế, những nơi có thể làm thủ tục, cách thức thực hiện... Những công ty làm tốt sẽ được giới thiệu trên trang web để giúp quảng bá thương hiệu, thu hút thêm khách mua hàng. Du khách cũng sẽ tiện lợi hơn khi tìm thông tin và yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm.