(SGTT) - Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có chuyến nghiên cứu khảo sát thực tế tại khu vực thi hành lễ; đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác với Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ gốm Chăm Bàu Trúc nhân Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm đã diễn ra ở Ninh Thuận.
Diễn ra từ ngày 13 đến 16-10, Katê là Lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm ở Ninh Thuận, với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi, nảy nở của con người và vạn vật.
Lễ hội Katê thường được bắt đầu bằng lễ hội từ các đền, tháp Chăm và cuối cùng là các hoạt động vui chơi, đón Tết tại nhà.
Đây cũng là dịp để người Chăm tưởng nhớ đến những người đã khuất, tưởng nhớ đến các vị được người Chăm tôn vinh làm thần.
Tại sự kiện, rất đông người dân đã tập trung tại các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của người Chăm. Mọi người nghỉ ngơi và tràn ngập niềm vui, đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau.
Ngày nay, Lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận là một phần của di sản văn hóa quốc gia Việt Nam. Đó là sự đóng góp to lớn của văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tạo thêm sắc màu sinh động trong tổng thể văn hóa Việt Nam nói chung.
Nhân dịp Lễ hội Katê năm 2023, Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có chuyến nghiên cứu khảo sát thực tế tại khu vực thi hành lễ; đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác với Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ gốm Chăm Bàu Trúc.
Theo TS Phan Thị Ngàn, Quyền Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đơn vị sẽ hỗ trợ tập huấn công tác xúc tiến phát triển du lịch; đào tạo, tập huấn phát triển du lịch cộng đồng cho làng nghề gốm Bàu Trúc. Điều này nhằm góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng, tạo thêm sắc màu sinh động trong tổng thể văn hóa Việt Nam và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Làng gốm Bàu Trúc (Hamu Craok) là một làng nghề và một điểm đến du lịch quan trọng ở Ninh Thuận, đã được UNESCO công nhận là Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Việc ký kết hợp tác này sẽ rất thiết thực, hỗ trợ về mặt chuyên môn và kết nối cho làng nghề. Qua đó, Khoa Du lịch sẽ hỗ trợ tập huấn công tác xúc tiến phát triển du lịch, đào tạo, tập huấn phát triển du lịch cộng đồng cho Làng nghề gốm Bàu Trúc.
Bên cạnh đó, Khoa cũng sẽ phối hợp nghiên cứu Đề tài khoa học “Nghiên cứu, đề xuất và triển khai mô hình Du lịch cộng đồng gắn với Làng nghề gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận” và các chương trình nghiên cứu khác trong tương lai.
Hai bên cam kết phối hợp cử nhân sự tham gia điều hành, tổ chức các tour du lịch trải nghiệm trên địa bàn Làng nghề gốm Bàu Trúc, làng Chăm và quảng bá các hoạt động trải nghiệm du lịch.
Hiện nay, dù du lịch đang phát triển, nhưng kỹ năng vận hành du lịch của cộng đồng còn gặp khá nhiều khó khăn. Theo TS. Quảng Đại Tuyên, Khoa Du lịch - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, làng nghề truyền thống Chăm mặc dù có tiềm năng và cơ hội phát triển để định hình bản sắc sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, nhưng các chiến lược, quy hoặc và cả những chương trình triển khai thực tiễn và cụ thể nhất vẫn còn khá hạn chế.
TS. Quảng Đại Tuyên hy vọng rằng, thỏa thuận hợp tác tiên phong của Khoa Du lịch cũng sẽ một động lực cho các đơn vị khác cùng nhau thúc đẩy sự phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam phát triển.
Đinh Nam