Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

“Đám cưới chuột” tưng bừng đón xuân

(SGTT) - Tết năm Tý sẽ có phần thiêu thiếu nếu không tìm hiểu về bức tranh tết nổi tiếng “Đám cưới chuột” của dòng tranh dân gian, bởi bức tranh là biểu trưng cho sự tài tình, tinh anh của cha ông được gửi vào hồn tranh: sức sống - sức xuân, mà cội nguồn bền lâu là sức sống của văn hóa dân gian, là hồn của dân tộc.

Năm nay Canh Tý, chuột đã trở lại quản lý thời gian. Nó nhỏ nhất trong 12 con giáp, song lại đứng đầu. Đã có khá nhiều câu chuyện, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian lý giải về vị trí đầu tiên trong 12 con giáp của chuột nhưng xin không bàn ở đây.

Từ dòng tranh dân gian Đông Hồ…

Trong thơ nôm Việt Nam có chuyện thơ “Trinh thử” kể chuyện con chuột trinh tiết. Ở vùng Liễu Đôi thuộc xứ Nam có chuyện ngụ ngôn “Đám cưới chuột” kể chuyện vợ chồng chuột được mèo tha cho khi xin cưới nhưng khi sinh con thì bị mèo vồ sạch. Ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng có một số câu viết về chuột nhưng lại nói chuyện xã hội con người.
Tranh tết xưa có hai dòng Đông Hồ và Hàng Trống đều phổ biến bức tranh mà nhiều người vẫn quen gọi là “Đám cưới chuột” hay “Chuột vinh quy”. Bởi lẽ, đây là ước mơ của người xưa luôn mong mỏi hai sự việc lớn nhất trong đời là: Đại đăng khoa – đỗ trạng nguyên và làm quan, và tiểu đăng khoa – lấy được vợ – với hình ảnh đẹp mắt “ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau”.

Tranh dân gian Đám cưới chuột

Tranh “đám cưới chuột” này là thể loại tranh ngụ ngôn. Các nghệ nhân đã nhân cách hóa đàn chuột (người dân thấp cổ bé họng yếu thế) kéo đàn kéo lũ đến đút lót cho đám tham quan, ô lại (mèo) để mong có cuộc sống yên lành. Thật ra, dùng hình tượng chuột - mèo để ám chỉ, đả kích, châm biếm không chỉ có ở tranh dân gian Việt Nam, mà còn có ở tranh dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới. Ví như ở Đức có tranh Mèo và chú chuột; ở Nga có tranh Chuột làm ma cho mèo. Tại Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập… cũng có những tranh khắc gỗ dân gian có nội dung chuột - mèo tương tự. Tuy nhiên, tranh dân gian “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ vẫn là một trong số những bức tranh hay, đẹp và có nét độc đáo riêng.

Theo đó, chất liệu tạo nên Đám cưới chuột cũng đậm chất dân dã: Ván khắc tranh được làm bằng gỗ thị, giấy in tranh là loại giấy dó (làm từ cây dó); màu in tranh chế từ các loài thảo mộc, khoáng sản… Bảng màu trong tranh Đám cưới chuột thật giản dị nhưng không kém phần lộng lẫy, với màu vàng của hoa hòe, màu xanh của lá chàm, màu trắng chế từ vỏ con diệp… Thế nhưng, chỉ với những chất liệu dân dã “quê mùa” nói trên, các nghệ sĩ làng Đông Hồ đã tạo cho Đám cưới chuột trở thành bức tranh tết độc đáo và đậm đà không khí ngày xuân.

Về bố cục, Đám cưới chuột không theo kiểu bố cục hàn lâm và luật viễn cận (xa-gần) của châu Âu, mà theo kiểu bố cục bình đồ dân gian. Bức tranh phân làm hai tuyến. Tuyến trước (gần) là chuột anh, chuột nàng và quân sĩ theo hầu. Tuyến sau (xa) là “phái đoàn họ nhà chuột” đi “lót tay” cho lão mèo già. Bố cục hai tuyến gần như cân bằng trên - dưới nhưng vẫn không bị “phạm luật” cắt đôi bức tranh.

Lão mèo già mặc dù được bố trí ở góc trên bức tranh, song đây là “nhân vật trung tâm” nên vẫn được các tác giả dân gian tập trung tạo thành “điểm vàng” của tranh bằng thủ pháp “phóng to - thu nhỏ” nhân vật, chú mèo to hơn cả con ngựa mà chú chuột đang cưỡi, tạo sự chú ý tập trung của người xem. Tuy cách điệu, không theo luật chung của hội họa nhưng bức tranh vẫn đảm bảo sự hài hòa của bố cục.

Nét độc đáo của bức tranh là giúp người xem có thể hiểu ý nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Ở góc nhìn khác, sâu sắc và nhân văn hơn, nhiều nhà khoa học cho rằng bức tranh còn một màu sắc khác mang tính triết học: tư duy sự cộng sinh.
Mèo sinh ra vốn là để ăn thịt chuột, sự quy định mang tính tự nhiên này khó có thể bị một nguyên tắc đạo đức nào chi phối. Nó chỉ có thể được điều chỉnh bằng những cam kết từ hai phía, như nội dung dâng lễ của chuột cho mèo trong bức tranh đã nói. Chuột thuộc âm, mèo thuộc dương. Cả hai đều phải tuân theo quy luật hài hòa của tạo hóa nên đôi lúc cũng phải có sự nhượng bộ lẫn nhau.

Trong cách cư xử, giao tiếp trong xã hội cũng vậy. Tư duy cộng sinh này rốt cục cũng đã mang lại kết quả tốt đẹp cho họ hàng nhà chuột. Đám cưới diễn ra thật tốt đẹp, thật hứa hẹn. Họ hàng nhà chuột, trải qua bao đời đã trở nên mềm dẻo và thích ứng. Gọi đó là tư tưởng cũng tốt mà là bản năng sinh tồn mách bảo thì có lẽ giản dị và phù hợp với người Việt hơn, một dân tộc có những con người hiền hòa muốn chung sống hòa bình, muốn tất cả cùng được hưởng niềm vui, vì đích đến của cuộc sống, dù rộng lớn bao nhiêu thì cũng là sinh sôi nảy nở. Và chính điều này tạo nên những giá trị tư tưởng mang đậm chất văn hóa Việt.

… đến tem thư và nghệ thuật gốm sứ

Không chỉ xuất hiện trên tranh dân gian, “Đám cưới chuột” còn đi vào nhiều tác phẩm, vật phẩm trang trí khác. Đặc biệt, Đám cưới chuột đã được chọn để thực hiện thành tem bưu chính Việt Nam. Bằng sức lao động nghệ thuật sáng tạo, ý thức làm việc nghiêm túc, các họa sĩ đã đưa ra nhiều mẫu tem đẹp về hình thức, sâu sắc về nội dung, phong phú về ý tưởng và sáng tạo về bút pháp. Theo đó, ngay từ năm 1972 và năm Bính Tý 1996, ngành bưu điện Việt Nam đã quyết định cho thực hiện bộ tem “Tranh dân gian” và Tem Tết Bính Tý. Bộ tem do hai họa sĩ Đỗ Việt Tuấn và Đặng Quang Lạc thực hiện. Bộ tem Đám cưới chuột, trải qua gần nửa thế kỷ, giờ đây đã trở thành con tem quý hiếm đối với giới sưu tập: “Chú chuột cách điệu vào tem/ Dịu dàng uyển chuyển bên thềm mùa xuân”.

Tem đám cưới chuột

Đặc biệt, đề tài thú vị này cũng đã thu hút được các nghệ nhân làm gốm Biên Hòa sáng tác trên nhiều sản phẩm gốm: bình hoa, tranh gốm, đĩa trang trí, chậu hoa... Cùng với mùa xuân rạng rỡ, họa tiết trên gốm Biên Hòa như hòa mạch trong không khí đón xuân bằng những hình ảnh, chủ đề mang lại ý nghĩa may mắn, hạnh phúc.

Nếu những đề tài có tính chất hiện thực chọn lọc từ trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của các dân tộc Việt Nam thời hiện đại đã làm cho gốm Biên Hòa có những mảng cảnh trí đậm đà dư vị và tình tự quê hương thì các đề tài cổ điển, tự thân chúng luôn hàm chứa biểu trưng có ý nghĩa chúc tụng cát tường như ý vốn đã bén rễ trong thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc lâu đời, nên cũng đáp ứng được yêu cầu hiếu cổ của người thời nay cũng như yêu cầu hiếu kỳ của khách quốc tế.

Nhân năm con chuột này, gốm Biên Hòa cũng không quên khai thác đề tài về đám cưới chuột trên gốm. Những chiếc bình với tích đám cưới chuột hiện lên trên cốt gốm bỗng trở nên sống động và hồn nhiên nhờ những nét chạm khắc tinh tế, mảng màu phong phú được điểm xuyến hài hòa, cộng với lối tạo hình phảng phất nét Tây Âu pha lẫn tinh thần Đông Á vốn là nét đặc trưng của dòng gốm này, khiến cho bức tranh đám cưới chuột thêm phần khởi sắc. Trong không khí của mùa xuân đầm ấm, treo tranh đám cưới chuột, ngắm nhìn hồn gốm, suy ngẫm về tem, khiến ta có thể nghĩ rằng đây là dòng tranh Tết nên nó thuộc loại tranh khánh chúc cát tường như ý, đồng thời biểu thị điều mong cầu của gia chủ. Theo đó, trong tranh Trạng chuột vinh quy, chuột – ngoài biểu tượng của sự thành đạt, còn biểu thị điều mong cầu cho phúc lộc. Bởi lẽ, Phúc theo nghĩa truyền thống là sinh con đẻ cháu đầy đàn để truyền dòng họ và chuột và đàn chuột trong bức tranh này cũng hàm ý… phồn thực, đặt trọng tâm vào năng lực sinh sản dồi dào. Đó cũng chính là mong cầu cho một năm mới hạnh phúc và bình an. Xã hội đã sang trang, tranh chuột càng sáng giá, nó vẫn “tưng bừng” đi vào nghệ thuật tem thư, gốm sứ, đồ án... để làm vui cuộc sống, triết lý nhân sinh khi mỗi dịp xuân về.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối